Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Như một giấc mơ
Thứ ba: 10:00 ngày 17/08/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vy ước ao được ngồi nghe ba mẹ nó nói chuyện với nhau...

Truyện ngắn: PHAN ĐỨC NAM

Hồi còn học cấp một, Vy hay thắc mắc sao nhiều ba mẹ của các bạn nó đều sống chung một nhà? Nhiều bạn được cả ba lẫn mẹ chở đi học, đi chơi, mà sao ba mẹ nó lại ở riêng mỗi người một nơi? Chẳng bao giờ thấy ba chở mẹ và nó đi đâu cả?

Mỗi lần thấy ba và mẹ của bạn nào đó chờ trước cổng trường, rồi bạn đó chạy ra, sung sướng leo lên xe, ngồi chen vào giữa hai người (hoặc ngồi phía trước ba) là Vy thấy thèm thèm làm sao!

Vy lấy làm buồn, rồi thắc mắc hỏi mẹ, mẹ nó cứ lảng đi, trả lời quanh co: “Ba mẹ bận quá mà!”.

Vy hỏi bà nội, bà buồn buồn nói: “Bà cũng không hiểu nổi con à...” .Vy hỏi bà ngoại, bà thở dài: “Tại ba mẹ con muốn vậy mà!”.

Vy hỏi ba: “Bà ngoại nói vậy đúng không ba?”. Ba nói: “Ừ thì ba mẹ bận nên chia nhau đón con đấy. Ba mẹ ai cũng thương con nhất”. Vy gật. Đối với mẹ nó là số một. Đối với ba nó cũng là số một. Ba còn gọi nó là công chúa cưng nữa.

Còn khi Vy hỏi sao ba mẹ không ở chung một nhà? để con được nằm giữa ba mẹ? Thì mẹ nó im lặng, còn ba nó lại quanh co: “Tại ba đi làm xa... Ba quen ngủ một mình... để đêm thức dậy làm việc mà không phiền ai...”. Vy không chịu, ba phải ôm nó tìm cách giải thích: “À! Tại vì... nhiều bạn con chỉ có một nhà cha mẹ, còn con có những hai nhà: Nhà ba này, nhà mẹ này, con muốn ở đâu thì ở, thích chưa? Chạy qua chạy lại cũng vui phải không?”.

Nghe ba nói cũng có lý, Vy đem kể với các bạn chuyện này, không phải để khoe mà là muốn thanh minh bù đắp cho việc nó không được ở chung một nhà có ba và mẹ. Nhiều bạn của nó nghe xong gật: “Ừ nhỉ”. Có bạn ganh ganh: “Tại vì ba mẹ cái Vy giàu nên mỗi người mới có riêng một nhà, chứ ba mẹ mình chỉ đủ tiền mua một căn nhà nhỏ thôi”. Bạn Na còn nói: “Ba mẹ mình nghèo không có tiền mua nhà, phải ở thuê đấy”. Vy nghe mà thương bạn Na. Ừ, như vậy thì nó “hơn” nhiều bạn. Nó lại về kể chuyện với ba, ba vuốt tóc nó: “Thôi con đừng kể hay so sánh với các bạn nữa. Ba nghèo chứ có giàu đâu...”.

Khi lên cấp hai, Vy đã hơi hiểu hiểu. Có bạn nói với nó: “Chắc ba mẹ mày giận nhau hay không hợp nhau nên mới ở riêng, ly thân, ly dị gì đó?”. Mới đầu Vy nghe rồi giận bạn. Từ khi nó lớn có thấy ba mẹ cãi nhau bao giờ đâu? Hình như họ tránh gặp nhau, có gặp cũng như người xa lạ, chẳng nói với nhau câu nào.

Vy ước ao được ngồi nghe ba mẹ nó nói chuyện với nhau...

Vy là con gái nên ở với mẹ, thứ sáu, thứ bảy ba mới về đón nó qua nội chơi một, hai ngày. Một hôm nó hỏi mẹ ly thân, ly dị là gì? Mẹ giật mình nhìn nó rồi gắt: “Chuyện người lớn con hỏi làm chi? Lo mà học đi?”. Vy không dám hỏi nữa, nó lủi thủi ôm sách lại bàn, nghĩ: Mai mình có hỏi ba, chắc ba cũng nói vậy thôi. Chuyện người lớn thật rắc rối và chán!

Vy có dịp thấy nhiều bậc cha mẹ cãi nhau, đánh nhau ầm ĩ nữa, rồi sau đó lại hoà hoãn sống chung một nhà. Nó nghĩ thế mà lại hay. Phải chi ba mẹ nó cứ cãi nhau một trận thật to rồi sống chung với nhau một nhà nhỉ? Nó chẳng cần có hai nhà.

Vy cứ thế mà nghĩ ngợi, rồi buồn. Có những đêm, nó khóc mà mẹ đâu có hay. Còn ba ở xa thì chắc chắn không nhìn thấy được.

Cuối năm lớp 6, Vy được nhận phần thưởng học sinh xuất sắc, ba hứa cuối tuần sẽ về đưa nó đi Vũng Tàu chơi, cho cả em Duyên, em Tơ (em họ của nó) đi theo nữa. Còn mẹ thì hứa sau đó sẽ cho Vy về Cần Thơ thăm cụ ngoại, về An Giang thăm gia đình dì Năm. Ôi mùa hè tuyệt vời!

Vy lại ao ước phải chi có ba mẹ cùng đi...

Nó ao ước mà không dám nói ra... Chỉ là ước mơ thôi.

Những ước mơ của Vy dồn nén tiềm ẩn tạo thành những giấc mơ. Có những đêm Vy mơ thấy mình được tung tăng giữa vòng tay cha mẹ, trên bãi cỏ xanh trong Sở thú, trong Đầm Sen, Suối Tiên... Nó rất sung sướng, hạnh phúc, một tay nắm tay mẹ, một tay nắm tay ba, nó kéo họ chạy đi...

Nhưng khi Vy tỉnh dậy, sau giấc mơ đẹp đó là những giọt nước mắt.

Nó giấu biệt những ước mơ đó không kể với ai. Những bí mật chất chứa đọng lại trên đôi mắt Vy một nỗi buồn.

Trẻ thơ buồn đó, vui đó, trẻ thơ nhiều ước mơ, Vy vẫn hy vọng một ngày nào đó ước mơ của nó sẽ thành hiện thực.

6 giờ chiều hôm đó, chị Thuý đi làm về thì không thấy con đâu. Nhìn qua cặp vở con cũng không thấy, chị nghĩ chắc Vy lĩnh thưởng rồi qua nội khoe. Nhà nội nó cách đây 4 cây số, chắc ba nó đột xuất về đón con rồi. Ai chứ ông ấy thì đã từ lâu chẳng thèm điện cho chị lấy một tiếng.

Mà con Vy hễ quấn lấy ba là như muốn quên cả mẹ...

Chị bực bội nhấc máy gọi về nhà nội bé Vy thì được biết con gái không có ở đó và ba nó cũng không về.

Chị lại nghĩ chắc cha con chở nhau đi “liên hoan” đâu đó rồi? Số phone của ông ấy chị chẳng cần lưu làm gì. Cần lắm thì bảo bé Vy gọi - con bé có trí nhớ tốt, nó thuộc làu số di động của ba mẹ, cả số phone nhà nội, nhà ngoại, nhà cậu, dì...

“Đã vậy tuần sau phạt không cho đón con... Phạt luôn con bé Vy để nó nhớ điện cho mẹ...” - Chị Thuý nghĩ vậy, rồi gọi điện nhờ em chồng hỏi hộ xem: “Ảnh có đưa con đi chơi đâu không?”. Chỉ chút sao chị nhận được tin: “Ảnh đang ở nhà máy chị ơi, nghe em hỏi ảnh lo quá! Đang chuẩn bị phóng xe về đó”.

Chị buông máy... Vậy thì... nguy rồi!... Vy ở đâu?

Nó nói 4 giờ chiều phát thưởng. Đáng ra chị phải có mặt để mừng con nhưng chị bận quá! Chiều thứ sáu họp tổng kết tuần, chị là kế toán trưởng phải có mặt. Chị đã hứa với con 6 giờ về, mẹ con đi siêu thị ăn uống, rồi chị sẽ mua thưởng cho nó món quà gì đó.

Nhà chị gần trường, bạn bè bé Vy thường ghé qua rủ nó đi học nên chị không phải đưa đón con. Thâm tâm chị cũng muốn tập dần cho con tính tự lực từ bé.

À hay là cậu Ba nó đến trường đón? Phải rồi! Cậu Ba nó cũng có đứa con gái bằng tuổi Vy, tuy học khác trường nhưng cùng khối, hai chị em nó hay chơi với nhau.

A lô! Anh Ba đó hả? Bé Vy có ở nhà anh không?”.

Khi đầu dây bên kia nói: “Không...” thì chị thực sự lo và hoang mang...

Vậy chớ nó đi đâu? - Anh Ba chị hỏi. Chị lúng túng: “Em mới về không thấy nó ở nhà...” - “Hỏi bên nội chưa?” - “Dạ rồi. Không có nên em mới hỏi anh...” - “Vậy sao?...” - “Em lo quá anh Ba ơi! Giờ phải làm sao?...” - “... Ở đó... Chút anh qua liền”.

Chỉ một tiếng sau đó, khi những cuộc điện thoại được gọi đi, thì họ hàng nội ngoại của bé Vy đã hấp tấp chạy lại, hàng xóm nghe tin cũng kéo đến...

Ba Vy từ Khu công nghiệp Sóng Thần phóng xe về, gần như gắt lên với vợ: “Nói rồi! Một là để con bên ngoại, hai là bên nội - cho có đông người đưa đón. Đây cứ giành nuôi rồi bỏ bê...”. Bà nội chậm nước mắt: “Thôi thôi! Đừng chì chiết nhau nữa. Lo chia nhau mà đi kiếm con bé”.

 Cậu Ba của Vy là trưởng công an phường này, anh bình tĩnh nói: “Giờ ai có xe thì chạy đi kiếm nó, gặp đám đông tấp vô hỏi thăm. Tôi sẽ lên phường, điện hỏi các bệnh viện... À mẹ con Vy đã lại nhà các bạn nó hỏi thăm chưa?”.

Chị Thuý lắc đầu... quýnh quá chị quên... Anh Ba thúc: “Đi lẹ lên. Nếu biết nhà thầy cô chủ nhiệm của nó thì tới hỏi luôn. Anh sẽ tra danh bạ điện thoại hỏi Ban giám hiệu trường”. Chị Thuý dạ dạ... Rồi chợt lo!... Nếu Vy lại nhà bạn nó chơi thì cũng phải điện cho chị biết chứ... Con bé khôn lắm mà...

Suốt đêm đó, hai bên nội ngoại của bé Vy đều lo lắng ngủ không yên. Chị Thuý khóc hết nước mắt. Còn ba của Vy thì gần như điên, anh phóng xe lùng sục khắp ngỏ hẻm trong thành phố...

Trưa hôm sau, cụ ngoại của bé Vy đã trên 80 tuổi, vì quá thương cháu chít mà mướn xe lên Sài Gòn. Tiếp theo là vợ chồng dì Năm ở An Giang cũng lên tới.

Thầy cô và bạn học của Vy nghe tin cũng kéo lại, mỗi người góp một ý nhao nhao cả lên. Gia đình quyết định đăng báo “tìm trẻ lạc”, thông báo cả trên tivi.

Ông Minh - Trưởng Công an quận 5, là bạn học với ba Vy xuống tận nhà hỏi thăm, ông đích thân lo vụ này. Nhiều giả thuyết được đưa ra, kể cả tình huống xấu nhất. Có thể con bé lĩnh thưởng xong, trên đường về không ai đưa đón đã bị kẻ xấu theo dụ dỗ bắt đi. Chị Thuý kể: “Hôm ấy là ngày vui của cháu, nên em muốn diện cho nó một chút. Em đeo cho nó sợi dây chuyền 5 phân, còn đồng hồ ba nó cho thì nó đeo thường xuyên”. Bà nội nói: “Dại chưa! Con nít đi học mà cho đeo vàng là rủ tụi xấu lại rồi!”.

Không nói ra nhưng ai cũng ngầm quy trách nhiệm chính về cha mẹ Vy.

Cụ ngoại là người trầm tĩnh ít nói, cụ ngồi im lắng nghe, chờ cháu rể - tức ba Vy về, rồi gọi cả hai vợ chồng lại, mắng luôn: “Ngoại thấy vợ chồng con là người có chữ, đứa nào cũng nói thương con mà thực ra thương mình hơn. Coi cái tôi của mình lớn quá! Không biết nhường nhịn hy sinh vì con. Giàu ở với nhau là chuyện thường, nghèo mà ở được với nhau mới là hay chớ. Giờ sáng mắt ra chưa?”.

Ông Minh - trưởng công an quận cũng nhân đó nói: “Cụ nói vậy thì con cũng xin góp ý kiến: Trách nhiệm này một phần cũng ở họ hàng và bạn bè nữa đấy cụ ạ. Nếu được cụ ở gần bảo ban chắc không đến nỗi. Cháu là bạn mà hoà giải không được cũng thấy áy náy... Giờ để xảy ra chuyện này... lỗi một phần ở chúng ta. Để trẻ em buồn khổ, đói kém, thất học là lỗi của người lớn, của toàn xã hội, cha mẹ ly thân, ly dị là có lỗi với con cái”.

Bà nội mếu máo: “Thôi các ông các chú ơi! Lo mà đi kiếm cháu tôi. Nó có bề gì chắc tôi chết quá!”.

Mọi người im lặng. Ai cũng rơm rớm nước mắt.

Ông Minh ngoắc cộng sự mình là Trung uý Hoàng - tức cậu Ba Hoàng của bé Vy: “Thôi mình đi. Phải tung anh em chốt các bến xe”.

Hai người lặng lẽ rút.

Ngồi sau xe Ba Hoàng, ông Minh chậm rãi nói: “Tội ông cụ già cả vậy, vì thương cháu mà đáp xe mấy trăm cây số đến đây! Chuyện cậu nói với tôi hồi nãy, tôi đã rỉ tai ông cụ rồi. Ông cụ mừng quá, nhân thế mắng cho vợ chồng anh bạn tôi một trận, tôi cũng nói thêm vô... Anh chị giờ chắc thấm đậm? Chước của cậu hay thật! Nhưng đừng để quá. Giờ đã đến lúc cậu liệu cách đưa con bé về”. Hoàng mỉm cười gật đầu: “Tuân lệnh sếp”.

Đưa thiếu tá Minh về nhà rồi, Hoàng thả xe êm trôi giữa lòng thành phố - yên bình quá! Anh sung sướng nghĩ bé Vy giờ chắc đã ngủ rồi. Trong giấc ngủ nó mơ gì? Hai hôm nay nó cứ hỏi anh về vụ “mất tích”. Chú cháu anh đã giao hẹn sáng mai Vy sẽ “trình diện”. Cháu anh sẽ được ngồi giữa cha mẹ, giữa họ hàng ruột thịt và bạn bè, chắc nó sung sướng lắm.

“Lúc đó mình chẳng cần nói gì cả - đã có bé Vy kể rồi. Nghĩ lại, cũng nhờ bé Vy điện thoại nhờ mình thay cha mẹ nó dự lễ phát thưởng. Mình lúc đó thương cháu, tức vợ chồng em rể mà nghĩ ra chước ngày. Đáng ra mình phải lo vụ này sớm hơn. Mọi người chắc sẽ không trách mà thông cảm ủng hộ mình. Tất cả vì hạnh phúc gia đình”.

PĐN

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục