Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Viết ngắn
Nhớ tiếng chuông cà rem
Chủ nhật: 08:02 ngày 12/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giữa buổi trưa nắng hè oi ả, khi tiếng chuông văng vẳng từ rất xa đã thúc giục chúng tôi, đứa gọi ba, đứa gọi mẹ xin tiền để mua cà rem. Ngày ấy, mỗi cây cà rem giá năm chục đồng hoặc một trăm đồng.

Ngày ấy, ở quê tôi, thực phẩm rất khan hiếm, đặc biệt là thức ăn vặt. Với bọn trẻ, mua được vài viên kẹo hay mấy cái bánh tây, bánh đa là quý rồi vì quán tạp hoá nhỏ bé trong xóm chỉ có vậy thôi. À, có một người hay đến xóm bán hàng rong, đó chính là ông bán cà rem dạo. Bọn trẻ ai cũng thích ông bán cà rem. Nhắc đến cà rem, hẳn ai cũng nhớ đến tiếng chuông- đặc trưng của xe cà rem.

Từ đầu xóm xa, ông bán cà rem đã đánh thức cơn thèm khát của bọn trẻ bằng tiếng chuông lắc “Leng keng! Leng keng…”. Giữa buổi trưa nắng hè oi ả, khi tiếng chuông văng vẳng từ rất xa đã thúc giục chúng tôi, đứa gọi ba, đứa gọi mẹ xin tiền để mua cà rem. Ngày ấy, mỗi cây cà rem giá năm chục đồng hoặc một trăm đồng. Và chúng tôi cũng không có nhiều lựa chọn, chỉ có cà rem cây dạng khối tròn hoặc khối vuông cắt khúc. Thi thoảng, ông mới có bán thêm kem chuối.

Tiếng chuông nghe lớn dần thì cũng là lúc chiếc xe cà rem xuất hiện. Một người đàn ông gầy gò, tóc xoăn, da ngăm đen, đội nón tai bèo đã sờn cùng với chiếc xe đạp cũ kỹ không còn nhận ra màu sơn nữa. Phía sau ba-ga xe đạp ràng thùng xốp trắng, bên ngoài được bảo vệ bằng khung gỗ thưa. Bên trong thùng là những thanh cà rem, kem chuối xếp chồng lên nhau bên trên lớp đá mát lạnh. Phía trước đầu xe, ngay tay cần thắng là treo cái chuông đồng nhỏ, tuy chuông nhỏ, nhưng tiếng chuông vang rất thanh và xa.

Chưa cần tiếng người gọi mua, ông đã dừng ngay trước ngõ nhà- nơi quen thuộc mà lúc nào đến ông cũng ghé, tay liên tục lắc chuông khiến tiếng vang thêm càng dồn dập. Như đã quen, cái xóm này không nhà nào có trẻ con mà ông không biết, dù ông ở xóm kế bên.

Chờ một lát, những đứa trẻ bắt đầu xuất hiện vây quanh chiếc xe cà rem của ông, đứa nào trên tay cũng cầm tờ tiền mà chúng vừa mới xin được từ ba mẹ. Tuỳ vào số tiền mua mà ông cắt cà rem tương ứng. Đứa mua năm chục đồng thì được cây cà rem dài nửa gang tay hay cây kem chuối nhỏ. Còn một trăm đồng thì cây kem chuối lớn hay cây cà rem dài hơn.

Cây kem chuối thì được bọc ngoài là lớp vỏ bọc nylon, còn cà rem thì được xiên cây que tre dài lớn hơn cây tăm ở giữa. Mỗi đứa một cây đứng ăn ngay tại chỗ, đứa nào đứa nấy ăn nhín từng chút một, có lẽ sợ ăn nhanh mau hết? Chỉ đợi cà rem tan chảy ra rồi liếm từng chút chứ chẳng dám cắn nữa! Mà phải nói, vị mát lạnh của cà rem với vị béo của sữa, đậu phộng thật là tuyệt vời, nó như đánh tan cái nắng nóng của ngày hè.

Một điều nữa là nhiều lúc không cần tiền mà chúng tôi vẫn mua được cà rem. Đó chính là vào mùa thu hoạch điều, bọn trẻ chúng tôi chẳng cần phải xin tiền ba mẹ nữa mà mỗi đứa chỉ xin mười mấy hạt điều là đổi được cây cà rem. Ông bán cà rem thật dễ chịu, sẵn sàng đổi cho chúng tôi…

Thời gian trôi qua, chúng tôi đã lớn dần theo năm tháng. Và tiếng chuông xe cà rem năm xưa đi vào dĩ vãng. Bây giờ xã hội phát triển, thực phẩm thì phong phú vô cùng. Trẻ con giờ có thể dễ dàng mua được nhiều bánh quà hơn trước kia. Những chiếc xe gắn máy bán hàng rong như kem, bánh mì, bò lụi, xúc xích… được rao bằng tiếng nhạc dần thay thế những xe cà rem ngày ấy len lỏi đến tận xóm ấp.

Nay, tiếng chuông cà rem đã vắng từ lâu và thời thơ ấu đã xa rồi. Mỗi khi nhắc lại trong tôi vẫn in đậm những kỷ niệm thời khó nhọc với đám bạn chăn trâu trong xóm; với những trưa hè cùng cây cà rem mát lạnh và tiếng chuông giục giã vang xa…

Hữu Dư

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục