BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhớ những ngày nghỉ tết 

Cập nhật ngày: 27/01/2022 - 19:35

BTNO - Là học sinh, chắc em nào cũng khoái những tháng nghỉ hè và những ngày nghỉ tết nguyên đán. Đối trẻ em con nhà khá giả thì những tháng nghỉ hè được ở nhà vui chơi thỏa thích, hay được cha mẹ cho đi du lịch đó đây tha hồ mà mở rộng tầm nhìn. Còn những ngày nghỉ tết thì nô nức đón mừng những bộ trang phục mới, thưởng thức những món ngon vật lạ, nhất là được nhận những phong bao lì xì tiền mới mà rủng rỉnh du xuân…

Đối với trẻ em con nhà nghèo khó ở vùng quê nghèo ven sông rạch như chúng tôi, những tháng nghỉ hè là khoảng thời gian khá lý tưởng để các cô, cậu học trò lao động chân tay, phụ hợ cha mẹ phần nào trong cuộc mưu sinh. Nhất là những ngày nghỉ trước tết, những đứa trẻ con nhà khó khăn ở quê tôi, trong đó có anh em tôi cũng tranh thủ được khoảng thời gian “nhàn rỗi” ngắn ngày này để góp phần cùng với ba má  tạo cho gia đình mình một cái tết vui tươi đầm ấm, với những bữa ăn thấm đậm truyền thống dân tộc.

Dù không có cao lương mỹ vị, nhưng cũng tạo cho gia đình  mình một cái tết đầm ấm, mà không phải “ở lại phía sau” chờ những món quà tết từ những tấm lòng hảo tâm, hay những tổ chức từ thiện xã hội. Hồi tôi còn nhỏ, dưới sông rạch, cũng như trên ruộng đồng quê tôi còn nhiều cá đồng lắm.

Mỗi năm, cứ vào những ngày đầu được nghỉ tết cũng đúng vào dịp con nước “hai mươi lăm” tháng Chạp (từ khoảng ngày 23 đến ngày 26 hoặc 27), nước dưới dòng rạch quê tôi cạn rất nhiều. Lúc này nước trên những cánh đồng ruộng gò đã khô cạn. Còn những đám ruộng lung, rộc, sâu trũng nhiều sình lầy, được chủ ruộng đắp bờ, làm bọng cẩn thận để cấy lúa và giữ cá đồng thì vẫn còn đầy nước.

Ở những đám ruộng này, hồi đó các chủ ruộng chỉ giữ cá, chớ không phải nuôi cá. Tức là các chủ ruộng không có thả bất cứ loại cá nào xuống ruộng, cũng chẳng có cho cá ăn một miếng thức ăn nào hết. Cá từ sông rạch vào, hoặc từ trên cánh đồng ruộng gò rút xuống trú ẩn sinh sống.

Chủ ruộng chỉ đắp bờ cẩn thận để giữ cho ruộng luôn đầy nước và cá ở yên trong ruộng. Rồi chờ đến những tháng nắng hạn (tháng Giêng, hoặc tháng Hai âm lịch) nước cạn “sát sông”, mà rút bọng, khai ruộng bắt cá. Ngoài những đám ruộng gò cao khô cạn nước và những đám ruộng sâu trũng, nhiều sình lầy mà chủ ruộng đắp bờ cẩn thận để cản nước, giữ cá, trên cánh đồng quê tôi còn có những đám ruộng không quá gò, mà cũng chẳng quá trũng, mặt ruộng cũng có bùn, nhưng ít sình lầy.

Những đám ruộng này nằm giáp với với những trũng, lung láng, sông rạch, mà bà con quê tôi thường gọi là những “đám biền”, “đám vai”… Vào con nước hai mươi lăm tháng Chạp, những “đám biền”, “đám vai” này, do chủ ruộng cũng không có be bờ cản nước, giữ cá, nên ruộng cạn nước.

Ruộng cạn nhưng, không phải cạn khô, ở những chỗ trũng trong đám ruộng vẫn còn nhiều nước. Đồng ruộng lúc ấy còn rất nhiều cá, nên “chỗ nào có nước là có cá”. Đây chính là những chỗ cho anh em tôi tìm đến mà tự do “khai thác thuỷ sản” trong những ngày đầu mới nghỉ tết, mà không ai rầy la, cấm cản…

Sáng sớm, sau khi điểm tâm vài chén cơm nguội cho “chắc bụng”, hai anh em tôi, mỗi đứa lấy một cái thau nhôm, một cái rổ thưa và một cái đụt... Rồi xuống rạch, chèo xuồng qua đồng bưng mà bắt cá. Chúng tôi tìm đến những đám biền, đám vai, những đám ruộng nhỏ hẹp còn ít nước, mà chủ ruộng không có cắm “cây ngông” (một biểu tượng cấm bắt cá).Trước hết, chúng tôi nhắm chừng góc ruộng nào còn nước và đoán là có cá trú ẩn, rồi móc gốc rạ cùng với bùn đất be một bờ tạm xung quanh.

Sau đó khai nước cho cạn. Chỗ nào khai không cạn, chúng tôi phải dùng thau nhôm tát nước. Tát cạn nước, chúng tôi mò bắt cá. Chỗ nào còn đọng nhiều nước thì lấy rổ mà xúc. Tuy những góc ruộng nhỏ hẹp, ít nước, nhưng hồi đó nhờ cá đồng còn nhiều, nên anh em tôi cũng bắt được nhiều cá.

Chịu khó tát nước, rồi xúc, bắt từ cá bã trầu đến cá sặc, rô đồng, tràu cửng (cá tràu nhỏ), trê đỉa (cá trê nhỏ)… con nào vô rổ nhảy lưng tưng là chúng tôi túm hết cho vào đụt. Hết xúc chỗ còn nước, anh em tôi mò chỗ cạn. Những con cá rô mề, tràu chua (tràu bự), trê nù… có chúi sâu trong bùn cũng khó tránh khỏi hai bàn tay điêu luyện và mò kỹ của chúng tôi.

Đến trưa, khi hai cái đụt của hai đứa bắt đầu nặng cá, thì anh em tôi ra rạch, chèo xuồng về nhà. Chị tôi đổ cá ra lựa. Cá ngon và sống chị đem rọng, còn bã trầu, sặc nhỏ, rô binh tich, tép… thì um ăn bánh tráng, cá lớn mà chết thì chị mần kho ăn liền, hoặc muối để dành bữa sau chiên ăn.

Cơm trưa muộn xong, nghỉ ngơi một chút, đến lúc xế, anh em tôi mỗi đứa vác một bó câu, với khoảng một trăm cần đi cắm câu đêm. Lúc này anh em tôi cắm câu bằng mồi cào cào, nên không phải đi bắt nhái, hay đào trùn (hai loại mồi cắm câu) trước. Chỗ cắm câu của anh em tôi là những bờ láng ven rạch và những đám ruộng sâu trũng nhiều sình lầy mà chủ ruộng đắp bờ giữ cá.

Hồi đó con cá đồng chưa “quý hiếm”, nên dù giữ cá, nhưng chủ ruộng không cấm những người cắm câu dưới ruộng mình. Qua ruộng, chúng tôi chọn luồng “chạy câu”. Tức là cặm cần câu đứng xuống chỗ mà mình định cắm. “Chạy câu” xong, chúng tôi đi quơ cỏ theo bờ tìm cào cào bắt, rồi móc vào lưỡi câu và cắm câu. Vừa bắt mồi (cào cào) vừa cắm câu, anh em tôi mỗi đứa cắm xong luồng câu thì trời cũng bắt đầu nhá nhem tối.

Chúng tôi vội vả ra về. Chúng tôi cắm câu để qua đêm, đến tờ mờ sáng hôm sau mới đi cuốn câu.  Cào cào là món ăn thường ngày của cá đồng, nhất là vào khoảng tháng mười một, tháng Chạp. Lúc ấy lúa mùa gặt vừa xong, cào cào đậu trên góc rạ, gần mặt nước, cá từ dưới nước, nhất là cá tràu và cá rô đồng nhô lên táp mồi.

