BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhộn nhịp thị trường hoa lan Tết 

Cập nhật ngày: 30/01/2022 - 15:35

BTNO - Những ngày này, các hộ chuyên sản xuất, kinh doanh hoa lan háo hức chuẩn bị sản phẩm của gia đình mình để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2022.

Vườn lan mokara của vợ chồng bà Thuỷ ở thị xã Trảng Bàng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thuỷ, khu phố An Bình, phường An Tịnh là một trong những hộ trồng lan mokara quy mô lớn ở thị xã Trảng Bàng. Vợ chồng bà Thuỷ gắn bó với nghề này đã 12 năm và hiện có vườn lan với diện tích 0,8 ha. Trong đó, có đủ các loại lan đang được thị trường ưa chuộng như mokara màu đỏ, vàng nghệ, vàng mai, tím than, tím chấm bi v.v…

Trung bình mỗi tuần vợ chồng nông dân này thu hoạch hoa 2 lần. Hoa được bán cho các shop hoa kiểng trong khu vực và bán cho thương lái. Bà Thuỷ cho biết, những năm trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, tuỳ cành hoa có kích thước lớn, nhỏ và màu sắc, giá bán mỗi cành dao động từ 5- 10 ngàn đồng.

Hai năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường hoa kiểng gặp khó khăn, giá bán giảm gần phân nửa. Hiện nay, công tác phòng chống dịch Covid- 19 được nới lỏng và cận Tết nên giá hoa lan có chiều hướng tăng lại.

Để chuẩn bị cung cấp cho thị trường Tết, những ngày qua, vợ chồng bà Thuỷ tập trung phân bón, kích thuốc cho lan ra nhiều hoa. Bên cạnh việc cắt hoa bán cành, chủ vườn còn tuyển chọn những cây có vòi hoa đẹp để cắt đọt, trồng chậu, bán cho thị trường Tết.

“Trung bình, thương lái thu mua tại vườn giá 1,5 triệu đồng/chậu. Vô chậu bán cây như thế có thu nhập cao hơn so với bán cành. Sau Tết, nếu những chậu lan này được khách hàng trồng xuống đất và chăm sóc đúng kỹ thuật thì khoảng 6 tháng chúng lại ra hoa.

Chính vì ưu điểm đó, nên lan mokara chậu được khá nhiều người tìm mua”, nữ chủ nhân vườn lan bộc bạch. Để có vườn lan như ngày hôm nay, gia đình bà Thuỷ đầu tư gần 2 tỷ đồng. Theo lời bà Thuỷ, trước đây, gia đình bà có hơn 10 năm kiếm sống bằng nghề trồng hàng bông. Thấy nghề này cực quá, vợ chồng bà chuyển sang nuôi bò sữa, sau giải nghệ và chuyển qua nghề trồng lan mokara.

Sau 12 năm gắn bó với nghề mới, bà Thuỷ nhận thấy, so với trồng hàng bông và nuôi bò sữa, nghề trồng lan an nhàn, thu nhập cao hơn và cũng mau thu hồi vốn đầu tư. Hai năm gần đây, dịch Covid- 19 hoành hành, thị trường hoa kiểng ế ẩm, nhiều chủ vườn lan khác ngưng chăm sóc, bỏ bê vườn lan, trong khi đó, gia đình bà Thủy vẫn đầu tư phân bón, quyết tâm đeo đuổi với nghề. Nhờ vậy, dịp Tết này, vợ chồng nông dân xứ Trảng có một mùa bội thu.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân- chủ Shop hoa tươi Ngân Đạt ở thị xã  Trảng Bàng, một trong những “mối” tiêu thụ lan cắt cành của bà Thuỷ chia sẻ, đa số khách hàng chuộng hoa lan cắt cành, vì loại hoa này chưng được thời gian dài, có hương thơm và sang trọng. Ưu điểm ở khu vực này có nhiều vườn lan nên mỗi khi khách hàng gọi điện đặt mua là có ngay hoa tươi.

Vì thế, không chỉ khách hàng ở Trảng Bàng ưa thích mà nhiều người từ TP Hồ Chí Minh cũng tìm đến đây mua hoa. “Những ngày Tết, nhu cầu trưng bày, trang trí hoa lan trong nhà tăng cao, nên tôi dự kiến sẽ nhập về số lượng cao 2- 3 lần so với ngày thường”, chị Ngân vui vẻ nói.  

Những giò lan rừng của ông Cảnh bày bán tại gia đình.

Tương tự, ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu, trong khi nhiều nông dân bỏ bê vườn lan rừng vì ảnh hưởng của dịch bệnh thì ông Lê Quốc Cảnh lại dốc hết tâm huyết vào vườn lan rộng 2,5 công, đồng thời hùn với người khác trồng vườn lan với diện tích 4,5 công.

Nếu như ở thị xã Trảng Bàng, nhiều người chuyên trồng lan mokara để bán hoa thì người dân Tân Hà chỉ trồng các loại lan rừng để bán giống cho thương lái theo hình thức cân ký.

Thị trường tiêu thu lan rừng này chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Bắc. Chính vì thị trường ở xa, đòi hỏi công tác vận chuyển phải qua những chặng đường dài, khi dịch Covid- 19 xảy ra, việc giao thông qua lại giữa các địa phương bị hạn chế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến “đầu ra” của loại hoa kiểng này.

Trước tình hình khó khăn nêu trên, nhiều hộ chuyên trồng, kinh doanh lan rừng “buông tay” thì ông Cảnh chuyển sang hướng kinh doanh mới. Đó là trồng lan rừng để bán hoa,  người nông dân này còn mạnh dạn mua lan ngọc điểm Thái Lan được nhân giống theo kiểu cấy mô đem về ươm trồng trong chậu để bán cả chậu lẫn hoa.

Đến thăm vườn, chúng tôi thấy ông Cảnh đã tuyển chọn sẵn hàng trăm chậu lan rừng và lan ngọc điểm Thái đang ra hoa đem trưng bày trước sân nhà để rao bán. Trong đó, có những chậu lan ngọc điểm rừng trổ từ 3- 5 vòi hoa, cá biệt có loại lan rừng Đai Châu trổ đến 15 vòi hoa. Trung bình, giá dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/chậu và có một số chậu ông Cảnh để lại “chơi tết” chứ không bán. 

Đại Dương