Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
NHÂN NGÀY THƠ VIỆT NAM, NGUYÊN TIÊU TÂN SỬU 2021:
Nhớ Quán Thơ núi Bà Đen
Thứ hai: 23:37 ngày 22/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cách nay 38 năm, Tây Ninh khai mạc Hội xuân núi Bà Đen đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại vùng núi non, tháng Giêng (âm lịch) năm ấy, có một Quán Thơ đơn sơ mái lá trở thành nơi tụ hội của những người yêu thơ trong và ngoài tỉnh vào dịp tết đến, xuân về.

Tác giả giới thiệu về quán thơ cho các bạn văn nghệ sĩ Gò Dầu cách đây 5 năm, tại địa điểm Quán Thơ núi Bà Đen.

Năm đó, tuy là lần đầu tiên, nhưng Hội xuân núi Bà Đen khá quy mô, với sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, tổ chức triển lãm, hình ảnh, hiện vật về truyền thống đấu tranh cách mạng cùng thành tích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân dân Tây Ninh.

Nhiều gian hàng giới thiệu đặc sản Tây Ninh được bố trí dọc theo trục đường từ cổng đến chân núi. Nhà văn Vân An (Trần Vạn An, thường được gọi thân mật là Bảy Vạn An) lúc ấy là Phó Ban nghiên cứu lịch sử Đảng - Tỉnh uỷ kiêm Phó Giám đốc Đài Phát thanh Tây Ninh là người nảy ra ý tưởng mở Quán Thơ.

Nghĩ là làm, ông nhanh chóng xây dựng một đội ngũ quản lý gồm 2 bộ phận: Bộ phận thường trực do chính ông đứng đầu với vai trò “chủ quán” kiêm “chủ xị” (hồi đó chúng tôi gọi vui như thế, nhưng ông Bảy rất thích) cùng với các thành viên như tôi - phóng viên Văn xã - Chính trị, Xuân Thới - biên tập viên văn nghệ Đài Phát thanh, nhà văn Xuân Sắc, nhà thơ Phan Phụng Văn- một cây bút nữ quen thuộc trong tỉnh đã xuất bản thơ từ năm 1959, nay đã ngoài 90 tuổi cùng một số anh em làm nhiệm vụ tiếp khách, xướng hoạ thơ.

Bộ phận thứ hai chuyên lo việc cung cấp… rượu và mồi, gồm ông Đoàn Văn Dời (Tám Dời), các chị Hồng Đức, Phan Ngọc Diệp, anh Lương Hoài Vũ- sau này là Giám đốc Đài PT-TH tỉnh, anh Sáng cùng một số bạn trẻ ở Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng.

Tôi còn nhớ, bộ phận này rất hiểu ý ông Bảy, chỉ phục vụ một loại rượu mà ông thích nhất là rượu đế chính gốc Trảng Bàng quê hương ông; mồi nhậu gồm khô nướng, đậu phộng rang, bánh tráng Trảng Bàng cùng vài món chua…

Một tuần trước ngày khai mạc Hội xuân, ông Bảy lên núi, lặn lội tìm một địa điểm thật thích hợp và lý tưởng để dựng quán. Quán được dựng bằng tre, lợp tranh, kiểu nhà sàn, cách Đài tưởng niệm liệt sĩ núi Bà Đen hơn 100m. Từ đó rẽ trái, theo một con đường nhỏ giống đường bờ ruộng lúa, qua một chiếc cầu nhỏ bắc ngang một con suối nhỏ, rồi đến một đoạn dốc đá nữa là đến Quán Thơ. Phía trước có một cây tre cao gần 4m như cây nêu, treo tấm bảng nhỏ đề hai chữ Quán Thơ. Nằm trên điểm cao, xung quanh có nhiều tảng đá lớn, cây xanh phủ bóng mát, gần như tách bạch khỏi không khí ồn ào, náo nhiệt của Hội xuân. Khách thơ đến quán, chỉ cần leo lên nhà sàn rồi ngồi xúm xít với nhau uống rượu, ngâm thơ.

Tôi được ông Bảy phân công biên tập và tổ chức diễn ngâm thơ tại chỗ phục vụ khách.

Trong suốt hai năm 1983-1984, Quán  Thơ thu hút khá đông đảo khách thơ lẫn những người hành hương gần xa, không chỉ ở trong tỉnh mà còn có cả thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây và Nam Trung bộ…

Đối với người hành hương, ban đầu họ đến do hiếu kỳ, dần dà bị không gian rất thơ ấy cuốn hút. Còn đối với những người yêu thơ, Quán Thơ là một điểm hẹn quen thuộc. Trong số khách thường đến quán có cả những vị cán bộ lãnh đạo, anh chị em văn nghệ sĩ tên tuổi trong ngoài tỉnh như ông Nguyễn Văn Tốt (Hai Bình) - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng)- nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, Phan Văn (Tư Văn)- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nhà thơ Xuân Quang, nhạc sĩ Xuân Hồng, Nguyễn Thống (Năm Thống)- nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh…

Mới đó mà đã 38 năm tiếng nhạc, giọng ngâm thơ ngày nào như vẫn còn văng vẳng đâu đây. Những người tham gia Quán Thơ ngày ấy, giờ hầu như đã mất, chỉ còn lại chị Năm Phan Phụng Văn và tôi! Nhớ biết bao, từng gương mặt, từng câu chuyện buồn vui! Ông Bảy Vạn An giờ yên nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ Hoà Thành, dưới bóng núi Bà Đen, thật gần Quán Thơ xưa.

Xuân này chúng tôi lại viếng núi và thắp nén thang tưởng nhớ người xưa. Chị Năm Phan Phụng Văn không thể ngăn được nước mắt, nhắc mãi những vần thơ của ông Phan Văn- người khách thân thuộc và thường xuyên nhất của Quán Thơ một thuở:

“Quán Thơ bên suối, núi Bà

Để lại nỗi nhớ đậm đà ngày xuân

Vân An khai bút tinh thần

Khách qua khách lại vài lần hỏi mua

Gió lùa cành lá đong đưa

Xin thưa thơ tặng, xin thưa làm quà...”.

PHAN KỶ SỬU

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục