Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhộn nhịp xóm lá tre Trường Đức
Chủ nhật: 18:07 ngày 13/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dịp Tết Ðoan Ngọ (mùng 5.5) năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nguồn lá tre cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh giảm một nửa so với những năm trước đây.

Lá tre tươi xanh, không bị cuống kèn phải được ngâm trong nước liên tục.

Hằng năm, vào dịp này nhiều hộ dân ở ấp Trường Đức (xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành) trở nên nhộn nhịp với công việc hái lá tre gói bánh ú. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Thường (69 tuổi) là hộ có thâm niên hơn 40 năm với công việc này.

Hơn 1.000 m2 đất nhà, ông Thường trồng tre lục trúc, vừa để thu hoạch măng, vừa bán lá vào dịp tết Ðoan Ngọ. Vào dịp này, nhà ông Thường nhộn nhịp hẳn, người người thoăn thoắt chọn lá tre có bản to dày, xếp ngay ngắn, buộc lại thành bó, cho vào ngâm trong “ao nước” được làm bằng một tấm tăng ni lông trải rộng ra sân nhà.

“Cứ khoảng 1 giờ là phải thay nước, để cho lá giữ được độ tươi xanh, không bị cuống kèn. Như vậy mới bán được, không khéo là bị trả về”- ông Thường nói.

Để lá tre có bản to, dày và xanh mướt, cây tre phải được chặt ngọn từ tháng 11 âm lịch.

Ông Thường cho biết, đã hơn 40 năm nay, nơi gia đình ông  bán lá tre gói bánh ú  là chợ Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TP.HCM). Sở dĩ gia đình ông chở lá đem xuống tận chợ “bán được”, vì ai cũng đã “quen mặt, quen nghề”.

Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh, nguồn lá tre ông cung cấp bị giảm đi nhiều so với trước, việc chuyển lá cũng gặp khó khăn. Ông nói: “Mọi năm, chúng tôi chở lá xuống tận chợ. Năm nay, tôi chỉ chở lá đến Suối Sâu, bên lái mua cũng xuống đó nhận lá chở về chợ. Tuy có khó khăn, nhưng như vậy vẫn an toàn hơn”.

Theo ông, chợ lá Bình Trị Đông nhộn nhịp từ ngày 27.4 đến khoảng 3.5, có năm kéo dài tới ngày mùng 4.5 âm lịch. Ðây là khu chợ có truyền thống bán lá tre ở TP. Hồ Chí Minh. Có năm không đủ lá cung cấp, các hộ dân ở Trường Đức phải thu mua lá tre từ bên ngoài.

Người dân ấp Trường Đức cùng làm công việc hái lá tre vào dịp Tết Đoan Ngọ.

Để có lá tre bản to, dày và xanh, từ tháng 11 âm lịch, gia đình ông Thường chặt ngọn tre, mỗi cây chỉ chừa khoảng 2,5m tính từ gốc lên, rồi bón phân, bón phân, sau vài tháng, cây đâm nhánh non, cho lá, cho măng.

Khách hàng mua lá là các lò bánh từ tỉnh Long An, Tiền Giang, Ðồng Nai, TP.HCM… vì lá có bản to, dày, khi nấu chín còn có mùi thơm đặc trưng không loại lá nào có thể thay thế. Bình quân, mỗi ký lá bán từ 30.000- 40.000 đồng, sau khi trừ hết chi phí, mỗi vụ lá ông thu về gần 40 triệu đồng.

Anh Tú (41 tuổi, con trai ông Thường) cho biết, vào dịp này, gia đình, hàng xóm cùng phụ giúp nhau hái, xếp lá tre. Tiền công dao động từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/người/ngày.

Ao nước khủng ngâm đầy lá tre.

Ngoài gia đình anh Tú, các hộ trong xóm cũng trồng tre, hái lá, tăng thêm thu nhập, ổng định cuộc sống. “Nhờ duy trì nghề này, gia đình tôi và hàng xóm luôn có sự khắng khít, gắn bó, giúp đỡ nhau mỗi khi cần”.

Em Nguyễn Thị Thanh Thảo (10 tuổi) theo phụ giúp bà ngoại làm công việc xếp lá tre, hai ngày em xếp được 28kg, tiền công em nhận gần 200 ngàn đồng.

Theo ông Thường, năm nay, gia đình ông chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 1 - 2 tấn lá tre, giảm một nửa so với mọi năm. Măng lục trúc có giá bán chỉ còn 8.000- 10.000 đồng/kg.

Tâm Giang

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục