Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bao kỷ niệm ngày nào cứ ùa về khi lật giở từng trang lưu bút có nét chữ của bạn bè và những bức ảnh ố màu thời gian nhưng đong đầy thân ái. Nhớ nhiều lắm, nhớ thầy cô, bạn bè, ghế đá, nhớ hàng cây tràm vàng tuôn hoa trên tóc bạn mỗi lúc gió lướt qua.
Mấy hôm nay, lũ bạn học hồi phổ thông chộn rộn tổ chức cho ngày họp mặt kỷ niệm hơn hai mươi năm ra trường, í ới gọi nhau đùa vui như chưa từng cách xa, như mới hôm qua còn ngồi chung một lớp.
Bao kỷ niệm ngày nào cứ ùa về khi lật giở từng trang lưu bút có nét chữ của bạn bè và những bức ảnh ố màu thời gian nhưng đong đầy thân ái. Nhớ nhiều lắm, nhớ thầy cô, bạn bè, ghế đá, nhớ hàng cây tràm vàng tuôn hoa trên tóc bạn mỗi lúc gió lướt qua. Còn một kỷ niệm mà cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in.
Trưa hè đổ lửa của những năm chín mươi, lúc đó tôi học lớp chín ở trường cấp hai-ba của huyện. Một sáng trời nắng vàng, thầy giám thị bước vào lớp thông báo nội dung gì đó mà tôi mải đùa cùng bạn không nghe thấy. Lúc tôi nguýt bạn ngồi bên dãy đối diện thì trùng lúc thầy đi ngang qua “dính đạn”.
Lập tức, thầy dừng lại ngay chỗ tôi ngồi và gọi tôi đứng lên “giũa” te tua vì dám vô lễ với thầy. Giọng thầy rất giận dữ, ánh mắt nảy lửa làm tôi rất sợ, thầy bảo tôi bước ra khỏi lớp nhưng tôi cứ cúi gằm mặt không nhúc nhích mặc cho thầy la cỡ nào cũng không chịu đi.
Thấy tôi đổ “lì”, thầy không nói gì nữa rồi đi về phòng hội đồng. Mấy ngày sau, tôi vẫn không dám nhìn thẳng vào mắt thầy. Nhưng thầy đối xử với tôi trìu mến, ngọt ngào như chưa từng có chuyện gì xảy ra, trong khi thầy nổi tiếng ở trường là rất khắt khe và nguyên tắc, chưa có một học sinh nào chưa từng bị thầy phạt, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì lên phòng “uống trà” viết kiểm điểm. Sau khi tốt nghiệp ra trường, hơn hai mươi năm qua, tôi đã không một lần quay về lại thăm thầy và thăm trường. Nghe tin thầy đã nghỉ hưu, tôi nghe buồn đến lạ…
Bao nhiêu năm tháng đã qua đi, mái ngói, tường rêu dần theo thời gian nên trường được xây lại với những dãy lầu cao và đầy đủ thiết bị dụng cụ phục vụ cho học tập. Những lứa học sinh sau sẽ không còn biết tới một ngôi trường đã từng ghi dấu ấn trong tim của đàn anh, đàn chị, có gốc phượng già sau lưng dãy phòng học mà giờ ra chơi từng nhóm bạn nam đã lén trèo lên hái hoa cho bạn nữ kết bướm ngày chia tay niên học cuối; rồi lấy nụ phượng chọi nhau đùa giỡn chí choé, rồi giận nhau vì lỡ tay làm bạn đau, quyến luyến khôn nguôi những dấu yêu một thuở.
Trên bước đường mưu sinh mệt mỏi hay đang bôn ba chân trời góc bể, các bạn và tôi sẽ lưu giữ trong ký ức những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời.
NGUYỄN HỒNG VÂN