Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Những chính sách thuế quan mới của Mỹ không chỉ làm rung chuyển các đối tác thương mại lớn mà còn tác động trực tiếp đến kinh tế Mỹ, đặc biệt là các nhóm ngành nhập khẩu.

Các chính sách thuế quan mới có thể ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng nhập khẩu quan trọng của nước này. Ảnh: Reuters.
Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với 180 đối tác thương mại của Mỹ, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Với mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho mọi hàng hóa nhập khẩu và mức thuế bổ sung cao như 34% đối với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đối mặt với mức thuế 20-26%... chính sách này không chỉ nhằm giảm thâm hụt thương mại mà còn bảo vệ sản xuất nội địa.
Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu tổng cộng 3.270 tỷ USD hàng hóa, trong đó 3 đối tác lớn nhất là Mexico, Trung Quốc và Canada chiếm hơn 40% tổng kim ngạch. Những mặt hàng nhập khẩu chủ lực bao gồm ôtô, linh kiện ôtô, dược phẩm và các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính...
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia xuất khẩu cũng như chính nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là các nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao.
Biểu đồ giá trị các nhóm hàng hóa nhập khẩu hàng đầu tại Mỹ. Biểu đồ: Statista.
Dược phẩm
Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, năm 2024, dược phẩm là nhóm hàng hóa có kim ngạch nhập khẩu cao nhất với 246,8 tỷ USD.
Trong đợt áp thuế mới nhất, chính quyền ông Trump đã đánh thuế 10% lên hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ, thậm chí áp mức thuế cao hơn đối với nhiều đối thủ lẫn đồng minh. Tuy nhiên, một số mặt hàng - bao gồm dược phẩm - được tạm thời miễn thuế, mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và Ireland.
Ngay sau khi ông Trump tạm thời miễn thuế cho dược phẩm, cổ phiếu ngành dược phẩm Mỹ đã tăng mạnh vào ngày 3/4. Tuy nhiên, giới phân tích và các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng đây chỉ là “khoảng lặng trước cơn bão”, bởi ngành dược vẫn có nguy cơ đối mặt với thuế quan trong tương lai gần.
Một quan chức Mỹ tiết lộ rằng ông Trump đang lên kế hoạch áp thuế riêng đối với ngành dược phẩm. Trong tuyên bố của mình, ông Trump cũng nhấn mạnh rằng các công ty dược phẩm sẽ “trở lại mạnh mẽ tại Mỹ, nếu họ không làm vậy, họ sẽ phải trả một mức thuế lớn”.
Nhiều chuyên gia trong ngành dự báo sự bất ổn xoay quanh chính sách thuế này sẽ còn kéo dài. “Mọi thứ duy nhất có vẻ chắc chắn lúc này là sự bất định”, Emily Field, chuyên gia phân tích tại Barclays, nhận định với Reuters.
Nếu một kế hoạch áp thuế với ngành dược phẩm được triển khai, các quốc gia như Ấn Độ, Ireland, Đức và Thụy Sĩ sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
Hiện nay, Ấn Độ chủ yếu sản xuất thuốc generic (thuốc gốc), chiếm khoảng 6% tổng giá trị nhập khẩu dược phẩm của Mỹ. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết mức độ quan trọng của dược phẩm Ấn Độ đối với người tiêu dùng Mỹ, bởi giá thuốc generic thấp hơn nhiều so với thuốc thương hiệu. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), 91% đơn thuốc tại Mỹ hiện nay là thuốc generic.
Ngoài ra, Hà Lan, Italy và Bỉ - những nước xuất khẩu lượng lớn dược phẩm sang Mỹ - cũng có thể bị ảnh hưởng.
Ôtô và phụ tùng
Tổng giá trị xe hơi nhập khẩu vào Mỹ trong năm qua đạt 214 tỷ USD, trong khi linh kiện ôtô bổ sung thêm 197 tỷ USD.
Ngoài Mexico và Canada - 2 quốc gia có nền công nghiệp ôtô gắn bó mật thiết với Mỹ đến mức Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) còn tính doanh số xe lắp ráp tại đây vào danh mục xe sản xuất trong nước - các quốc gia xuất khẩu ôtô lớn nhất vào Mỹ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.
Những thương hiệu như Mercedes-Benz, BMW, Toyota, Honda, Hyundai và Kia đều có thị trường tiêu thụ khổng lồ tại Mỹ, với phần lớn xe được nhập khẩu từ các nhà máy ở Mexico, Canada hoặc sản xuất tại nước ngoài.
Mexico đã vượt qua Trung Quốc từ năm 2023 để trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ. Mỹ nhập khẩu lượng xe hơi và xe tải nhẹ trị giá 79 tỷ USD từ Mexico - cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác - và 31 tỷ USD từ Canada trong năm 2024.
Ngoài ra, Mỹ cũng nhập khẩu 81 tỷ USD linh kiện ôtô từ Mexico và 19 tỷ USD từ Canada. Động cơ của dòng xe bán tải Ford F-Series và mẫu xe thể thao biểu tượng Mustang đều được sản xuất tại Canada, theo AP.
Hiện khoảng 40% sản lượng ôtô từ các nhà máy của General Motors, Toyota và Honda có nguồn gốc tại Bắc Mỹ.
Trung Quốc cũng là một nguồn cung cấp linh kiện ôtô lớn cho Mỹ, với giá trị nhập khẩu lên tới 18 tỷ USD vào năm ngoái.
Dù mức thuế mới không tăng thêm thuế cho 2 Mexico và Canada nhưng mức thuế 25% đối với xe hơi sản xuất ngoài Mỹ đã được công bố từ trước có hiệu vào ngày 2/4 cũng đã gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt tại Bắc Mỹ đồng thời đẩy giá thành lên cao.
Art Wheaton, chuyên gia về công nghiệp vận tải tại Đại học Cornell ước tính mức thuế của ông Trump có thể khiến giá xe hơi tăng thêm 10.000-20.000 USD, tùy vào mức độ ảnh hưởng của các loại thuế đánh lên linh kiện nhập khẩu, Reuters cho biết.
Dầu mỏ và năng lượng
Dầu mỏ và sản phẩm năng lượng là nhóm hàng hóa không thể thiếu trong cơ cấu nhập khẩu của Mỹ.
Dữ liệu Cục Thống kê Dân số Mỹ cho thấy sản lượng dầu thô Mỹ nhập khẩu đạt 167,3 tỷ USD, chiếm hơn 5% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của nước này trong năm 2024.
Tàu chở dầu thô Pacific Jade neo đậu tại Westridge Marine Terminal, điểm cuối của dự án mở rộng đường ống Trans Mountain do chính phủ Canada sở hữu. Ảnh: Reuters.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), Canada là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Mỹ, với giá trị nhập khẩu đạt 97 tỷ USD năm 2024, vượt xa Mexico - nước đứng thứ hai với chỉ 12 tỷ USD, CNN cho biết.
Ngoài ra, Mỹ cũng phụ thuộc vào dầu mỏ từ Canada, đặc biệt sau khi đường ống Trans Mountain nâng cấp, giúp vận chuyển khoảng 890.000 thùng dầu mỗi ngày từ Alberta tới British Columbia, Canada.
Máy tính, điện thoại, đồ gia dụng
Nhóm máy móc và thiết bị điện tử giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu nhập khẩu của Mỹ. Nhóm ngành này bao gồm các sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, tivi, đồ gia dụng,...
Hiện Trung Quốc là nguồn cung cấp chính của các nhóm hàng này vào Mỹ. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), nhóm hàng này chiếm khoảng 13,5% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2024.
Với nhóm máy móc và thiết bị điện tử, mức thuế 54% áp lên hàng hóa từ Trung Quốc sẽ làm tăng đáng kể giá thành các sản phẩm smartphone, laptop và tivi.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ, vốn quen với giá cả phải chăng, mà còn gây áp lực lên các tập đoàn công nghệ như Apple hay Dell. Các công ty này có thể phải chuyển một phần chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác, nhưng trong ngắn hạn, chi phí tăng cao là không thể tránh khỏi.
Goldman Sachs dự báo GDP Trung Quốc có thể giảm 0,5% trong năm 2025 bởi ảnh hưởng từ những đòn thuế quan này.
Nguồn znews