Vì vậy, mà lúc này câu cá bằng mồi cào cào cũng rất nhạy. Sáng nào đi cuốn câu, chúng tôi cũng được nhiều cá, mà toàn là cá ngon như rô mề, cá lóc, trê nù… Tất nhiên là những con cá sống và ngon chị tôi lựa ra một phần để bán và một phần rọng lại để dành ăn tết.

Hết con nước hai mươi lăm tháng Chạp, khoảng từ ngày 27 đến ngày 30, nước dưới rạch lại dâng cao. Những láng lúa ven rạch (không có bờ bao) ngập nước, buổi sáng chúng tôi không đi tát cá trên những “đám vai”, “đám biền” nữa, mà chuyển hướng qua cách khai thác thuỷ sản khác, phù hợp với con nước lớn ở dưới các láng lúa, láng cỏ ven sông rạch.

Đó là chúng tôi đi “kéo tre”. Kéo tre là cách đánh bắt cá rất đơn giản. Dụng cụ bắt cá là một cây tre khô, dài khoảng mười thước, một (hoặc hai) cái nơm và tất nhiên phải có đụt đựng cá. Lung, láng nước ngập từ đầu gối cho đến lưng quần đều kéo tre được. Cây tre khô dài được cột dây chuối ở hai đầu. Rồi anh em tôi mỗi đứa một đầu, cầm sợi dây chuối, long dưới láng kéo ngang cây tre trên mặt nước.

Mắt nhìn ngược về phía sau, chỗ cây tre vừa kéo qua. Khi tre kéo qua, tạo tiếng động, cá phía dưới hoảng hốt, chúi xuống bùn và bựng tim lên (sủi bọt nhanh). Cá lớn, chúi mạnh, sâu thì sủi bọt lớn. Khi thấy bựng tim là anh em tôi dừng lại ngay và cầm nơm đến úp xuống chỗ tim vừa bựng, rồi nhấn nơm sâu xuống bùn, mò bắt cá. Kéo tre bắt toàn là cá lựa (tràu bự, rô mề). Đi đúng buổi, mỏi chân và cũng đầy đụt cá anh em tôi lại chèo xuồng về. Dù kéo tre được nhiều cá ngon, nhưng xế chiều anh em tôi vẫn tiếp tục vác cần câu, rồi bắt cào cào mà cắm câu đêm.

Sau những ngày được nghỉ học trước tết ngắn ngủi, anh em tôi, cũng như không ít những đứa trẻ con nhà nghèo quê tôi, biết tận dụng tối đa khoảng thời gian quý giá này để tát cá lúc nước cạn, kéo tre lúc nước dâng đầy và cắm câu khi chiều xuống đêm về. Nhờ vậy trẻ nhỏ chúng tôi đã kiếm được nhiều cá đồng, không chỉ có cá rọng để dành ăn tết, mà chị tôi còn bưng đi bán bớt.

Dù giá bán cá lúc ấy so với thời giá bây giờ thì nó rẻ lắm, nhưng cũng kiếm được chút đỉnh tiền để nhà tôi mua được vài ký thịt heo ăn tết. Vậy là trong ba ngày tết cổ truyền của dân tộc, nhà tôi cũng có được nồi thịt heo kho tàu (mua thịt từ tiền bán cá) và chủ lực là các món cá. Trong đó có món cá nướng trui, cuốn với rau sống trong chiếc bánh tráng nem bột gạo to dày, dẻo ngon được làm từ gạo nhà, giữa những ngày tết cổ truyền dân tộc.

Trẻ em ở quê tôi bây giờ sướng hơn hồi tôi còn nhỏ rất nhiều. Những ngày nghỉ trước, trong và sau tết, phần lớn các em được vui chơi thoả thích với những phương tiện hiện đại. Mà ngày nay, dù cho các em, nhất là những trẻ em nhà gặp khó khăn có muốn đi đánh bắt cá (như trẻ em bọn tôi trước đây) để bổ sung bữa ăn ngày tết cho gia đình cũng không được. Vì cánh đồng ruộng và sông rạch quê tôi ngày ngày con cá đồng thật sự khan hiếm lắm rồi. Những ngày nghỉ trước tết đi tát cá, kéo tre, câu đêm… để cải thiện bữa ăn ngày tết của bọn trẻ chúng tôi chỉ còn trong ký ức.

T.L