Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những bến sông ở phía thượng nguồn Vàm Cỏ Đông (tiếp theo và hết)
Thứ năm: 07:37 ngày 11/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bến sông này đẹp lạ lùng, bởi bên phía Hoà Thạnh vẫn còn vài cây me tây đường bệ nằm sát bờ sông soi bóng nước. Cây me không cao lắm, nhưng nhìn thân cây lớn phải 3-4 người ôm mới hết cho ta biết cây đã tuổi quá trăm năm.

Nếu như ở Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát có lá trung quân (nghe nói do vua Gia Long đặt tên), thì ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông có bến Trung Dân. Không ai biết tên ấy có từ khi nào và do ai đặt. Nhưng khái niệm “Trung Dân” còn xa lạ với thời phong kiến. Vậy chỉ có thể có từ thời dân ta theo cách mạng mà thôi.

Bến Trung Dân

Có lẽ cảm ơn người đã đặt một cái tên đẹp, nên bến sông này có một đặc sản để tạ ơn con người. Nhưng đấy là từ khoảng hơn 20 năm trước. Khi ấy, cứ đến khoảng tháng 5 dương lịch là có một loài cá bột trôi về. Cá mới nở, chỉ nhỏ như một cái đầu tăm, trong như bọt nước.

Vậy nên hầu như mắt thường không nhìn thấy được. Chỉ những đôi mắt dày kinh nghiệm của dân chài mới nhận ra. Thế là trong mùa cá bột khoảng 2 tuần, dân chài các nơi kéo về bến đông như ngày hội. Ghe chèo tay thủng thẳng. Ghe gắn máy  băng băng xuôi ngược. Có hàng trăm ghe xuồng trên khúc sông từ bến Trung Dân lên tới vàm trảng.

Trên ghe, ngư dân cầm vợt, mắt săm soi mặt nước. Nơi nào có dấu hiệu cá bột là vớt lên. Những năm ấy, dân chơi cá kiểng Sài Gòn mê loại cá hồng vện, được ương từ loại cá bột này lắm. Một con nhỏ như đầu tăm ấy có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng. Mà đấy là giá cả của 20 năm trước. Có người ngày vớt được cả trăm con.

Rồi chẳng biết vì sao, cá bột không về bến Trung Dân nữa. Có lẽ nó cũng giống loài hoa mã đề trên sông Vịnh, không chịu nổi nước sông ô nhiễm nên dần rút về phía thượng nguồn. Mà lạ nhé, chỉ có nhánh sông Cái Cậy là có loài cá quý ấy. Nhánh này chạy cặp bờ xã Biên Giới chỉ 2km, rồi vào sâu trong đất bạn. Đến nay thì hồng vện cũng đã hoàn toàn vắng bóng. Nhắc lại chuyện này chỉ như ôn lại một kỷ niệm vui về bến Trung Dân.

Theo dòng sông, xuôi khoảng 4 cây số là tới bến Lồ Cồ. Lúc sinh thời qua đây, nhà thơ Cảnh Trà từng viết “Ấp Lồ Cồ nằm bên dòng Vàm Cỏ Đông xanh mát/ Có bến sông và cô gái chèo đò…”.

Đấy cũng là chuyện của hơn 20 năm trước mất rồi! Và cũng ở trong một mùa khác, không phải mùa lũ lớn. Năm ấy, bến còn có cô gái chèo đò. Sau đó ít lâu, đò đã được thay bằng một chiếc phà vuông có buồng lái trống toang được che sơ sài bằng một tấm tôn. Còn hôm nay, cuối năm 2023, đúng mùa nước lớn, hai bên bờ nước ngập mênh mông.

Ghé bến Lồ Cồ, chỉ thấy một bến sông vắng lặng. Con phà neo lại giữa rác rến, lục bình. Cũng còn một chiếc xuồng con, cho ông lái phà trên bến đi lại khi cần. Ông đang ngồi trên chiếc ghế đá chỏng chơ, ca một bản tài tử cải lương. Ngậm ngùi, ông bảo ngày thường cũng đã ít người qua nói chi mùa nước lớn.

Vâng! Kể từ năm 2020, khi cầu Bến Cây Ổi thông xe thì khách qua sông đã vắng. Nhưng vì sao người vẫn cứ kiên nhẫn giữ phà giữ bến? Hay là bởi người đã quá nặng lòng với bến sông? Bên hữu ngạn là bến Lồ Cồ; thì bên tả ngạn là bến Cây Sao thuộc xã Phước Vinh. Nơi nào cũng ghi dấu ấn một thời kháng chiến.

Sách Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh (2014) còn ghi: “Trong giai đoạn này (từ đầu 1960 đến giữa 1965) nhà trường còn tăng gia 1,5 ha ruộng tại rạch Lồ Cồ để tự túc lương thực, trung bình mỗi năm thu 220 giạ lúa. Nhà trường phải bán bớt lúa, mua một đôi trâu cái, một máy may, một tông đơ cắt tóc, tiếp nhận thêm một nhân viên mới… biết may vá”.

Có thể nói đây là thời kỳ cái ăn cái mặc được cải thiện nhất của trường Đảng (tiền thân Trường Chính trị Tây Ninh)…” Rồi tới: “Tháng 5 năm 1965, trường Đảng Tây Ninh ở bến Cây Sao được vinh dự chọn làm nơi tổ chức Đại hội Tỉnh đảng bộ.

Cán bộ và nhân viên nhà trường đã hết lòng phục vụ, góp phần tích cực vào thành công của Đại hội. Trong Đại hội này, đồng chí Võ Đức Tú là đại biểu duy nhất của trường Đảng trúng cử Tỉnh uỷ viên dự khuyết và được phân công làm Phó Ban Tuyên huấn, phụ trách trường Đảng…”. Trong khi đó, còn nhiều lực lượng cách mạng khác từng qua lại hoặc gắn bó với bến sông này trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Từ bến Cây Sao, xuôi dòng gần 3 cây số thì đến bến Băng Dung, còn về bến Cây Ổi phải gần 9 cây số nữa. Nhưng xin bỏ qua Băng Dung mà về ngay Cây Ổi, bởi ngày nay ở đó đã có một cây cầu mới bắc qua sông.

Bến sông này đẹp lạ lùng, bởi bên phía Hoà Thạnh vẫn còn vài cây me tây đường bệ nằm sát bờ sông soi bóng nước. Cây me không cao lắm, nhưng nhìn thân cây lớn phải 3-4 người ôm mới hết cho ta biết cây đã tuổi quá trăm năm.

Thân lại chia thành vài nhánh vươn lên, xoè rộng tán lá như một cây dù xanh khổng lồ. Khi xây cầu, người ta đã khéo léo để mố cầu lách qua, bảo tồn những cây me. Để hôm nay, dù có phóng xe nhanh lên dốc, người đi vẫn được ngắm những tàn me bốn mùa xanh che chở một dải bờ sông tuyệt đẹp. Này nhé, lục bình từng mảng dập dềnh trôi nổi trên sông. Đôi bờ thoáng đãng để tầm mắt phóng về xa tắp, tràn một màu xanh lúa non hoặc mùa lúa chín rực vàng.

Xuống bờ sông, dưới chân cầu ngắm về phía hạ nguồn sông, một ngày đẹp trời còn thấy núi Bà Đen trỗi lên một sắc lam tím nhạt, dưới trời xanh mây trắng bao la. Khúc sông này cũng từng có cá bột hồng vện từ thượng nguồn trôi xuống, nhưng đấy là chuyện của khoảng 30 năm trước. Sau đó cá mới rút dần lên bến Trung Dân như đã kể trên. Chuyện gần đây, là chuyện cây cầu xây từ 2019 đến 2020 thì hoàn thành.

Năm 2019, vẫn còn những bầy cò nhạn (cò ốc) qua lại bến sông này và trên vùng trời Hoà Hội, Hảo Đước để kiếm ăn. Cho đến nay, các xóm nhỏ của dân chài ven sông vẫn còn đó, họ miệt mài chài lưới trên sông kiếm sống.

Xem sách “Từ điển Địa danh Hành chính Nam bộ” (Nguyễn Đình Tư, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) mới biết các thôn xóm hai bên bến Cây Ổi đã có từ lâu. Phước Vinh từng là làng Tapang Pro Srốc, được thành lập năm 1876 dưới thời Pháp thuộc. Còn bên bờ hữu ngạn nay là Hoà Thạnh, từng là làng Đây Xoài Praha Miết, lập năm 1877 thuộc tổng Khán Xuyên. Có thôn làng, một dòng sông lớn đi qua giữa miền nương rẫy, ruộng vườn trù phú.

Đời sống tâm linh cũng được nảy nở. Bên Đây Xoài có chùa Khmer Hiệp Phước, thì bên Tà Păng cũng có xóm Chùa (do chùa xưa đã mất, chỉ để lại tên). Vậy thì phải có bến, có đò cho dân qua lại làm ăn. Người Tà Păng (nay là Phước Vinh) thường qua bến Cây Ổi, đi thêm hơn chục cây số nữa là đến chợ Bến Cầu hay chợ Tà Nông, nơi trao đổi hàng hoá với người Khmer từ bên kia biên giới. Nề nếp ấy vẫn được duy trì đến nay, dù có gián đoạn bởi hơn 30 năm kháng chiến.

Bởi thế mà đến năm 2000, bến phà Cây Ổi được “hiện đại hoá”, hơn hẳn những bến sông ở thượng nguồn. Đến 2020 lại có cầu. Ai qua đây chắc nhớ, suốt trong 2 năm xây cầu, con phà bến Cây Ổi vẫn cần mẫn luồn lách qua các mố cầu bê tông để chở khách qua sông, dù mỗi chuyến chỉ chở khoảng 2-3 người cùng xe máy.

Nhớ năm 2016, khi cầu Bến Đình xong, thì ông chủ nhiệm Hợp tác xã thông báo, con phà này sẽ được đưa lên bến Cây Ổi. Nay, cầu bến Cây Ổi cũng xong rồi, thì con phà cần mẫn ấy đã về đâu?

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục