Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Những bài học ở tỉnh bạn
Thứ hai: 10:15 ngày 25/08/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Bài học bảo vệ gìn giữ môi trường còn ở trong hàng trăm ngôi chùa Khmer hiện diện khắp Trà Vinh, mà tiêu biểu là ở chùa Hang và ao Bà Om ngay giữa lòng thành phố. Ôi chà! Đến chùa Hang giữa lúc chim về đầy trời, cò đậu đầy cành trên rừng cây cao, rộng bát ngát quanh chùa, người Tây Ninh cứ phải miên man mà săn ảnh chim bay, cò múa. Và nữa, phía sau chùa bày cơ man nào là những tác phẩm điêu khắc gỗ của các nhà sư.

Thăm phiên bản nhà sàn của Bác tại di tích đền thờ Bác ở Trà Vinh.

Anh Lê Bá, trưởng đoàn Hội Nhà báo Tây Ninh chắc là còn quyến luyến với Vĩnh Long quá, nên cứ chùng chình mãi, tới được Trà Vinh thì đã muộn mất một giờ. Hẹn 11 mà 12 giờ mới đến nơi. Vậy mà đến văn phòng Hội Nhà báo Trà Vinh đã thấy hơn chục người ra đón, trong đó có Chủ tịch Hội Ngô Thanh Hoà, Phó Chủ tịch Trần Điền và nhiều phóng viên, cán bộ văn phòng khác. Lại thú vị nữa, là sau màn giới thiệu chủ khách thì Hội Nhà báo Trà Vinh lại xin được tặng quà cho từng vị khách, mỗi người một túi giấy thật xinh và thanh lịch. Anh Hoà vui vẻ bảo: “Quà chỉ toàn giấy thôi!”. Sốt ruột quá nên vội mở ra xem. Thì ra là các tập sách mà các hội viên vừa xuất bản.

Anh Hoà giới thiệu, trong đó có cả sách của đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Quang Huy (bút danh Bùi Nhất Chi). Nói thêm, ông Huy cũng đã đến chờ ở đây để tận tay tặng sách nhưng đoàn tới quá muộn, nên ông đành về trước. Ôi thật là đáng tiếc! Giá như đừng quá dùng dằng ở Vĩnh Long, thì sẽ được gặp một con người từng gắn bó với miền đất Cửu Long và ngay từ những ngày đầu Trà Vinh tái lập (1992). Và có thể, ông sẽ tự đọc lên những bài thơ thấm đẫm tình yêu quê, yêu nước và chan chứa tình người. Chuyện ấy thì về sau tôi mới biết trong cuốn sách mang tên “Con đường phía trước” (Nxb Thông tin Truyền thông) của ông.

Còn ngay tại bàn tiếp đón của Hội Nhà báo Trà Vinh, tôi chỉ tò mò trước ba tập thơ cùng mang tên một tác giả là Khổng Vĩnh Nguyên. Tập đầu tiên, đã đọc có cái tên là lạ: GDP- như một khái niệm kinh tế. Vậy mà khi giở từng trang, lại là một hồn thơ trầm tĩnh và sâu sắc. GDP thật kiệm lời nhưng có lẽ nhờ thế mà ý tưởng tràn ra, lan toả tuỳ tâm trạng người đọc, đôi khi gây hiệu ứng cảm xúc bất ngờ. Ngay tại bàn, tôi lật tiếp tập “Tro”.

Thì đã có thể nhớ ngay hai câu đầu của “Tuổi mười lăm”, như thể thơ ấy đã neo ngay vào trí nhớ: “Em tuổi mười lăm, anh ở đâu/ Mắt em ngơ ngác đến ba màu…”. Dẫu chưa thật hiểu ý tác giả nhưng tôi đã thật kính nể cái đôi mắt có đến ba màu ấy. Điều bất ngờ thứ nhất là đây, khi Phó Chủ tịch Hội Trần Điền bảo tôi: Vĩnh Nguyên chính là Ngô Thanh Hoà đấy!

Gọi là một chiều ở Trà Vinh nhưng thực ra chỉ có hơn ba giờ đồng hồ. Vì đến hơn 15 giờ đoàn rời khách sạn đi thăm thú theo hướng dẫn của anh Trần Điền và các bạn trẻ ở văn phòng Hội. Nơi đầu tiên cả chủ khách đều mong tới chính là khu di tích đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Long Đức, thành phố Trà Vinh. Ôi, ngôi đền đã được bà con các dân tộc Trà Vinh góp công sức dựng lên ngay từ sau ngày biết tin Bác mất. Thế nhưng do quá gần đồn địch nên luôn phải chịu bom đạn, giặc càn. Cho đến tháng 1.1971 ngôi đền mới được khánh thành, sau đó giặc tìm mọi cách đốt phá, đền lại mọc lên bằng nhiều trái tim Việt, Khmer yêu kính Bác. Một chuyện bên lề, một trong những người tham gia xây dựng đền là ông Tư Cẩn, sau hoà bình có một nhiệm kỳ được Trung ương cử về làm Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh.

Điều phải học đầu tiên chính là ở đây, đền thờ Bác. Những năm sau này, khi đã xây dựng lại toàn khu thành khu di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, thì ngôi đền nhỏ chỉ 16 mét vuông dựng lên giữa mưa bom bão đạn ấy vẫn được nâng niu gìn giữ hầu như nguyên gốc. Và người Trà Vinh có sáng kiến là đặt ngôi đền nguyên gốc ấy trong một toà kiến trúc bê tông cốt thép hình bông sen- loài hoa Bác yêu thích nhất, cũng là loài hoa sắp sửa được chọn làm quốc hoa.

Chúng tôi còn gặp lại bài học bảo tồn di sản văn hoá của người Trà Vinh ở mọi nơi, mọi lúc trên đường. Nhưng đây lại là một bài học khác, bài học có trước và mang ý nghĩa to lớn hơn là bảo vệ môi trường. Trên nhiều đường phố Trà Vinh có những hàng cây sao cổ thụ cao vài chục mét. Tôi nhớ lại các thành phố miền Tây Nam bộ những nơi mình đã đi qua, có thành phố nào còn giữ cho mình hàng ngàn cây cổ thụ tuổi quá trăm năm? Hầu như không- ngoại trừ thị xã Trà Vinh sau này là thành phố Trà Vinh. Ngay ở thành phố Tây Ninh quê mình cũng chỉ còn đúng năm cây sao còn lại từ thời Pháp thuộc.

Đoàn Hội Nhà báo Tây Ninh chụp ảnh tại đền thờ Bác Hồ.

Một nét riêng nữa nằm ở một khẩu hiệu trên đường: “Xây dựng thành phố Trà Vinh sáng, xanh sạch, đẹp”. Chữ sáng trong câu khẩu hiệu cũng chỉ ở đây mới có. Ở đâu mà chẳng đang phấn đấu xây đô thị xanh, sạch, đẹp. Có phải ẩn ý sau từ sáng này là sáng trong, sáng tỏ, rõ ràng và minh bạch hay chăng?

Bài học bảo vệ gìn giữ môi trường còn ở trong hàng trăm ngôi chùa Khmer hiện diện khắp Trà Vinh, mà tiêu biểu là ở chùa Hang và ao Bà Om ngay giữa lòng thành phố. Ôi chà! Đến chùa Hang giữa lúc chim về đầy trời, cò đậu đầy cành trên rừng cây cao, rộng bát ngát quanh chùa, người Tây Ninh cứ phải miên man mà săn ảnh chim bay, cò múa. Và nữa, phía sau chùa bày cơ man nào là những tác phẩm điêu khắc gỗ của các nhà sư.

Có tác phẩm tạc đôi bò kéo xe, trâu kéo cày, bà mẹ xay lúa to như thật. Những bộ gốc rễ cây đã già, chết nay lại được thăng hoa trong một đời sống khác. Dĩ nhiên là đẹp đẽ và được tôn vinh hơn bởi ngày nào cũng có biết bao du khách đến vừa ngắm, vừa xuýt xoa thán phục và sau đó là xin được chụp ảnh chung. Và cũng không chỉ có đất chùa mới ngờm ngợp cao xanh, mà nhiều khuôn viên các công sở, như trụ sở UBND tỉnh cũng như một khoảnh rừng xưa có cả trăm năm gìn giữ.

Xin đừng hiểu lầm là người Trà Vinh chỉ chăm lo bảo tồn mà không hoặc chậm phát triển. Hãy tham khảo số liệu này trong bài viết “tỉnh Trà Vinh sau 20 năm tái lập” của tác giả Bùi Nhất Chi: “năm 1992 toàn tỉnh chỉ có 20km đường láng nhựa… thì đến 2010, toàn tỉnh đã có 600km đường láng nhựa, trên 1.500km đường giao thông nông thôn được bê tông hoá…”.

Hiện thực đâu xa, mà ở ngay trước mặt chúng tôi đây, khi rời ao Bà Om trong ánh hoàng hôn bịn rịn đỏ mặt hồ. Thành phố đã lên đèn, tuyến đường về hai làn đường với dải phân cách rộng quãng hơn 10 mét tràn đầy hoa cỏ. Hỏi tên, ai cũng lắc đầu bảo, đường mới làm, còn mới quá nên HĐND tỉnh chưa kịp đặt tên.

Cách nay vài năm, khi đọc bút ký “Hồn xưa phố mới” của nhà văn Trần Dũng in trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, lúc ấy tôi còn chưa biết anh là Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Trà Vinh, tôi đã thật ngạc nhiên về những con người anh kể.

Đấy là Bùi Hữu Nghĩa, quan tri huyện Trà Vang (tên cũ Trà Vinh); đó cũng là thầy Thông Chánh, có truyện thơ mang tên thầy mà như nhận xét của nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh là “truyện thơ làm rung rinh chế độ thực dân Pháp ở Nam kỳ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”. Đến thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ lại có những vị tướng quân và chiến binh vừa làm thơ, làm văn vừa đánh giặc như Bùi Cát Vũ, Phạm Văn Phụng…

Kế thừa truyền thống cao đẹp ấy, ở thời đương đại, có phải là những Lê Thế Hùng, vừa là giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Trà Vinh vừa là nhạc sĩ; là nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên- Tổng Biên tập Báo Trà Vinh; là Trần Điền hoặc Bùi Nhất Chi… Sự nghiệp của họ là sự đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và thơ, văn, nhạc họ viết ra vẫn đằm thắm và chan chứa tình người, tình đất nước.

Người tôi gặp sau cùng chính là Trần Dũng, vào bữa sáng ngày 1.8 trước lúc lên đường về. Làm gì nói được nhiều khi lòng còn tràn đầy cảm xúc với người và đất Trà Vinh. Nhớ và cảm động với từng người đã gặp hay đã biết.

Nhớ và cảm động cả với cô thuyết minh viên ở đền thờ Bác; khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về lịch sử, cô đem tặng ngay cuốn sách Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trà Vinh xuất bản. Thôi đành nhắc lại với Trần Dũng một câu anh viết đã thành điệp khúc trong bài ký đã kể: “Hồn thiêng thành phố không ở đâu xa”. Còn tôi giữa thành phố tràn cây cổ thụ và tháp vàng chùa Khmer ấy muốn gọi vang tên thành phố này là: Sáng, đẹp và thân thiện. Có phải là hồn thiêng Thành phố cũng đã thấm vào tôi?

Nguyễn Quốc Việt

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục