Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc về tờ khai, các trường thông tin, giấy tờ theo quy định của Luật Cư trú trên Cổng DVC quốc gia
Công chức scan giấy tờ để số hoá hồ sơ TTHC tại bộ phận Một cửa xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh
Hai nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” đã được thực hiện trên toàn quốc. Đây là hai nhóm thủ tục hành chính (TTHC) thiết yếu, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, đây là bộ thủ tục mới, bước đầu việc thực hiện còn tương đối khó với đa số người dân và vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về mẫu đơn, tờ khai, các trường thông tin trên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia.
Nộp hồ sơ một lần, giải quyết cùng lúc 3 thủ tục
Thực hiện liên thông thủ tục khai sinh, khai tử là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Công chức Tư pháp - Hộ tịch hướng dẫn người dân tạo tài khoản cổng DVC quốc gia để nộp hồ sơ trực tuyến.
Theo báo cáo của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Tây Ninh, đến nay, 23/23 sở, ngành đã kết nối chia sẻ thông tin với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (chia sẻ 20 trường thông tin/công dân, đủ để thực hiện các TTHC). Tính đến 30.10, có gần 480.000 lượt truy cập khai thác, bảo đảm thực hiện xác thực thông tin công dân; toàn tỉnh thực hiện giải quyết 1.102 hồ sơ liên thông khai sinh và 82 hồ sơ khai tử.
Trước đó, để triển khai thực hiện 2 bộ thủ tục liên thông khai sinh, khai tử trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai 2 nhóm TTHC liên thông. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức tập huấn chuyên sâu về quy trình xử lý hồ sơ 2 nhóm thủ tục liên thông cho cán bộ, công chức tham gia xử lý, giải quyết hồ sơ 2 nhóm TTHC liên thông cho 9 huyện, thị xã, thành phố, kể cả cán bộ, công chức cấp xã.
Tại thành phố Tây Ninh, qua triển khai thực hiện 2 bộ thủ tục liên thông, từ ngày 10.7 đến ngày 9.11, Phòng Tư pháp Thành phố cho biết đã tiếp nhận 355 hồ sơ nhóm thủ tục liên thông đăng ký khai sinh và và 148 hồ sơ nhóm thủ tục đăng ký khai tử. Việc triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết hai nhóm thủ tục liên thông trên được đánh giá là mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong nộp hồ sơ trực tuyến.
Đơn cử như đối với nhóm thủ tục khai sinh, chỉ nộp hồ sơ một lần có thể nhận kết quả từ 3 cơ quan (giấy khai sinh của UBND cấp xã cấp; kết quả đăng ký thường trú của Công an xã cấp; thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi của cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp). Nhóm thủ tục khai tử cũng tương tự. Hai bộ TTHC liên thông này có thể coi là thủ tục “3 trong 1”, giúp công dân không phải đi lại nhiều lần, liên hệ nhiều cơ quan để được cấp các giấy tờ, chế độ chính sách, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Bên cạnh đó, khi thực hiện hai nhóm thủ tục liên thông trên Cổng DVC quốc gia, công chức chuyên môn tiếp nhận, kiểm tra và xử lý hồ sơ nhanh, kịp thời do các trường dữ liệu của công dân sau khi nộp hồ sơ được chuyển tải đầy đủ, chính xác và không cần nhập lại dữ liệu.
Còn phiền hà cho người dân…
Tại buổi tiếp xúc cử tri phường 3, thành phố Tây Ninh ngày 14.11 vừa qua, một cử tri phản ánh việc giải quyết thủ tục nhận trợ cấp mai táng phí cho hai trường hợp là cán bộ hưu trí nhiễm chất độc da cam trên địa bàn phường kéo dài quá lâu. Cử tri cho biết, hai cán bộ hưu trí này mất vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, gia đình nộp hồ sơ để được hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định. Tới cuối tháng 9 vẫn chưa giải quyết xong, gia đình phản ánh lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo mới được giải quyết chế độ.
“Việc kéo dài thời gian giải quyết một TTHC như vậy gây bức xúc cho người dân, mặc dù số tiền hưởng chế độ mai táng không nhiều, chỉ gần 15 triệu đồng/người (mức hỗ trợ tại thời điểm chưa tăng lương cơ sở - PV). Tôi không rõ lý do vì sao chậm trễ trong giải quyết thủ tục, nhưng muốn nêu sự việc để các cấp chính quyền quan tâm xem xét giải quyết TTHC đúng trình tự, thời gian quy định cho những trường hợp tương tự khác”- cử tri nói.
Trả lời ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh Nguyễn Thị Hoàng Oanh cho biết, hồ sơ chế độ mai táng phí cho đối tượng chính sách người có công (trợ cấp một lần) hiện nay được thực hiện theo quy trình thủ tục DVC trực tuyến. Khi hồ sơ có sai sót thông tin hoặc cần bổ sung thành phần hồ sơ theo quy trình thủ tục thì không tháo gỡ được ngay như trước đây, dẫn đến thời gian giải quyết thực tế kéo dài hơn so với thời gian quy định.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị UBND phường 3, phòng chức năng của UBND Thành phố nắm thông tin, có biện pháp khắc phục tình trạng này.
...và nhiều khó khăn, vướng mắc cần kiến nghị tháo gỡ
Ông Đào Huy Đạt- công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường 1, thành phố Tây Ninh cho biết, đây là bộ thủ tục mới, khi triển khai gặp khó khăn cho những người có trình độ hạn chế về công nghệ thông tin, không có thiết bị in ấn. Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn, vướng mắc về tờ khai, các trường thông tin, giấy tờ theo quy định của Luật Cư trú trên Cổng DVC quốc gia.
Cụ thể về mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA ngày 15.5.2021 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú phải có 4 đối tượng tham gia ký vào tờ khai gồm: chủ hộ; chủ sở hữu hoặc người đại diện chỗ ở hợp pháp; cha mẹ hoặc người giám hộ và người kê khai. Để trẻ em sau khi đăng ký khai sinh được đăng ký thường trú phải được sự đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được uỷ quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản theo quy định của Luật Cư trú năm 2020.
Như vậy, khi thực hiện TTHC liên thông, công dân phải tải tờ khai thay đổi thông tin cư trú và ký vào văn bản, sau đó tải ngược lên phần mềm. Điều này gây khó khăn cho những người dân có trình độ hạn chế hoặc không có thiết bị in ấn tại nhà khi thực hiện thủ tục.
Bên cạnh đó, Cổng DVC quốc gia chưa có trường dữ liệu để công dân thực hiện ký số vào các loại tờ khai; không có cột để số tiền cho người dân thanh toán phí, lệ phí khi yêu cầu trích lục bản sao hộ tịch; không được tích hợp qua phần mềm Một cửa điện tử.
Trường “mã giấy chứng sinh” trên Cổng DVC quốc gia yêu cầu gồm 18 ký tự nhưng hiện nay một số cơ sở y tế cấp mã giấy chứng sinh chưa bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế.
Kết quả giải quyết trên phần mềm khai sinh điện tử có thể hiện mã QR, trong khi giấy khai sinh (bản giấy) cấp cho người dân theo mẫu của Bộ Tư pháp lại không thể hiện mã QR.
Trong quy trình giải quyết thủ tục, Cục Cảnh sát Bộ Công an cấp mã định danh cho trẻ và tích hợp dữ liệu đôi lúc chậm, đường truyền mạng bị lỗi ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các bước tiếp theo, thậm chí gây quá hạn hồ sơ trên hệ thống.
Ngoài ra, còn nhiều quy định của Luật Cư trú thực sự chưa thông thoáng, làm phát sinh thêm loại văn bản, giấy tờ, phiền hà cho người dân.
Đây là những khó khăn, vướng mắc được những cán bộ công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hai bộ thủ tục liên thông khai sinh, khai tử chỉ ra, cần kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm điều chỉnh, bổ sung để hai nhóm thủ tục liên thông thực sự đơn giản, thông thoáng, dễ thực hiện và hạn chế tình trạng trễ hạn hồ sơ trên hệ thống.
Phương Thuý