Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6:
Nhớ Vũ Hoàng Trương
Thứ tư: 08:37 ngày 12/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những ngày giữa tháng 5 năm nay, làng báo Tây Ninh vĩnh viễn chia tay với một tên tuổi được nhiều người yêu mến- nhà báo Vũ Hoàng Trương. Anh ra đi sau hơn mười năm kiên cường chống chọi với bệnh tật và để lại nhiều tiếc thương vô hạn.

Người thầy báo chí đầu tiên của tôi

Lần đầu tiên tôi và Vũ Hoàng Trương gặp nhau là trên đỉnh núi Bà Đen, năm 1998. Đó là dịp Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Thể dục thể thao (cũ) tổ chức giải chinh phục đỉnh núi Bà Đen truyền thống hằng năm. Lúc đó tôi là cộng tác viên của báo Tây Ninh về mảng tin thể thao, anh là phóng viên của báo, chuyên viết về hoạt động Đoàn. Do cùng trang lứa, cùng nhiệm vụ nên hai đứa nhanh chóng quen nhau.

Năm 2014, Hoàng Trương vẫn đến Đồn Biên phòng Phước Tân tác nghiệp.

Thời điểm đó, tôi chưa biết gì về nghề báo. Sau lần gặp gỡ trên đỉnh núi, tôi quyết định đi theo anh làm báo. Không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, hai thằng thường chở nhau trên chiếc xe cúp cánh én cà tàng rong rủi khắp hang cùng, ngỏ hẻm để tìm đề tài. Anh đặc biệt chú ý đến những gương đoàn viên thanh niên tốt, những hoạt động đoàn sôi nổi, những mảnh đời bất hạnh, những cộng tác viên dân số, trẻ em v.v…

Thời gian đầu, tôi chỉ làm nhiệm vụ tài xế, chở anh đến nơi. Trong khi anh tác nghiệp, tôi ngồi bên cạnh để quan sát. Trên đường về, anh dành nhiều thời gian phân tích, chỉ dẫn cho tôi biết thế nào là tin, thế nào là bài. Anh phân biệt rất rõ, trong thể loại tin có tin vắn, tin vừa, tin khai thác. Đối với bài thì có bài phản ánh, phóng sự. Trong phóng sự, có phóng sự xã hội, phóng sự điều tra, phóng sự ảnh v.v…

Anh biết nhiều về lịch sử báo chí thế giới, báo chí Việt Nam. Anh nhận thức rõ về quan điểm của báo chí cách mạng. Anh lần lượt cho tôi mượn những quyển sách “gối đầu nằm” của anh thời sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền (BC&TT). Nhờ vậy mà bước đầu tôi hình dung được thế nào là báo chí và đòi hỏi nghề báo cần phải trang bị những gì kiến thức, kỹ năng gì.    

Sau một thời gian làm quen với lý thuyết như thế, tôi bắt đầu phần thực hành. Khi gặp một sự kiện, hay một vấn đề cần phản ánh, tôi đều bảo anh ngồi sang một bên, để tôi tác nghiệp. Điều kiện đưa ra, từ khâu chụp ảnh, phóng vấn và chấp bút đều do tôi đảm trách, anh chỉ cần góp ý, sửa chữa và đứng tên, lãnh nhuận bút. Mặc dù điều kiện đã thỏa thuận như thế, nhưng anh chỉ thực hiện đúng phân nửa. Anh góp ý, sửa chữa rất thẳng thắn, nhưng phần đứng tên và lãnh nhuận bút thì anh phá vỡ “hợp đồng”. Tất cả những bài viết đó, anh đều lấy tên Trương Dương và nhuận bút đều chia đôi. Anh bảo: “Đây là công sức của hai thằng, sao mình tui hưởng được?”.

Nhờ học hỏi được ở anh nhiều điều tốt đẹp, tôi trở nên yêu nghề báo từ lúc nào không hay. Chính vì thế, năm 2008, tôi nghỉ công tác ở đơn vị cũ, xin ‘đầu quân” vào Báo Tây Ninh. Sau này, khi được học lớp báo chí do Học viện BC&TT dạy, tôi mới có dịp so sánh và thẩm định lại những kiến thức về báo chí do Hoàng Trương chỉ dẫn. Qua đó mới thấy kiến thức của Hoàng Trương về lĩnh vực này quả thật là “cứng” thiệt.

Những bài học ngoài trường đời, cũng như về cách đối nhân xử thế giữa đồng nghiệp với nhau cũng là những bài học quý giá mà tôi may mắn được học từ anh. Tiếc là hơn mười năm nay, anh đổ bệnh, sức khỏe ngày càng yếu, chúng tôi ít còn dịp cùng nhau đi tác nghiệp nên không còn dịp lĩnh hội thêm được ở anh những đức tính tốt.

Sống mãi trong tim mọi người

Ngày Hoàng Trương từ giã cõi đời, tôi mới nhận thấy, không chỉ bản thân tôi yêu quý anh mà nhiều bè bạn, đồng nghiệp, độc giả khác cũng dành cho anh tình cảm thật sâu sắc. Dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng- Nguyễn Văn Nên cũng gửi lẵng hoa chia buồn với gia đình Hoàng Trương. Nhiều lãnh đạo tỉnh đến tận tang gia thắp hương, cúng viếng anh, như Chủ tịch HĐND tỉnh- Nguyễn Thành Tâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Nguyễn Minh Triều, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Tây Ninh- Nguyễn Văn Hợp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội chuyên trách tỉnh Tây Ninh- Huỳnh Thanh Phương, Bí thư huyện Dương Minh Châu- Nguyễn Thị Xuân Hương, Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu- Trần  Văn To, Bí thư Huyện ủy Tân Châu- Nguyễn Đình Xuân, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và truyền hình Tây Ninh và nhiều cơ quan, banh, ngành tỉnh.

Lãnh đạo nhiều cơ quan báo tỉnh, thành khác, như Báo Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Báo Công an Nhân dân, Sóc Trăng không ngần ngại lặn lội hàng trăm kilomet đến tận ấp Bàu Sen, xã hảo Đước, huyện Châu Thành để thắp hương tiễn đưa anh về nơi chín suối. Anh Tạ Đình Nghĩa- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, kể: “Do bận việc, một số anh em ở An Giang không đến Tây Ninh cúng viếng Trương được, tối hôm trước đã cùng nhau tổ chức ăn những món thời sinh viên thường dùng như mì gói, cháo muối tiêu… để tưởng nhớ đến Hoàng Trương”.

Các bạn thời sinh viên báo chí đến thăm, tặng quà cho Hoàng Trương.

Anh Vũ Hoàng Long- anh ruột của Hoàng Trương cho hay: “Những ngày tang lễ, từ 4 giờ khuya đã có nhiều người đến thắp nhang cho Trương. Sau khi hỏa táng, tro cốt của Trương được đưa về yên nghỉ ở chùa Pháp Lâm (xã Trí Bình, huyện Châu Thành), một số bạn bè vẫn còn gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm, tìm đến nơi để cúng viếng”.         

Nhiều người khác, như nhà báo Nguyễn Thiện- Báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh cũng chia sẻ những kỷ niệm đẹp với Hoàng Trương trong những lần đi tác nghiệp trên đất Tây Ninh, cộng tác viên Lê Quân- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tiếc “hùi hụi” khi chưa kịp thực hiện bộ phim tài liệu về cuộc đời và nghị lực vươn lên của Trương…

Anh Kim Tuấn – Phó Tổng Biên tập Báo Đồng Nai chia sẻ trên Facebook cá nhân bài viết với nhan đề “Một Hoàng Trương nghị lực”: Trưa 13.5 anh em Báo Tây Ninh báo tin nhà báo Vũ Hoàng Trương đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện đa khoa Cao Văn Chí (huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Dù biết rằng với một người bị suy thận mãn kéo dài gần 14 năm, chuyện anh ra đi không có gì đột ngột nhưng khi biết tin sao vẫn cứ bần thần, hụt hẫng. Thế là lớp báo chí 12C năm xưa lại rơi rụng thêm 1 thành viên ngay trước thềm buổi họp mặt kỷ niệm 22 năm ra trường, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 7 này tại TP.Đà Lạt…

Mới tháng trước, vào ngày 14.4.2019, nhờ Thái Hòa (Báo Tây Ninh) dẫn đường, tôi cùng nhà báo Đoàn Phú đã ghé Bệnh viện Cao Văn Chí thăm anh. Anh nằm đó, người nhỏ thó trên chiếc giường rộng. Dưới chân anh là chiếc cặp đen quen thuộc mà có lẽ với bệnh tình ngày càng nặng, sức khỏe ngày càng suy kiệt, anh khó có thể lấy laptop viết tin, bài gửi cho Báo Tây Ninh như mọi khi.

Trước khi mọi người tới thăm anh, Thái Hòa đã nhắc đi nhắc lại rằng anh như ngọn đèn leo lét trước gió, sự sống chỉ tính từng ngày. Do đó, khi 3 anh em cùng lớp báo chí ngày xưa găp lại nhau, ai ai cũng mừng mừng tủi tủi. Anh em nắm tay, động viên anh tiếp tục chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Đoàn Phú còn day ấn huyệt cho anh để giảm bớt cơn đau. Anh cười, nụ cười hiền lành quen thuộc và giọng hãy còn lạc quan: “Các em an tâm, anh khỏe mà! Anh sẽ ráng chiến đấu tới cùng!”. Đó cũng chính là lần cuối cùng anh em đại diện lớp báo chí 12C được gặp anh…

Hoàng Trương (bìa trái) cùng các cựu sinh viên báo chí 12C tại buổi họp lớp tổ chức ở Tây Ninh.

Nhớ lại thời sinh viên lớp báo chí 12C, Phân viện Báo chí và tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền), mọi thành viên trong lớp đều có một biệt danh, như Phú Liều, Sáu Tét, Thầy Đồ, Tuấn Tăm, Vua Mít, Thiền Sư... Trong đó, anh Vũ Hoàng Trương được gọi thân mật là Tờ Rương (T’Rương), mới nghe cứ tưởng là người dân tộc thiểu số dù anh là người Kinh chính hiệu! Nguyên nhân đơn giản do anh nhỏ con, tóc hơi xoăn và da đen đen…

Mặc dù là người nhỏ con nhất lớp nhưng anh lại mê chơi bóng đá và đá cũng được. Mỗi khi trong lớp, trong trường có tổ chức chơi đá bóng là anh đều có mặt. Hóa ra anh có lợi thế ở sự dẻo dai, lắt léo, có thể luồn lách qua các cầu thủ to con của đội bạn. Ra trường, anh về quê Tây Ninh làm báo. Do cùng là phóng viên phụ trách lĩnh vực Đoàn - Hội - Đội nên mỗi khi trong khu vực Đông Nam bộ có liên hoan thanh niên tiên tiến, liên hoan thủ lĩnh thanh niên… là tôi và anh có dịp gặp nhau. Mỗi lần như thế anh em lại nhắc về bạn bè thời sinh viên, về các thầy cô từ Hà Nội vào dạy báo chí (các thầy Tạ Ngọc Tấn, Nguyễn Văn Dững, Nguyễn Tiến Hài, Vũ Hương, Hà Huy Phượng, Nguyễn Ngọc Oanh, Trần Hòa Bình…) và cùng chia sẻ kinh nghiệm viết tin bài mảng thanh thiếu niên.

Rồi kể từ khi phát hiện bị suy thận mãn tính, anh vừa làm báo vừa lo sống chung với căn bệnh này. Đều đặn mỗi tuần, cứ cách ngày anh lại bắt xe đò lên TP.Hồ Chí Minh chạy thận. Chạy thận xong, đợi cho người khỏe khỏe trở lại là anh đón xe trở về Tây Ninh để tiếp tục công việc làm báo. Ròng rã trên 10 năm với trên 1.600 lần anh đi đi về về như thế. Chỉ những năm gần đây, khi Tây Ninh đã có triển khai lọc thận, anh mới thuận tiện hơn trong việc đi chạy thận 3 lần/tuần.

Anh cho biết những người chạy thận cùng thời hoặc sau anh vài năm, đa số đã ra đi trước anh. Với anh, có lẽ nhờ nghị lực sống phi thường, nhờ tinh thần lạc quan yêu đời và nhờ anh chị em đồng nghiệp ở Báo Tây Ninh chia sẻ, cưu mang nên anh có thêm động lực để kiên cường sống chung với căn bệnh hiểm nghèo.

Quả thực gần 14 năm anh kiên trì vừa làm báo, vừa điều trị bệnh, thì cũng chừng ấy thời gian Ban biên tập, cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Tây Ninh đã hỗ trợ anh rất nhiều, từ vật chất đến tinh thần, từ việc cắt cử người đến tận nhà đưa anh đi bệnh viện chạy thận đến việc tạo điều kiện để anh có tin bài đăng báo ngay cả khi đang dưỡng bệnh. Gần 22 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, hàng năm lớp báo chí 12C đều tổ chức họp mặt luân phiên tại các tỉnh. Mỗi khi điều kiện sức khỏe cho phép, anh đều cố gắng có mặt cùng anh em. Ngay cả vài lần họp mặt tại quận 9, quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), anh tranh thủ xuống thăm anh em một lúc rồi lên Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận trước khi trở về Tây Ninh.

Các cựu sinh viên báo chí 12C được tiếng sống nghĩa tình với bạn bè và điều này thể hiện rõ nhất qua việc mỗi khi gặp nhau hầu như câu đầu tiên mọi người hỏi là lâu nay có gặp anh Trương không, dạo này anh thế nào. Ngay Minh Hòa đang định cư ở Nauy, mỗi lần gọi điện cũng đều hỏi thăm về anh và chúc anh luôn vững niềm tin sống chung với căn bệnh hiểm nghèo.

Cách đây vài năm, Tạ Tuấn Anh (VTV tại Đà Nẵng) cũng đã thành công khi hỗ trợ anh tổ chức chương trình họp lớp ngay tại Tây Ninh để anh vui. Đó có lẽ cũng là lần duy nhất đến nay lớp báo chí 12C họp mặt tại Tây Ninh. Và qua mỗi lần gặp mặt, các cựu sinh viên báo chí 12C đều không quên anh. Anh em bảo của ít nhưng lòng nhiều, quan trọng là ở tấm lòng anh em cùng hướng về nhau! Nhưng lần này, vào đầu tháng 7.2019, tại TP.Đà Lạt khi anh em họp lớp kỷ niệm 22 năm ra trường, những khoản hỗ trợ, ủng hộ cho anh sẽ không còn ý nghĩa nữa!

Sau quá trình chống chọi với bệnh tật, giờ đây anh Vũ Hoàng Trương đã thanh thản ra đi. Với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, anh vẫn còn sống mãi trong tim mọi người. Ngày 14.5.2019 này, anh em bạn bè lớp báo chí 12C từ Sóc Trăng, Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương v.v… cùng tề tựu về Tây Ninh, cùng thắp cho anh nén hương lần cuối.

Tương tự như thế, trên Facebook của mình, thầy Hà Huy Phượng- Giảng viên Học viện BC&TT, viết: Trưa nay, nhà báo Hoàng Trương - Phóng viên Báo Tây Ninh trút hơi thở cuối cùng sau 14 năm chống chọi với căn bệnh suy thận.

Năm 1995, tôi vào dạy Lớp Đại học Báo chí Khóa 12C của Khoa Báo chí, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Lớp được đặt tại Phân viện 2 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ở Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Do lớp ít người, hầu hết là anh em đang làm báo địa phương đi học nên các gương mặt tôi đều gần gũi, nhớ. Nhưng, nhớ nhất một sinh viên người nhỏ thó, đen trũi. Đó là Hoàng Trương, phóng viên trẻ của Báo Tây Ninh. Lúc đầu, tôi cứ ngỡ cậu này là người dân tộc Khmer. Sau tiếp xúc, cậu ấy bảo em là người dân tộc Kinh, trông đen đen vậy thôi.

Hoàng Trương trông hơi "xấu mã", nhưng miệng lúc nào cũng cười tươi và thích giao tiếp. Cũng vì thế mà tôi có dịp hay ngồi trò chuyện với cậu ấy cùng nhiều anh em sinh viên khác ở Lớp 12C Thủ Đức (viết gọn tên). Bẵng đi một thời gian, họ tốt nghiệp, mỗi người một ngả. Tôi lại tiếp tục chèo các chuyến đò khác... Khoảng năm 2005 gì đó, Hoàng Trương xách ba lô ra Bắc ôn thi cao học. Hồi đó, tổ chức tuyển sinh ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Mặc dù bệnh nặng, Hoàng Trương vẫn cố gắng đi tác nghiệp- một tấm gương vượt khó đáng khâm phục.

Hôm Trương ra, cậu ấy alo cho tôi. Trương bảo, có mớ thằn lằn núi em mới mang từ Tây Ninh ra. Sợ mang theo máy bay không được nên Trương đi tàu lửa (tàu hỏa). Thực ra, đây là quà quý của người Tây Ninh, bởi, món này chỉ có ở Tây Ninh. Cái giống thằn lằn (giống như tắc kè, nhưng con nhỏ hơn) núi Bà Đen ở trong hang đá, chuyên ăn trái sung núi, thịt trắng phau. Tôi đã từng lên núi Bà Đen, nhìn thấy nhiều cây sung cheo leo nơi núi đá và thấy cả thằn lằn. Nhưng, cứ thấy ghê ghê, không dám ăn. Trương bảo ngon lắm, quý lắm em mới "xách tay" mang từ miền Đông Nam bộ ra biếu thầy. Ừ thì sợ cũng nhắm mắt nhai thử và làm tớp bia...

Tiếc là Trương thi trượt cao học nên không có cơ hội gặp lại cậu ta ở Hà Nội. Ít năm sau, nghe thông tin Trương bị suy thận năng. Trương chưa có vợ con. Gia đình Trương neo người. Hằng tuần Trương phải ra xe đò lên thành phố Hồ Chí Minh để chạy thận. Mỗi lần chạy hết cả triệu bạc, chưa kể thuốc men bên ngoài. Trương là người tiết kiệm. Trương trang trải tiền thuốc men bằng lương và nhuận bút do tòa soạn trả.

Ban Biên tập Báo Tây Ninh ưu ái, tạo điều kiện tối đa để Trương đăng nhiều tin, bài có thêm thu nhập, chữa bệnh. Năm 2014, tôi vào dạy lớp báo chí ở Tây Ninh. Được anh em báo Tây Ninh dẫn đến nhà thăm Trương. Ngôi nhà ở một hẻm sâu, tối thui. Trương đang nằm. Thấy có khách đến, lại là thầy giáo cũ, Trương ngồi dậy. Mấy thầy trò rủ nhau ra quán làm một nồi lẩu ngồi nhâm nhi. Trương không uống được, vì phải kiêng cữ.

Trương nghị lực, tự chăm sóc mình trong suốt thời gian chữa bệnh. Chẳng biết nói gì, chỉ biếu em chút quà nho nhỏ góp vào việc chiến đấu chống lại chứng suy thận đang hành hạ. Cũng từ đó, tôi ít có điều kiện vô Nam, nhất là Tây Ninh để thăm Trương. Chỉ hay hỏi han cậu ấy qua bạn bè, đồng nghiệp... Thế rồi, Trương cũng thoát được trăm kiếp đầy ải của cõi tạm để về với tổ tiên ở miền cực lạc.

Thương Trương lắm, cậu học trò nghị lực.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục