Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gò Dầu:
Nhóm đối tượng ưu tiên ít học nghề
Thứ năm: 08:59 ngày 21/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mặc dù thuộc nhóm đối tượng ưu tiên nhưng người nghèo, người khuyết tật trên địa bàn huyện Gò Dầu tham gia học nghề rất ít.

Bà Trương Thị Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Tiếp tục đợt kiểm tra về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017, ngày 20.12, ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã làm việc với UBND huyện Gò Dầu. Tham dự có thành viên của các sở, ban ngành liên quan.

Theo báo cáo của UBND huyện Gò Dầu, năm 2017, địa phương này mở được 11 lớp đào tạo nghề cho 290 học viên. Các nghề được đào tạo trong năm 2017 là  kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật trồng lúa, rau sạch, bắp, cây ăn quả và may công nghiệp. Nghề may công nghiệp có số học viên tham dự đông nhất với 90 người.

Tính đến ngày 12.12.2017, Gò Dầu đã đào tạo được 300 học viên, vượt 10 học viên so với chỉ tiêu đăng ký ban đầu. Tỷ lệ người lao động có việc sau đào tạo đạt 80%, trong đó nghề may công nghiệp đạt 91%. Tỷ lệ học viên nữ tham gia học nghề năm 2017 đạt 49%, cao hơn 9% so với quy định. Tổng kinh phí đào tạo nghề của Gò Dầu năm 2017 là 395 triệu đồng.

Theo bà Trương Thị Phú, Phó chủ tịch UBND huyện Gò Dầu, tỷ lệ người lao động tìm được việc làm sau đào tạo đã góp phần tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, số người nghèo, người khuyết tật tham gia học nghề không đáng kể (toàn huyện chỉ có 3 người theo học, tương đương 1%), trong khi đây là nhóm đối tượng ưu tiên của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

UBND huyện Gò Dầu cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, như một số nghề mở ra nhưng người học không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, phân bổ sớm kinh phí đào tạo cho huyện.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn kiểm tra nêu một số vấn đề, ví dụ: nhu cầu vay vốn sau khi học, tỷ lệ các nhóm đối tượng tham gia học nghề; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề có thật sự đáng tin cậy không? Có ý kiến phát biểu, đào tạo nghề nông nghiệp không thể mãi chỉ cho ra sản phẩm thô, lao động giản đơn, tính cạnh tranh thấp.

Theo đại diện Ban Chỉ đạo Đề án 1956 huyện Gò Dầu, số liệu thống kê học viên có việc làm là đáng tin cậy vì đã tổ chức khảo sát. Riêng việc huy động 10% người khuyết tật ra học, điều này không thể đạt được.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quá - Trưởng đoàn kiểm tra lưu ý, đào tạo nghề không tách rời công tác xóa đói giảm nghèo cũng như xây dựng nông thôn mới. Do vậy, các địa phương cần dành sự quan tâm thỏa đáng đến các chương trình mục tiêu quốc gia này.

Đ.V.T

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục