Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhớ về Long Chữ
Thứ tư: 00:40 ngày 29/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Long Chữ là một xã thuộc huyện Bến Cầu. Ðến Long Chữ, thuận tiện nhất với người từ thành phố Tây Ninh là theo đường 786, qua Thanh Ðiền, tới cầu Gò Chai bắc ngang sông Vàm Cỏ Ðông. Bên kia cầu là xã Long Vĩnh thuộc huyện Châu Thành.

Cổng đình Long Chữ.

Qua hết xã Long Vĩnh là tới Long Chữ, rồi tới Long Giang đều thuộc huyện Bến Cầu. Ở Long Vĩnh hay Long Giang, có những nơi đã hình thành thị tứ, có chợ, có phố nhà chen chúc bên nhau. Riêng Long Chữ là vẫn xóm mạc hiền hoà, cửa nhà xen ruộng lúa, rẫy, rau màu theo lối tự nhiên có tự xa xưa. Như một ốc đảo xanh trên tỉnh lộ. Tôi nhớ, đã đi qua đây bao lần mà chưa thấy bóng dáng của nền công nghiệp! Toà nhà thiết kế, sơn màu đẹp đẽ và nổi bật nhất chính là Trường mầm non Long Chữ…

Một số sách sử về huyện Bến Cầu đã nhầm lẫn khi viết về sự hình thành một số làng xã. Như sách "Truyền thống Cách mạng huyện Bến Cầu" (xuất bản 1997) viết là 4 xã Long Giang, Long Chữ, Long Khánh và Long Thuận là do “công lao mở đất lập làng” của cụ Trần Văn Thiện từ năm 1844.

Sách "Ðịa chí Tây Ninh" (xuất bản 2005) tuy không viết là do cụ Thiện, nhưng cũng ghi 1844, là năm cụ Trần Văn Thiện rời Trung Lập Thượng, Củ Chi lên Tây Ninh mở đất lập làng. Có điều này là do ảnh hưởng từ sách "Tây Ninh xưa" của tác giả Huỳnh Minh (xuất bản 1973).

Nay tra cứu lại các kết quả nghiên cứu của những nhà nghiên cứu danh tiếng miền Nam, thì không phải thế. Theo "Từ điển Ðịa danh hành chính Nam bộ" của Nguyễn Ðình Tư (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) thì: Long Chữ và Long Thuận đều “thuộc tổng Giai Hoá, huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838)”.

Long Khánh cũng thuộc tổng Giai Hoá, nhưng có từ “năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) do Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực lập…”. Riêng thôn Long Giang, được thiết lập đầu tiên là vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836).

Nhớ về Long Chữ, cũng là nhớ đến thiết chế văn hoá xa xưa làng, xã. Không nhiều và bề thế như ở một nơi đông đúc dân cư, nhưng Long Chữ có đủ các ngôi đình, miếu, dinh thờ; người được tôn thờ ở miếu, đình toàn là các vị võ quan có công với dân, với nước.

Ðình Long Chữ trầm tư, sạm màu thời gian dưới rừng cây giá tỵ rực vàng mỗi mùa xuân đến. Ðình thờ Ðức ông Huỳnh (hoặc Trần) Công Thắng, quan giữ ngôi thành bảo Cẩm Giang, cúng Kỳ yên ngày 15 và 16 tháng 2 âm lịch hằng năm.

Ở giữa cánh đồng ấp Long Thạnh, bên bờ rạch Bảo lại có dinh thờ Ðức ông Huỳnh Công Nghệ. Thoạt đầu, đấy là ngôi miếu thờ “ông Gốc”- là một đoạn gốc cây cứ bập bềnh trôi qua trôi lại trên rạch trước gò đất nhỏ. Dân làng được báo mộng là gốc cây có linh hồn một vị võ quan đã mất khi chiến đấu với quân thù.

Vậy là người dân vớt gốc cây lên, xây ban bệ, đặt thờ. Sau này mới biết vị võ quan ấy là Huỳnh Công Nghệ, em trai Huỳnh Công Giản- người có công khai phá đất đai, quy dân lập ấp và bảo vệ người dân yên ổn làm ăn, sinh sống, được nhân dân tỉnh Tây Ninh tôn phong là Quan lớn Trà Vong

Ngôi thờ tự thứ ba- ít được người ngoài xã biết đến, là ngôi miếu ở ấp Long Giao, thờ bà Chúa xứ Nguyên Nhung, được đa số nông dân Nam bộ tôn xưng là bà Chúa của ruộng đồng. Không ai biết miếu có từ bao giờ, chỉ biết là từ thời kỳ đầu ông bà đi khai hoang mở đất.

Mà thời ấy, từ một nguồn tư liệu xã Long Thành xưa cho thấy khoảng năm 1800 đã có gia đình họ Trần tới đây khai vỡ đất hoang trồng mía và cây lúa. Lại biết thêm rằng, bao lần bị đạn bom chiến tranh thời Pháp và Mỹ tàn phá, nhưng ngôi cổ miếu vẫn tồn tại giữa đổ nát tan hoang.

Tôi nhớ, ngày 15.3.2015, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Bến Cầu, lần đầu tôi viếng miếu. Khi ấy, 2 cây sộp cổ thụ tựa vào nhau trước miếu vừa mới chết, chỉ còn 2 gốc cây khô khẳng. Ngôi miếu thờ nhỏ, phần mái tôn lợp ở ngôi võ ca thì rỉ sét, những cây dầu mới trồng chỉ cao đến ngang người.

Vậy mà vào ngày 27.2.2021, ngôi miếu Bà Long Giao đã có diện mạo hoàn toàn mới. Vài lớp mái tôn vững chãi vươn dài về phía trước bao trùm luôn ngôi miếu cũ. Sàn lát gạch men bóng loáng, đường bê tông quanh co bao bọc chung quanh, dưới tán rừng dầu đã lên cao vợi.

Ðấy là kết quả của cuộc tôn tạo do Ðền Quan lớn Trà Vong Suối Vàng tài trợ năm 2017, và mới đây, của cá nhân ông Tài Lộc Ðức, một doanh nhân trẻ ở Long Giang. Chỉ ngôi cổ miếu xây lợp ngói là vẫn như xưa, cột hiên phía trước nổi bật hai hàng liễn đỏ, một đôi quen nghe, là: "Anh linh thiên cổ toại (đúng ra phải là chữ tại)/Hưng hoá tứ thời xuân"; còn đôi liễn kia có cảm giác là lạ, như thể vừa Hán vừa Nôm. Ðấy là: "Vòng vòng tinh sinh quan võ trụ/ Hích hích huê trạch phổ dân gian".

Tôi cũng hiểu ý nghĩa của đôi liễn, một cách nôm na, rằng bà Chúa xứ như các vì sao quan sát toàn vũ trụ. Quyền năng Bà hiển hách, đem đất đai hoa lợi ban khắp dân gian.

Miếu Bà, tháng 2.2021

Bà có hiển hách, quyền năng tới đâu cũng không thể tạo nên một miền đất đẹp như tranh, nếu không có lớp lớp giọt mồ hôi của người dân Long Chữ rơi trên ruộng rẫy, cánh đồng. Tôi nhớ lại một vài nơi mình đã đến ngắm nhìn. Như ở kênh Hố Ðồn, ở cuối con đường 3km chạy từ đường 786.

Thêm con kênh dài gần 3km đổ ra sông Vàm Cỏ Ðông, làm ranh giới tự nhiên với xã Long Vĩnh. Ðầu kênh có đám trẻ em chỉ 5-6 tuổi đang ngồi câu cá. Nước dòng kênh loáng bạc giữa đồng lúa miên man.

Bên kia là thấp thoáng những tầng tháp mái cong cong của ngôi chùa cổ Cẩm Phong trên đất xã Cẩm Giang. Mới hiểu vì sao cha ông xưa đã có lần dời huyện lỵ từ Cẩm Giang về Long Giang, bên hữu ngạn sông Vàm, có phải là để bảo vệ vùng đất Ngũ Long này.

Lại nhớ chuyến đi hồi đầu năm về ngôi dinh thờ Huỳnh Công Nghệ. Con đường ra miếu xuyên ngay cánh đồng Long Thạnh nở tím hoa mua, chao liệng những cánh cò. Bà con còn chỉ cho một nơi từng có đìa vuông, địa danh có từ ngày xưa. May mà đìa vẫn còn, tuy đã bị thu hẹp, nhường cho đất lúa. Bên đìa có gò, như đã từng có ai đến ở. Còn cả bến nước cầu ao như từng có ở các thôn làng.

Còn có những điều bí ẩn nào giấu sau những địa danh cổ ở miền quê Long Chữ?

Trần Vũ

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục