Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tháng 11 lại về. Tháng 11 đối với tôi thật nhiều ý nghĩa, trong đó có ngày giỗ của thầy giáo cũ của tôi. Thầy tôi là nhà giáo- nhà thơ Trường Anh.
(BTN)- Tháng 11 lại về. Tháng 11 đối với tôi thật nhiều ý nghĩa, trong đó có ngày giỗ của thầy giáo cũ của tôi. Thầy tôi là nhà giáo- nhà thơ Trường Anh.
|
Tình thầy trò. Ảnh minh hoạ |
Tôi được học thầy năm 1963 tại Trường trung học Hiếu Thiện (Trường THPT Quang Trung bây giờ). Thầy dạy môn Quốc văn, mà tôi là kẻ dốt văn nên thường xuyên bị thầy nhắc nhở la rầy về cái tội lười viết nhật ký. Ngày xưa, thầy bắt học trò chúng tôi luyện văn bằng cách viết nhật ký. Mỗi học sinh lớp thầy chủ nhiệm, ngoài tập vở dành cho bộ môn còn phải có quyển sổ để viết nhật ký. Đến giờ học của thầy, trước tiên là xét sổ nhật ký. Biết tính tôi lười, lại ít chữ nghĩa nên thầy thường gợi ý và hướng dẫn cách viết cho tôi rất kỹ, nhưng tôi vẫn hay quên nên vẫn bị thầy phê bình khi được kiểm tra.
Tôi nhớ có lần bí quá, chẳng biết viết gì vào sổ nhật ký, tôi liền lật những trang viết ở khoảng giữa sổ ghi lại vào trang cuối đúng ngày thầy xét, lại còn chừa lề thật rộng cho thầy thấy là tôi viết rất dài. Vậy mà thầy phát hiện được. Tôi đành lãnh một roi và phải viết lại trang nhật ký đó theo quy định.
Một lần khác là bài thi Tập làm văn cuối năm học. Trước khi phát kết quả bài thi, thầy nhận xét: “Các em đã có nhiều tiến bộ, bài Tập làm văn vừa qua không có em nào dưới điểm trung bình. Nhiều em có ý tưởng rất độc đáo, ngoài sức tưởng tượng của thầy. Lát nữa khi lớp trưởng phát bài xong, có một bài được giữ lại. Bài đó có thể là bài hay nhất hoặc tệ nhất. Nếu hay nhất sẽ được tặng món quà, tệ nhất sẽ bị phạt bằng cách làm lại bài trong giờ chơi, không được ra chơi cùng các bạn”. Cả lớp đều hồi hộp. Sau khi lớp trưởng phát hết bài thi đã được thầy chấm điểm, thầy kêu: “Em nào chưa có bài đứng dậy xem nào!”. Tôi tái mét mặt mày đứng lên. Bạn bè cả lớp bàn tán. Thầy cho phép tôi ngồi xuống và bảo cả lớp im lặng nghe thầy đọc bài rồi cho ý kiến. Đọc xong, thầy chưa kịp đánh giá thì các bạn của tôi đã giơ tay: “Hay quá! Hay quá thầy ơi!”.
Từ đó, tôi chịu khó tìm tòi, học hỏi, siêng đọc sách kể cả những cuốn sách thầy cho mượn… Tôi năng viết nhật ký, dù thầy không còn nhắc nhở nữa. Tôi trở thành học sinh giỏi Văn lúc nào không hay. Vài năm sau, lớn hơn một chút tôi mới biết thầy là nhà thơ Trường Anh, tôi càng ngưỡng mộ thầy hơn.
Đã bảy năm qua, cứ đến ngày 21.11, những học trò cũ của thầy, trong đó có tôi, không hẹn mà tề tựu đông đủ tại nhà thầy để thắp nhang tưởng nhớ đến thầy. Một người thầy đã dày công dạy dỗ tôi nên người. Riêng tôi cũng bắt chước thầy tập tành viết lách, có nhiều bài thơ đăng báo… Đặc biệt, tôi đã áp dụng cách dạy Văn của thầy để dạy lại những học trò của mình và tôi đã không phụ lòng thầy mong đợi.
NGUYÊN HẠ