Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhớ nồi nước xông của nội
Thứ bảy: 08:23 ngày 17/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ nhỏ anh em tôi được bà nội nuôi dạy, chăm sóc, tối đến trời nóng, nội dùng quạt làm bằng lá cọ luôn tay quạt mát cho chúng tôi ngủ, vừa quạt vừa kể chuyện cổ tích. Không biết chữ, nhưng nội biết rất nhiều câu chuyện, truyện Kiều. Tối nào nội cũng đọc một đoạn cho chúng tôi nghe.

Ảnh minh hoạ

Quê tôi vùng Tây Bắc núi rừng bạt ngàn, cuộc sống nhờ vào rừng, có rất ít đất trống để trồng lúa, bắp, sắn (khoai mì). Sắn trồng từng gốc (cây), nhà tôi có năm trồng được tới 200 gốc, nhờ chăm sóc tốt, mỗi gốc cho tới 10 cân (kg), thế là năm ấy không sợ bị đói.

Trong vườn nhà, nội trồng đủ các loại cây vừa làm rau ăn hằng ngày, vừa làm thuốc chữa bệnh như sả, gừng, hương nhu; cây ăn trái nào cam, quýt, chanh, ổi, mít, bưởi… mùa nào quả nấy. Anh em tôi thoả sức trèo hái quả chín. Mít ăn múi, hạt gom lại để ở góc bếp để dành luộc hay nướng ăn chống đói.

Cam, quýt bưởi bóc vỏ gom lại phơi khô để đốt hun khói chống muỗi, hay cho vào nồi nước xông hơi chữa bệnh. Nội không cho anh em tôi trèo cây để hái trái cây, nội đốn cây trúc già làm sào cho chúng tôi hái quả chín. Hằng năm, cây nào có trái chín bói, nội hái, đem rửa sạch chưng lên ban thờ tổ. Nội bảo: “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Thấy anh em tôi giành nhau lấy nhiều quả chín, nội ôn tồn khuyên: “Các cháu lấy ít thôi, ăn hết lại lấy nữa, lấy nhiều ăn không hết bỏ đi là có tội”.

Tết Ðoan ngọ năm nào cũng vậy, nội dậy rất sớm, ra vườn hái các loại nhánh cây, lá đem phơi khô để dành nấu nước uống mỗi ngày. Nội không quên hái mớ trái mận móc thép, chia mỗi thành viên trong nhà 2 quả ăn sáng sớm mùng Năm để “giết sâu bọ”.

Ăn mận xong, nội cho mỗi đứa 2 cái bánh nếp đậu đen tẩm tro lá gùn. Gần trưa nội gọi tất cả anh em tôi vào nhà ngồi quanh nồi nước xông, cái mền trùm kín cả người mấy đứa, nồi nước lá cây được mở ra nóng hôi hổi, thơm phức, một lát đứa nào cũng toát mồ hôi ướt đẫm. Xông hơi xong, nội pha nước vừa đủ ấm cho anh em tôi tắm, nội bảo: “Mùng Năm, dù không ốm (bệnh), không cảm cúm cũng xông lá thuốc, tắm nước lá thuốc cho khoẻ cả năm”.

Nội tôi sống gần trăm tuổi, không bao giờ đến bệnh viện, không biết đến viên thuốc tây là gì. Thấy trong người khó ở, nhức đầu sổ mũi, khó thở, nội sai mẹ tôi ra vườn bẻ 9 loại nhánh lá cây thuốc cho vào nồi nấu nước xông hơi.

Nội ngồi trên ghế cao để nồi nước sôi dưới chân, trùm mền kín cả người, tay từ từ mở nắp nồi nước đổ thêm lưng chén rượu vào xông cho toàn thân ướt sũng. Xông hơi xong dùng nước tắm khi nước còn ấm.

Xong việc, nội ăn một tô cháo trắng với củ hành đỏ. Hôm sau nội đã dậy thật sớm chuẩn bị ăn sáng, sau đó lên rừng hay ra rẫy lao động. Những năm ở với nội, tôi nhớ ít nhất 3 lần bị cảm cúm được nội nấu nồi nước lá thuốc cho xông hơi, tắm và ăn cháo với củ hành đỏ.

Nội tôi đã ra đi rất thanh thản, trước khi đi xa, nội đòi được xông hơi, tắm nước lá thuốc, thay quần áo mới, rồi ăn vài muỗng cháo với củ hành đỏ. Ăn xong cháo, nội gọi tất cả con cháu lại dặn dò vài việc rồi từ từ thiếp đi. Vài giờ sau nội đã về với tiên tổ.

Nội đã ra đi gần 20 năm, nhưng tôi vẫn nhớ những nồi nước lá cây thuốc xông hơi của nội. Mỗi khi thấy trong người khó chịu, nhức đầu, khó thở, tôi bảo vợ ra vườn bẻ 9 loại lá cây gồm: sả, gừng, lá chanh, bưởi, quýt (có thể dùng vỏ khô), lá ngải cứu, cúc tần, hương nhu, quế chi để nấu nồi nước xông. Xông hơi xong tôi cũng tắm, ăn cháo với củ hành đỏ như nội đã từng chỉ dẫn ngày xưa...

HIỀN LƯƠNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục