Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Để đáp ứng nhu cầu xây dựng, ở nhiều nơi trong tỉnh tình hình khai thác khoáng sản diễn ra rất phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đời sống nhiều hộ dân.

Tại Tây Ninh những năm qua ngày càng có nhiều khu, cụm công nghiệp ra đời, tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng tăng nhanh. Từ đó nhu cầu cung ứng vật liệu xây dựng ngày càng lớn. Những vật liệu thiết yếu phục vụ nhu cầu xây dựng là đất san lấp, đá xây dựng, cát… (gọi chung là khoáng sản) có trữ lượng khá lớn trên địa bàn tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng, ở nhiều nơi trong tỉnh tình hình khai thác khoáng sản diễn ra rất phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đời sống nhiều hộ dân. Hiện nay tình hình tổ chức khai thác đã có vẻ bớt phức tạp, nhưng về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản thì vẫn còn không ít bất cập.
Thiếu giám đốc điều hành mỏ “đủ chuẩn”
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2007 đến cuối năm 2011, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 1 giấy phép khai thác đá vôi và đá sét, UBND tỉnh cấp 438 giấy phép hoạt động khoáng sản, trong đó có 282 giấy phép đã hết hiệu lực và 156 giấy phép còn hiệu lực.
![]() |
Mỏ đá Lộc Trung huyện DMC đang khai thác |
Cuối năm 2011, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản tổ chức Đoàn kiểm tra tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đoàn đã làm việc với các ngành chức năng liên quan và kiểm tra 8 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 doanh nghiệp khai thác đá, 4 doanh nghiệp khai thác cát và 1 doanh nghiệp khai thác than bùn. Trong biên bản làm việc, Đoàn kiểm tra có nêu nhiều điểm thiếu sót, trong đó “Về giám đốc điều hành mỏ, hầu hết các mỏ khai thác đều không bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ”. Trong 8 doanh nghiệp khai thác mỏ trên địa bàn được đoàn đến kiểm tra có 4 doanh nghiệp không có giám đốc mỏ đủ tiêu chuẩn. Vấn đề này, đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị khai thác mỏ bổ nhiệm giám đốc điều hành đúng quy định.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như lãnh đạo các địa phương trong tỉnh thì quy định về tiêu chuẩn của giám đốc mỏ rất khó thực hiện được đối với Tây Ninh. Bởi vì khoáng sản trên địa bàn tỉnh thì nghèo nàn về chủng loại, nhỏ về trữ lượng so với nhiều địa phương khác. Hầu hết mỏ ở Tây Ninh đều có quy mô nhỏ. Thế nhưng theo quy định, ở bất kỳ mỏ khai thác khoáng sản nào, tiêu chuẩn của giám đốc mỏ đều phải đạt trình độ đại học chuyên ngành địa chất- mỏ. Trong khi đó, ở Tây Ninh có không ít mỏ khai thác đất san lấp, đất sét gạch ngói, cát xây dựng chỉ được cấp phép với khối lượng vài ngàn hoặc vài chục ngàn mét khối, với thời gian khai thác chỉ dăm ba tháng thì việc phải bổ nhiệm giám đốc điều hành với tiêu chuẩn như thế hết sức khó khăn, vì lẽ số người có chuyên ngành địa chất-mỏ ở Tây Ninh chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, doanh nghiệp khai thác mỏ tìm người có trình độ trung cấp chuyên môn cũng không có nói chi đến đại học. Do vậy trong 156 mỏ giấy phép khai thác còn hiệu lực, chỉ có 4 doanh nghiệp khai thác mỏ quy mô lớn có giám đốc mỏ đúng tiêu chuẩn. Việc khai thác mỏ không có người điều hành có kiến thức chuyên môn khiến nhiều khu mỏ khai thác bừa bãi, không đúng kỹ thuật và gây ra sự tổn hại môi trường.
Từ thực trạng như vậy, lãnh đạo Sở TN&MT đã kiến nghị Trung ương “giảm tiêu chuẩn giám đốc điều hành mỏ đối với hoạt động khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường- đặc biệt là đối với đất san lấp theo hướng chỉ cần tốt nghiệp THPT và qua lớp bồi dưỡng kiến thức điều hành mỏ”.
Bất cập trong việc ký quỹ phục hồi môi trường
Trong vài năm gần đây công tác ký quỹ cải tạo phục hồi cảnh quan môi trường đã được triển khai và đến nay đã có 116/201 tổ chức, cá nhân ký quỹ với tổng số tiền là 4,71 tỷ đồng. Tuy nhiên, chung quanh vấn đề ký quỹ vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm.
Trước nay, việc khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng diễn ra hết sức phức tạp làm môi trường tổn hại đáng kể. Để hạn chế trường hợp các chủ khai thác khoáng sản “né” thực hiện công đoạn phục hồi cảnh quan môi trường, từ năm 2009 có thêm quy định là các chủ khai thác khoáng sản phải ký quỹ phục hồi môi trường rồi mới được cơ quan chức năng cấp phép khai thác. Việc quy định các chủ khai thác khoáng sản phải ký quỹ phục hồi cảnh quan nhằm mục đích lấy phần ký quỹ đó chi phí cho các công đoạn phục hồi nếu như chủ khai thác không chịu thực hiện sau khi đã khai thác hết trữ lượng được phép. Tuy nhiên, cho đến khi có thông tư hướng dẫn thực hiện việc ký quỹ (cuối năm 2009) thì có nhiều đơn vị khai thác xong và “bỏ đi mất” nên không thể thực thi biện pháp chế tài buộc phục hồi cảnh quan môi trường được. Chính vì thế mà những khu hầm hố đã khai thác cạn kiệt, hiện nay đang “bỏ hoang”, chưa biết phải phục hồi như thế nào vì chủ khai thác không biết ở đâu và không có ký quỹ phục hồi cảnh quan môi trường. Đồng thời, cũng có không ít doanh nghiệp đang hoạt động nhưng vẫn không thực hiện ký quỹ. Cụ thể trong tổng số 201 đơn vị khai thác khoáng sản hiện nay vẫn còn đến 85 đơn vị chưa thực hiện ký quỹ, chiếm tỷ lệ đến hơn 40%.
Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng số tiền đã ký quỹ theo định mức so với khả năng chi phí thực tế để phục hồi cảnh quan môi trường thì quá thấp. Hiện nay, tuy có tới 116 đơn vị nộp tiền ký quỹ, nhưng tổng số tiền ký quỹ chỉ có 4,71 tỷ đồng, tính ra bình quân mỗi đơn vị ký quỹ chỉ có 40 triệu đồng, làm sao đủ để phục hồi cảnh quan đối với những khu hầm hố sâu hoắm đã tạo ra. Mặt khác, một số địa phương đến nay vẫn không nắm được cụ thể về phương pháp tính tiền ký quỹ phục hồi môi trường, chưa biết cụ thể công thức tính chi phí cải tạo môi trường… từ đó xác định mức nộp quỹ phục hồi môi trường chưa được sát với thực tế. Tình trạng này làm nảy sinh vấn đề: với mức nộp quỹ thấp hơn chi phí thực tế, nếu đơn vị khai thác không thực hiện phục hồi môi trường sau khi khai thác xong thì cơ quan chức năng lấy đâu ra để bù đắp vào khoản thiếu hụt khi lấy tiền ký quỹ ra phục hồi môi trường thay cho đơn vị khai thác?...
(Còn tiếp)
Sơn Trần