Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhức nhối khai thác đá lậu ở Đồng Nai
Thứ hai: 12:10 ngày 03/10/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tình trạng khai thác đá lậu đã san phẳng nhiều ngọn đồi và đang băm nát nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Đồng Nai.

Khai thác đá công khai ở ấp 6 (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom, Đồng Nai)

Người dân sống xung quanh các điểm khai thác bao năm qua vô cùng khốn khổ vì bụi bặm, đường sá bị xe chở đá cày nát trong khi chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt xử lý.

Ngày 29.9, PV Thanh Niên trong vai người đi mua đá cảnh đến xã Sông Trầu, H.Trảng Bom (Đồng Nai), tận mắt chứng kiến hoạt động khai thác đá trái phép diễn ra rầm rộ, công khai. Cách UBND xã Sông Trầu chừng 3 km, hai bên con đường rộng chừng 5 m dẫn vào ấp 6 là từng lớp bụi bám dày cộp trên những tán cây. Càng vào sâu bên trong đường càng lồi lõm, “ổ voi, ổ gà” dày đặc. Mặt đường bị xẻ thành từng rãnh, in hằn những vết bánh xe ben còn mới toanh. 

Tụi tui làm cả ngày lẫn đêm. Ông B. và ông S.L thuê chung một xưởng xẻ đá. Nay ở đây mấy ổng bao hết, mỗi người phải mấy chục đến cả trăm mẫu đất. Khu này khoảng hơn 2 ha, múc chừng một tháng là banh hết luôn.

2 xe múc nó làm lẹ lắm

Một phu đá ở Trảng Bom, Đồng Nai

Đi sâu vào trong ấp 6, hai bên đường là hàng chục héc ta đất lởm chởm, có nhiều chỗ tạo thành hố sâu hoắm, mà theo người dân là hậu quả của việc khai thác đá trái phép. Theo lời của người dân địa phương, điểm nóng về khai thác đá trước đây ở ấp 3, nhưng nguồn đá dần cạn kiệt nên “đá tặc” chuyển qua ấp 6 để làm ăn. Khu vực khai thác đá vốn là những đồi đất trồng tràm, cây ăn trái… nhưng nhiều năm nay người dân bỏ hẳn việc làm nông nghiệp, bán đất lại cho các “ông trùm” chuyên khai thác đá lậu ở địa phương như ông C., B. và S.L. “Mỗi sào đất ở đây người ta bán được từ 100 - 200 triệu đồng. Tùy theo đá ở trong đất nhiều hay ít mà giá cả khác nhau”, một người dân ở ấp 6 nói.

“Mấy ổng bao hết rồi”

Đi theo vết bánh của chiếc xe ben vừa chở đá ra khỏi ấp, chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ ngoằn ngoèo đầy “ổ voi, ổ gà”, sình lầy suốt con đường dài chừng 500 m. Đến cuối đường, đập vào mắt chúng tôi là “đại công trường” khai thác đá rộng gần 3 ha. Tại đây, những tảng đá nặng vài tạ đến hàng tấn được chất thành từng đống lớn, kéo dài cả trăm mét. Xung quanh khu đất có 4 máy múc, máy khoan gầm rú phả khói đen mù mịt, chạy tới chạy lui để chuyển đá ra khỏi lòng đất. Đất bị múc sâu hoắm xuống gần 3 m để móc các tảng đá lớn lên. Những tảng đá nặng hàng chục tấn được dồn lại một góc chờ xe ben tới vận chuyển về xưởng cưa. Tài xế xe múc tiết lộ, bãi đá trên là của ông C. mua lại từ người dân địa phương để khai thác. Nghe chúng tôi hỏi mua đá “dựng” (đá cảnh), tài xế này nói: “Đào được cục đá lớn nào lên là xe tải tới chở về xưởng cưa xẻ đá của ông C. hết, chứ còn đâu mà mua. Giờ chỉ còn đá nhỏ để lại đây thôi”.


Khai thác đá công khai ở ấp 6 (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom, Đồng Nai)
ẢNH: ĐỨC TIẾN - TIỂU THIÊN

Cách bãi khai thác của ông C. chừng 500 m có thêm nhiều bãi khác với máy cuốc, máy khoan rầm rộ khai thác. Những khoảnh tràm bị đốn hạ, đá tảng được múc lên để từng đống ngổn ngang kéo dài hàng chục mét. Tiếng máy cuốc, máy khoan va vào đá vang lên rầm rầm chấn động cả một vùng. Đi tiếp khoảng 1 km nữa, chúng tôi gặp bãi đá do ông B. làm chủ, hai chiếc máy múc đang hoạt động hết công suất. Bãi này nằm sát đường nhựa nên thuận lợi cho việc vận chuyển đá. 

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì một người đàn ông khoảng 50 tuổi mang thức ăn đến cho tài xế máy múc. Ông này cho biết khu đất được ông B. mua lại từ người dân địa phương với giá 120 triệu đồng/sào. “Đá ở đây có màu xanh, màu tím, sau khi múc lên được đưa về xưởng để xẻ. Người ta đặt hàng nhiều lắm mà không có đá mà xẻ. Tụi tui làm cả ngày lẫn đêm. Ông B. và ông S.L thuê chung một xưởng xẻ đá. Nay ở đây mấy ổng bao hết, mỗi người phải mấy chục đến cả trăm mẫu đất. Khu này khoảng hơn 2 ha, múc chừng một tháng là banh hết luôn. 2 xe múc nó làm lẹ lắm”, ông này nói.

Băm nát đất vườn để làm đá chẻ

Không chỉ là đất rẫy, ruộng và đồi bị đào xới để lấy đá, mà ngay cả đất trong vườn nhà dân ở khu dân cư cũng bị bán quyền khai thác hoặc hợp đồng ăn chia để các “ông trùm” đưa người vào khai thác lậu. Tại H.Thống Nhất (Đồng Nai), hoạt động khai thác đá rầm rộ không kém ở Trảng Bom. Đá đào lên được thợ dựng lán để khoan, đục thành đá chẻ thành phẩm ngay tại bãi khai thác.

Tại một bãi đá ở ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung (H.Thống Nhất), nơi chỉ cách QL20 chưa đến 100 m, chúng tôi thấy hai người xăm mình vằn vện đang dùng máy khoan, búa để chẻ đá thành từng viên có kích thước 20 x 40 cm. Gần đó, một thanh niên khác đang điều khiển xe cuốc liên tục đào đất để moi lên từng tảng đá lớn. Thấy người lạ, những người này tỏ ra dò xét và rất tiết kiệm lời. Đến khi nghe chúng tôi nói đi mua đá cảnh thì họ mới bắt đầu nói chuyện. Những người làm đá ở đây cho biết họ làm thuê cho chủ bãi đá tên P. “Đá chẻ ở đây làm xong thì có xe đến chở đi bán khắp nơi cho người ta làm móng nhà, xây tường. Còn đá cây để dựng (làm cảnh) thì được gom lại chở tới bán cho người có nhu cầu”, một phu đá ở đây cho hay. Theo những phu đá ở đây, khu đất này vốn là một quả đồi, ông P. đã khai thác mấy năm nay, hiện đã khoan và đào múc đến tầng lớp thứ 3 mà vẫn còn đá. Cả khu đất rộng hơn 2 ha bị đào múc lồi lõm như bị B52 rải bom.


Xe chở đá lậu chạy ngang nhiên trên đường và là nỗi ám ảnh của người dân ấp 6

Đi dọc theo con đường Võ Dõng 3 - Soklu, nơi giáp ranh giữa xã Gia Kiệm và xã Quang Trung (H.Thống Nhất), chúng tôi thấy hàng loạt điểm khai thác đá mọc lên như nấm sau mưa. Tại mỏ đá của một ông chủ tên V., chúng tôi phát hiện bên trong dựng lên nhiều lán trại nhỏ. 5 phu đá đang hì hục dùng búa, máy khoan liên tục đập, tỉa đá thành từng viên đá chẻ có kích thước 20 x 40 cm. Đ., em trai ông V., nói ở khu vực này các khu đồi đã bị san phẳng, không còn đá để khai thác nên người ta phải chuyển sang mua hoặc thuê đất vườn của người dân để làm đá. “Ông nhìn quanh xem, có quả đồi nào còn đá đâu. Người ta khai thác hết rồi. Giờ ông muốn mua đá lớn thì phải gọi điện đặt trước”, Đ. nói. Cách đó khoảng 200 m cũng có một bãi khai thác đá với quy mô tương tự. Đá được đào lên chất thành đống cao ngút, sau đó công nhân liên tục chất lên xe để vận chuyển đi tiêu thụ.

“Dân ở đây khổ lắm nhưng không biết kêu ai”
Tiếp tục rảo quanh khu vực xã Gia Kiệm và Quang Trung (H.Thống Nhất), phóng viên ghi nhận có hàng loạt bãi đá lớn nhỏ đang được khai thác rầm rộ. Xe chở đá chẻ chạy ầm ầm khắp các con đường lớn nhỏ trong xã. Một người dân địa phương cho biết tại H.Thống Nhất nếu tính khai thác đá chẻ kiểu này có cả trăm bãi. Không chỉ bán đá chẻ, những người khai thác đá còn bán cả đá bìa, đá vụn và đất tận thu với giá 400.000 - 450.000 đồng/xe máy cày (khoảng 3 m3). “Khai thác đất thì còn bị hạn chế về mùa mưa, còn đá chẻ thì làm được quanh năm. Mỗi bãi thường có từ 7 - 10 thợ. Bãi nhỏ ít đá thì họ làm khoảng 2 - 3 năm, bãi lớn có khi làm tới gần 10 năm cũng chưa hết đá”, người này nói.
Trong lúc chúng tôi ghi nhận tình trạng khai thác đá ở Sông Trầu, thấy nhiều xe ben chở những tảng đá nặng hàng chục tấn chạy bạt mạng, bóp còi inh ỏi, bụi và đá dăm văng tung tóe khiến người đi đường phải dạt vào lề. Nhiều chiếc chở 3 - 4 tảng đá nặng hàng chục tấn không được che chắn, không cột buộc cố định, nằm chông chênh, đá lắc lư theo từng cú bẻ cua của tài xế, trông vô cùng nguy hiểm. Bà Nguyễn Thị Hóa (56 tuổi, ấp 6, xã Sông Trầu) bức xúc: “Xung quanh đây có hàng loạt bãi khai thác đá mọc lên. Xe tải chở đá chạy rầm rầm suốt cả ngày đêm liên tục mấy năm nay khiến dân sống ở đoạn đường này khổ lắm. Nhà tôi đóng kín cửa suốt ngày mà bụi vẫn chui vào nhà từng lớp. Trời mưa thì sình lầy, trời nắng mù mịt không thấy đường đi luôn, khổ nhất là trẻ em đi học bị nhuộm bụi lấm lem hết. Dân ở đây khổ lắm nhưng không biết kêu ai cả”.

Nguồn TNO

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục