BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhờ nguồn vốn giúp thay đổi cuộc đời 

Cập nhật ngày: 03/10/2022 - 00:08

BTN - Gần 10 năm sống trong cảnh nghèo, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của địa phương- nhất là Hội Nông dân xã, vợ chồng chị Hồ Thị Kim Thắm và anh Võ Mê Rắc (ngụ ấp Bàu Đưng, xã Tân Phong, huyện Tân Biên) đã vượt qua khó khăn, có cuộc sống ổn định.

Vợ chồng anh Rắc, chị Thắm cùng làm việc.

Thời gian trước, để lo cho cuộc sống, anh Rắc và chị Thắm đi làm mướn làm thuê. Được Hội Nông dân xã hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vợ chồng chị Thắm mua 1 con bò "làm của". Chị Thắm nhớ lại: “Có vốn, hai vợ chồng đắn đo, suy nghĩ coi nuôi con gì cho hiệu quả. Vậy là cuối cùng chọn nuôi bò vì rủi ro thấp, lại phù hợp với điều kiện gia đình. Nhờ đó mà đến giờ hai vợ chồng tôi đã có đàn bò 6 con. Cũng nhờ nuôi bò mà có vốn làm thêm những việc khác”.

Có bò, có vốn, chị Thắm đầu tư buôn bán nhỏ, anh Rắc tập tành trồng kiểng giống. Đến nay, việc buôn bán của chị Thắm đã ổn định, có tiền lo bữa ăn gia đình hằng ngày. Vườn kiểng giống (chủ yếu là bông trang) của anh Rắc đã lên đến hơn 2.000 cây và có thu nhập định kỳ nhờ vào bán cây giống. Cuộc sống của gia đình anh chị ngày càng ổn định hơn.

Để có được hiện tại, vợ chồng chị Thắm, anh Rắc không ngại khó, luôn nỗ lực làm việc. Sau mỗi buổi chợ, chị Thắm lại tất tả về lo việc nhà, con cái. Chị còn nhận may gia công thú bông để tăng thêm thu nhập. Anh Rắc cũng chủ động tìm tòi học cách chiết, ghép cây nhân giống bông trang để luyện tay nghề. Anh cũng không ngại đi đến các huyện trong tỉnh hay xuống các tỉnh miền Tây để học hỏi thêm. Đến giờ, anh Rắc đã khá lành nghề. Nhờ khéo tay, anh học được cách tạo hình, tạo dáng cây để tăng giá trị cho cây kiểng.

3 năm qua, với sự nỗ lực, cần cù làm ăn, vợ chồng anh Rắc, chị Thắm đã thoát nghèo. Đời sống ổn định hơn, anh chị cũng sửa sang được mái nhà kiên cố giảm bớt những nỗi lo toang. Sau thoát nghèo, anh chị tiếp tục được Hội Nông dân xã hỗ trợ vay vốn dành cho hộ thoát nghèo 40 triệu đồng để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất và đang mang lại hiệu quả. Không chỉ tận dụng đất nhà để sản xuất, anh còn thuê thêm đất để trồng hoa để tăng quy mô vườn.

Chị Thắm nói: “Nhờ nguồn vốn này mà chúng tôi đã có điều kiện để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nỗi lo trả nợ cũng không nhiều vì mức trả phù hợp. Tôi hy vọng sau đợt này chúng tôi sẽ không cần vay nữa, để nguồn vốn dành cho những hộ còn khó khăn hơn”.

Trải qua cảnh nghèo nhiều năm, nhưng vợ chồng chị Thắm, anh Rắc luôn sống với tinh thần lạc quan. Khi cuộc sống vừa mới qua khó khăn, chưa dư dả gì nhưng vợ chồng chị Thắm, anh Rắc vẫn muốn được chia sẻ. Bởi với anh chị, trong cảnh khó mình được nhiều người sẵn lòng giúp đỡ thì mình cũng biết học cho đi để sống vui hơn.

Khi xong việc nhà, chị Thắm lại tỉ mỉ may thú bông gia công

Mới đây, sau một vụ bán cây giống, dẫu ít tiền nhưng anh chị đã cùng nhau mua gạo, nhu yếu phẩm để tặng bà con còn nghèo khó trong khu vực. Chị Thắm bày tỏ: “Tôi vui vì đây là lần đầu mình có thể cho đi. Khi mình khó khăn luôn nhận được những sự giúp đỡ thì khi hết khó rồi rất muốn sẻ chia. Tôi hy vọng việc này hai vợ chồng có thể tiếp tục duy trì và hỗ trợ bà con nhiều hơn nữa”.

Bị tật ở bàn tay, nhưng nghe lời ba mình, chị không nhận trợ cấp hằng tháng theo chế độ, vì nghĩ có thể nhường phần cho người khác cần hơn. Cứ vậy, chị sống tự tin và luôn giỏi giang trong mọi việc. Bàn tay dẫu khuyết tật nhưng chị vẫn mỗi ngày khéo léo chuyện nội trợ hay may từng mẫu thú bông. Với chị, sự tự tin mang lại cho mình nhiều niềm vui.

Anh Rắc cũng vậy, dù luôn bận rộn với nhiều công việc để nuôi gia đình nhưng hơn 10 năm nay anh vẫn là thành viên tích cực của Đội tuần tra nhân dân xã. Hễ khi có việc cần là anh liền tham gia. Anh Rắc chia sẻ: “Ban ngày nếu bận việc mưu sinh thì tôi tham gia làm việc buổi đêm. Miễn là có thể cùng anh em góp sức làm việc”.

Bây giờ, với anh Rắc, chị Thắm không còn phải lo bữa cơm mỗi ngày như trước đây mà có thể tính đến những việc to hơn, chăm lo cho gia đình mình tốt hơn. Tất cả những đổi thay này là nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của anh chị và sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của địa phương.

Vi Xuân