PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhớ tiếng chim đa đa
Thứ bảy: 08:14 ngày 25/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hai bên xã Tân Thạnh ngày trước (thị trấn Tân Châu ngày nay) còn rất nhiều rừng chồi, xen với rừng chồi là những cụm le già trải dọc theo bờ giao thông hào từ đầu xã tới cuối xã. Ðất rẫy thì còn vô số gò mối và hố bom, nên nơi đây rất thích hợp cho bao thứ như chồn, thỏ, chim chóc, nhất là cút, đa đa sinh sống và trú ngụ.

Hai bên xã Tân Thạnh ngày trước (thị trấn Tân Châu ngày nay) còn rất nhiều rừng chồi, xen với rừng chồi là những cụm le già trải dọc theo bờ giao thông hào từ đầu xã tới cuối xã. Ðất rẫy thì còn vô số gò mối và hố bom, nên nơi đây rất thích hợp cho bao thứ như chồn, thỏ, chim chóc, nhất là cút, đa đa sinh sống và trú ngụ.

Chim đa đa đậu nhánh đa

Chồng gần không lấy em lấy chồng xa

Lỡ mai cha yếu mẹ già

Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng…!

Cứ mỗi lần chiều xuống, nơi những cánh rừng thâm u ấy, nơi những đám đất rẫy vắng vẻ ấy lại vang vọng lên tiếng chim đa đa kêu “dắt bà xã tà tà…” nghe nó âm ảo làm sao. Tiếng chim chiều lẻ bạn sau một ngày đi kiếm ăn đã bao lần gây ám ảnh lấy tâm hồn tuổi thơ chúng tôi trong những chuỗi ngày xưa xa ấy.

Tiếng đa đa kêu rất khác lạ và không giống bất cứ loại chim nào. Có người vui tính thì nghe là “dắt bà xã tà tà…”, có người thích cổ tích thì lại nghe “bát cát trả cho cha”. Và thế là chim đa đa cũng có một sự tích. Tôi nghe nội tôi kể lại rằng: “Xưa có một cậu bé mồ côi mẹ, sống với cha. Cha đi bước nữa, cậu bé bị dì ghẻ hành hạ và đối xử tệ bạc.

Nhưng cha cậu nghe lời vợ, không hề biết con mình chịu nhiều đau khổ. Một lần cậu bé bị dì ghẻ bắt đi chăn vịt, chiều về không cho ăn uống đàng hoàng mà lại cho một chén cát, rồi phủ lớp cơm lên mặt bắt ăn. Cậu bé ấm ức ngồi khóc. Cha đi làm rừng về mệt thấy vậy bực bội, lại thêm lời xúc xiểm của dì ghẻ, nên người cha mới đánh cậu ta. Ai ngờ trúng vào chỗ hiểm, cậu ta chết đi, chén cơm đổ văng ra, người cha hiểu ra cớ sự, rất hối hận, bèn đuổi người dì ghẻ bạc ác đi. Mấy ngày sau, người cha ra mộ con thì thấy một con chim lạ từ dưới mộ bay lên đậu trên một nhánh cây và kêu “bát cơm cát trả cho cha”. Người cha đoán biết là oan hồn của con mình. Ðứa con chịu nhiều đau khổ…”. Nội tôi giờ đã mất nhưng chuyện xưa thì vẫn còn mãi trong lòng tôi.

Hồi ấy, trong xóm tôi còn khó khăn lắm, mấy người trai tráng khoẻ mạnh thì lo việc rừng rẫy, những người lớn tuổi thì làm bẫy chồn, bẫy thỏ hoặc bẫy chim chóc để kiếm thêm cái ăn cho gia đình. Bắt chước họ, bọn trẻ chúng tôi cũng tìm cách đi bẫy đa đa. Ða đa ngoài kêu hay, thịt cũng nhiều lại rất ngon. Ði bẫy đa đa thú vị không gì bằng.

Nhưng muốn vậy phải tìm và thuần một con đa đa mồi trước cái đã. Chọn đa đa bổi để thuần thì phải chọn con trống, vì chỉ có đa đa trống mới gáy, còn đa đa mái thì không gáy. Tìm con trống lông xung quanh cổ và ngực màu đem thẫm, nổi nhiều cườm trắng, thân dài, đầu nhỏ thuôn, hai cánh hơi xệ, đuôi hơi cụp, chân màu vàng đậm, cựa dài, quan trọng là tiếng kêu phải dứt và gọn.

Chim đa đa bổi thường rất nhát, phải cho ở trong cái lồng tương tự lồng nuôi cút mồi, lấy áo lồng trùm kín lại, chỉ để hở nơi hai cửa chỗ chim thò đầu ra ăn thức ăn và uống nước. Lồng phải treo cao chừng mét rưỡi đến hai mét, nơi yên tĩnh, sạch sẽ mát mẻ… để chim quen người từ từ.

Nuôi một con đa đa bổi để thành mồi đôi khi mất cả năm trời và phải chăm sóc kỹ càng mới được. Thường thì thuần sau tám đến mười tháng thì chim bắt đầu kêu “tắc…đa đa….tốc…khò khò…tốc khò khò”. Nếu chim lên mồi người nuôi phải theo dõi coi chim này thuộc mồi mùa hay mồi suốt. Mồi mùa kêu vào khoảng tháng ba âm lịch cho đến hết tháng bảy tháng tám, chim rừng sao thì nó vậy. Mồi suốt thì kêu sớm hơn chim rừng, khoảng tháng hai đã kêu cho đến hết tháng chín, chim thay lông thì không kêu nữa và cũng không đem đi bẫy nữa.

Dân thuần chim đa đa rất tin dị đoan và mánh khoé. Con đa đa mà đến thời kỳ sung mãn thì sau lông đuôi dưới hậu môn hay có một chòm lông ửng đỏ hoặc trắng rất đẹp. Người mê tín nói đa đa mà trổ lông đỏ nuôi nó sẽ bị cháy nhà, còn trổ trắng thì vợ lấy trai! Kỳ thực, đó chỉ là cái mánh để kêu chủ nuôi bán cho mình mà thôi.

Nuôi được đa đa mồi rồi bắt đầu lo làm bẫy. Bẫy đa đa thường có ba loại là bẫy lủi, bẫy thòng lọng và bẫy giò. Bẫy giò thì dễ, tương tự bẫy giò của gà rừng, nhưng dân bẫy đa đa thường thích bẫy lưới lủi và bẫy thòng lọng, vì hai loại này dễ dính hơn. Bẫy thòng lọng phải chọn một cây thép 4 li, uốn thành hình chữ nhật, cạnh dài khoảng 30cm, cạnh ngắn khoảng 25cm. Khung này có hai chân để cắm xuống đất, bên trong khung treo ba cái thòng lọng tròn dễ rút để bẫy.

Loại bẫy này nhạy và chim ít phát giác, nhưng thất bại là nếu bị thòng lọng siết, chim giẫy mạnh thì dễ bị thương và chết. Nên xóm tôi xưa đa phần hay dùng bẫy lưới lủi. Bẫy lưới lủi y chang cái bẫy chim cút nhưng phải to và chắc chắn hơn, vì đa đa to và rất mạnh. Mua dây dù về đan nhuộm thành túi lưới, làm khoen rút hai đầu túi. Hai đầu lưới được mắc vào một vành cung thép dẻo, dây cung phải dài khoảng 40cm. Khi bẫy cắm cung xuống đất, trùm lưới lên cung, chim chạy qua sẽ bị lưới túm gọn.

Chim đa đa kêu theo mùa từ cuối xuân cho đến hết thu. Vì vậy, đi bẫy cũng phải theo mùa này mới được. Khuya dậy sớm nấu cơm ăn rồi giở cơm và nước uống mang theo cho cả ngày. Bắt đầu cuộc hành trình lang thang vào rừng, vào trảng rẫy. Ða đa là giống rất hiếu chiến nên nó sống theo từng cặp và phân chia lãnh thổ rất cụ thể.

Kẻ này xâm nhập lãnh thổ kẻ kia là sẽ xảy ra cuộc chiến một mất một còn chứ không phải chuyện chơi. Bởi vậy, người đi bẫy đa đa phải có nhiều kinh nghiệm. Mùa sinh sản, đa đa gáy rất dữ dội, nên khi xách lồng chim mồi vào rừng thì phải chú ý lắng nghe coi tiếng chim rừng gáy ở khu vực nào, khoảng cách là bao nhiêu, rồi mới tính chuyện đặt bẫy.

Khi tiến vào lãnh thổ của con đa đa rừng đang gáy phải hết sức nhẹ nhàng và kín đáo. Ðầu tiên là dọn khoảng 4-5 luồng, mỗi luồng rộng chừng năm tấc, dài chừng bốn mét là được. Sau đó mới đặt bẫy vào các luồng, chim đa đa mồi treo lên một nhánh cây hay trên một gò mối ở khu vực giữa. Người đánh bẫy phải tìm chỗ núp thật kín, không để bị lộ, đa đa rừng bay mất. Những con đa đa mồi chiến biết cách gáy dụ và khiêu khích chim rừng. Ða đa rừng biết có kẻ lạ vào hang ổ sẽ tức tốc đến gây chiến. Thế là nó chui vào bẫy ngay. Rình bẫy đa đa rất thú vị, nhất là nghe tiếng chim mồi và chim rừng đối đáp, tiếng chạy băng băng của đa đa rừng qua các lùm cỏ, rồi cả khi kẻ hiếu chiến lọt vào trận địa mai phục…

Chuyện xưa mấy mươi năm nay nhắc lại mà cảm giác vẫn còn rần rần và hồi hộp trong người. Ngày xưa, rừng trảng còn tự nhiên lắm, nên chỗ nào cũng có đa đa sinh sống. Tiếng gáy của nó vang động một vùng- nhất là những buổi trưa thanh vắng hay những buổi chiều lặng lẽ buông ánh hoàng hôn. Tiếng chim buồn buồn, hay hay như lôi kéo tâm hồn con người ta về dĩ vãng. Ngày nay, ở xóm tôi cũng còn vài người nuôi đa đa làm cảnh, chứ không còn đi đặt bẫy như xưa. Tiếng đa đa kêu nơi phố thị bao giờ cũng có cảm giác lạc lõng, nhưng nó cũng nhắc lại ít nhiều chuyện cũ trong tôi.

Hiện nay cũng còn ít bà con dân tộc Chăm, Khmer đi đánh chim đa đa, nhưng họ phải qua tận Campuchia để tìm, khó khăn lắm với bẫy được một con, còn quanh các xã trong huyện thì hầu như không còn nữa. Và ở đây cũng xin nói thêm rằng đa đa là loại chim quý hiếm, cần phải được bảo tồn ở các khu vườn quốc gia. Cũng có vài nơi bắt đầu thuần và nuôi đa đa sinh sản. Bảo vệ chim thú và bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ cho chính cuộc sống của con người chúng ta... Mùa này đã là mùa đa đa gáy rộ. Nhớ lắm âm thanh của tiếng chim xưa và càng nhớ hơn hình ảnh của những cánh trảng rừng ven làng quê năm cũ.

Ð.T.S

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục