Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những bên chịu thiệt hại sau một năm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Thứ năm: 15:23 ngày 18/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chuyên gia kinh tế cho rằng cuộc chiến thương mại đã khiến cả thế giới gần như chịu thiệt hại, không chỉ riêng Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi cuối tháng trước. Ảnh: Reuters.

Việc Mỹ và Trung Quốc hồi cuối tháng trước nhất trí nối lại đàm phán thương mại đã phần nào khiến thị trường thế giới thở phào nhẹ nhõm. Những diễn biến mới trong các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, song họ hiện nay có thể yên tâm rằng cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh khó lập tức tăng nhiệt trở lại.

Dù vậy, kinh tế toàn cầu chưa hẳn đã thoát khỏi nguy cơ. Khi những đòn thuế cũ mà các bên giáng lên nhau vẫn còn, các hành động bảo hộ từ cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đè nặng lên kinh tế toàn cầu và làm lu mờ triển vọng tăng trưởng.

Theo các nghiên cứu được nhiều chuyên gia kinh tế thực hiện trong thời gian qua, chiến tranh thương mại kéo dài đã gây thiệt hại đáng kể đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Một phân tích của SCMP cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ đã sụt giảm 7% trong 5 tháng đầu năm nay, giảm mạnh so với mức tăng trưởng hai con số trước khi các biện pháp áp thuế có hiệu lực.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, lượng hàng bị đánh thuế của nước này tới Mỹ đã giảm tới 30%. Báo cáo được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 15/7 cho thấy tăng trưởng kinh tế nước này giảm còn 6,2% trong quý II năm nay, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua.

Về phía Mỹ, thiệt hại chủ yếu nằm ở hai nhóm. Nhóm đầu tiên là các nhà xuất khẩu đang phải gánh chịu cú sốc từ những động thái "ăn miếng trả miếng" của Bắc Kinh. Xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 38% sau ba vòng đánh thuế, khiến nước này đánh mất thị phần ở Trung Quốc vào tay các nước châu Á.

Nông dân Mỹ là bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi hoạt động xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc được cho là đã ngừng lại từ năm ngoái. Dưới áp lực phải hỗ trợ người dân vùng nông thôn Mỹ, Trump đã yêu cầu Trung Quốc mua một lượng lớn hàng hóa nông sản Mỹ như điều kiện tiên quyết để nối lại các cuộc đàm phán thương mại sau hội nghị tại Osaka, nhưng đòi hỏi này đến nay chưa được Bắc Kinh đáp ứng.

Nhóm chịu thiệt hại thứ hai trong chiến tranh thương mại là người tiêu dùng Mỹ. Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, các biện pháp áp thuế được đưa ra hồi năm ngoái đã khiến thu nhập của các hộ gia đình Mỹ giảm 1,4 tỷ USD/tháng.

Giới chuyên gia dự đoán mức thuế 25% mà Mỹ vừa đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến một gia đình bình thường ở nước này phải chi thêm 831 USD mỗi năm vì giá cả tăng cao và hiệu quả kinh tế sụt giảm.

Tuy nhiên, những thương tổn chưa dừng lại ở đây. Ngoài Trung Quốc và Mỹ, dòng chảy thương mại trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh bắt buộc của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc Trung Quốc đánh mất thị phần ở Mỹ đồng nghĩa với việc các quốc gia láng giềng của họ ở châu Á có thể tận dung cơ hội để chiếm "miếng bánh". Hàn Quốc, Nhật Bản những nước thắng lợi khi xuất khẩu tới Mỹ tăng nhanh.

Nhưng bên cạnh đó, với vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khu vực, việc giảm xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ vì thuế quan cũng khiến Bắc Kinh giảm nhu cầu đối với các linh kiện, thiết bị từ những nước khác ở châu Á.

Với thực tế trên, gần như tất cả các nước trong khu vực đã bị đẩy vào thế thua. Chẳng hạn, xuất khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc vào Trung Quốc đã giảm đáng kể trong năm qua, khiến lợi nhuận từ hoạt động thương mại gia tăng với Mỹ không thể bù đắp.

Khi chuỗi cung ứng toàn cầu dần được điều chỉnh, các nước này nhiều khả năng sẽ không thể cạnh tranh với những thị trường mới nổi, nơi chi phí sản xuất thấp hơn rất nhiều.

"Không sai khi nói không ai thắng từ một cuộc chiến tranh thương mại. Một số bên đã hưởng lợi từ việc tái cân bằng thương mại và sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, sự phân bổ không đồng đều giữa bên thắng và bên thua cho thấy cả thế giới đang chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến", chuyên gia kinh tế Aidan Yao từ công ty quản lý đầu tư AXA bình luận. "Nếu chủ nghĩa bảo hộ vẫn được duy trì, chúng ta có thể đánh mất vĩnh viễn tăng trưởng kinh tế toàn cầu".

Nguồn VNE (Theo SCMP)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục