BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những bất cập trong quản lý và khai thác khoáng sản

Cập nhật ngày: 12/05/2012 - 03:09

>>Tin liên quan: Những bất cập trong quản lý và khai thác khoáng sản


Công tác quản lý khai thác khoáng sản ở Tây Ninh những năm trước đây có nhiều mặt hạn chế khiến tình trạng khai thác khoáng sản thuộc vật liệu xây dựng thông thường như đá xây dựng, đất san lấp, cát xây dựng… diễn ra hết sức phức tạp. Thế nhưng những năm gần đây, việc thẩm định, cấp giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện chặt chẽ hơn nên tình trạng khai thác tràn lan đã được hạn chế. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít nơi khai thác vượt mức cho phép, không đảm bảo đúng quy trình, đúng độ sâu và có một số mỏ sau khi hết thời hạn vẫn tiếp tục khai thác. Sở dĩ tình trạng vi phạm này còn diễn ra do việc tổ chức quản lý và kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản còn một số vấn đề bất cập.

Nhân lực thiếu, trách nhiệm chưa rõ ràng

Lãnh đạo UBND huyện Tân Châu cho biết từ năm 2007 đến đầu năm 2012, trên địa bàn huyện Tân Châu có 1 giấy phép khai thác đá vôi và đá sét do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp với công suất khai thác hơn 2 triệu tấn/năm, 14 giấy phép khai thác đất san lấp, cát do UBND tỉnh cấp với sản lượng khai thác mỗi giấy phép từ 10.000m3 đến 50.000m3. Công tác quản lý khai thác khoáng sản trong thời gian qua đã được quan tâm hơn trước đây, nhưng tình hình khai thác sai quy định với nhiều hình thức, mức độ khác nhau vẫn còn diễn ra. Nguyên nhân cơ bản là do lực lượng cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản quá ít. Hiện tại, ở cấp huyện chỉ có 1 biên chế phụ trách về khoáng sản, còn ở tất cả các xã đều chưa có. Do đó, địa phương sắp xếp cán bộ phụ trách công tác khác kiêm nhiệm lĩnh vực khoáng sản, nhưng hầu hết đều không có kiến thức chuyên môn về địa chất nên không đáp ứng được nhu cầu công việc. Ở tất cả các huyện khác cũng tương tự.

Chế biến đá xây dựng ở mỏ đá Lộc Trung, huyện Dương Minh Châu.

Theo ông Nguyễn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì cơ quan chuyên môn quản lý về khoáng sản chỉ mới có ở cấp tỉnh, cán bộ thừa hành làm công tác quản lý khoáng sản ở cấp huyện còn thiếu, trong đó có nhiều huyện chỉ là kiêm nhiệm. Chẳng những biên chế thiếu mà trình độ chuyên môn cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, có một số nơi bố trí cán bộ chuyên môn khác phụ trách lĩnh vực khoáng sản. Từ đó công tác kiểm tra vừa chậm, vừa thiếu triệt để.

Không chỉ có thiếu về nhân lực, năng lực phục vụ công tác quản lý Nhà nước, theo lãnh đạo một số huyện thì sự phân cấp quản lý cũng chưa được rõ ràng khiến cho sự phối hợp quản lý các khâu từ quy hoạch, thẩm định hồ sơ xin khai thác, cấp giấy phép khai thác… đến khâu kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được chặt chẽ. Theo như lãnh đạo huyện Tân Châu thì cấp giấy phép khai thác khoáng sản là thẩm quyền của tỉnh, của Trung ương, có khi địa phương không nắm được cụ thể nên việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian qua có lúc thiếu sát sao. Đặc biệt, đối với hoạt động khai thác đá vôi và đá sét ở nhà máy xi măng thì huyện hoàn toàn không nắm được quy trình, tiến độ khai thác như thế nào- mặc dù khu mỏ nằm trên địa bàn huyện. Còn về việc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản các huyện cũng không nắm được do cấp nào có thẩm quyền cấp phép thì cấp đó thu hồi.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thì trước đây UBND tỉnh đã có văn bản phân công, phân cấp quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Cụ thể là tỉnh cấp giấy phép khai thác và quản lý về khoáng sản còn huyện quản lý về môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời đơn vị khai thác khoáng sản hằng năm phải báo cáo hoạt động khai thác về tỉnh và lĩnh vực môi trường về cho huyện nắm. Tuy nhiên, có thể trong quá trình triển khai thực hiện có một số huyện chưa nắm vững và cũng có một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về báo cáo định kỳ.

Hệ quả của những điều bất cập

Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều nơi đất đai, núi đá đã bị đào xới để lại những khu hầm hố mênh mông mà chẳng có thể sử dụng được vào việc gì. Trong đó có rất nhiều khu không hề được đầu tư cải tại, phục hồi cảnh quan môi trường theo quy định. Cụ thể như ở núi Bà, qua một thời gian dài khai thác đá khu vực Đông Nam núi Đất, cảnh quan nơi đây đã biến dạng hoàn toàn. Một số nơi núi bị đào bới tạo thành những ao và vách đá thẳng đứng rất nguy hiểm. Thế nhưng chuyện phục hồi cảnh quan môi trường nơi đây chưa thấy gì cụ thể- tuy rằng khu vực này đã được đóng cửa mỏ gần 5 năm nay. Hoặc như ở huyện Trảng Bàng, có một khu vực đã khai thác đất san lấp rộng đến hơn 50 ha, trên đó có rất nhiều hầm hố được đào loang lổ có nơi sâu đến hơn 20 mét với bờ thẳng đứng, nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu nào chứng tỏ đã có sự phục hồi cảnh quan môi trường. Việc tạo ra những hầm hố sau khi khai thác khoáng sản đã xuất hiện khắp cả tỉnh, chẳng những gây mất an toàn cho cư dân chung quanh, lãng phí tài nguyên đất đai do mặt bằng không còn sử dụng được mà còn ảnh hưởng đến kết cấu địa chất nhiều khu vực. Thế nhưng, đến nay gần như chẳng có bao nhiêu khu hầm hố được phục hồi cảnh quan môi trường đúng tiêu chuẩn. Đây là hậu quả của những điều bất cập đã và đang diễn ra.

Hiện tại, Tây Ninh đang cho phép khai thác những khu mỏ khoáng sản quy mô rất lớn. Trong đó, mỏ khai thác đá vôi và đá sét ở huyện Tân Châu có tổng trữ lượng đến 30 triệu tấn, với công suất khai thác khoảng 2 triệu tấn mỗi năm. Chỉ sau hơn 3 năm đưa vào hoạt động, khu mỏ này đã được đào sâu mấy mươi mét và trong tương lai có thể sâu đến cả trăm mét. Còn mỏ đá xây dựng Lộc Trung ở huyện Dương Minh Châu cũng đã đưa vào hoạt động mấy năm nay với trữ lượng khai thác dự kiến là hơn 6 triệu mét khối. Đây là 2 khu mỏ đã khai thác được tiềm năng khá lớn, góp phần rất đáng kể trong việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tuy vậy, nếu như không có sự quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản ở những khu mỏ này ngay từ bây giờ thì rất có nguy cơ sau này môi trường địa chất ở Tây Ninh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời sẽ kéo theo nhiều sự thay đổi khác có tác động xấu đến kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, trong những năm gần đây, Tây Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc hạn chế các hoạt động khai thác khoáng sản bừa bãi, tuỳ tiện để dần đưa vào khuôn phép nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Qua đợt kiểm tra vào cuối năm 2011, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã đánh giá rằng công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản đã được UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo và kết quả là đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều mặt tồn tại mà một trong những nguyên nhân là xuất phát từ những bất cập chưa được giải quyết. Trong đó bất cập cơ bản nhất là nhân lực có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý lĩnh vực khoáng sản còn quá thiếu. Hiện nay, ngành chức năng đang tiến hành những nhóm giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, lĩnh vực khai thác khoáng sản ở Tây Ninh sẽ đi vào nền nếp, ổn định và bền vững để vừa góp phần xứng đáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà vừa không gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường.

Sơn Trần