Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
3 giờ 30 phút, đèn bật sáng trong một căn nhà ở khu phố Gia Huỳnh, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng. Nhiều người lục đục đem gạo, thịt, rau, hành đến đây cùng nhau nấu cháo để tặng cho người nghèo, neo đơn, bệnh tật.
Chị My tặng cháo thịt bằm cho người già.
Gần 2 năm nay, mỗi khuya thứ bảy, ở nhà chị Lê Thị Thông Vị- thành viên Tổ từ thiện Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) thị trấn Trảng Bàng đều đặn diễn ra hoạt động như thế. Khuya 27.10, khi chúng tôi đến, cũng như thường ngày, chị Ngô Ngọc My- Chủ tịch Hội CTÐ thị trấn Trảng Bàng làm “bếp trưởng” nấu nồi cháo thịt rất lớn. Chị cẩn thận cho vào nồi cháo từng cọng hành, xương ống, nêm nếm và đứng kế bên nồi cháo, thường xuyên khuấy đều để cháo không bị khét.
Cạnh đó, một số chị em, cô bác khác mỗi người một việc. Người này luộc thịt, bằm thịt heo. Người kia cắt huyết heo thành từng miếng nhỏ, người băm hành, xay hồ tiêu v.v... Công việc nhịp nhàng, đều đặn. Vừa làm, các đầu bếp, phụ bếp vừa vui vẻ chuyện trò với nhau. Họ kể cho nhau nghe về chuyện đồng áng, buôn bán, con cái, học hành hoặc thông tin cho nhau về tình hình sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình của hơn 100 hộ gia đình nghèo khó, neo đơn trong khu vực của mỗi người phụ trách.
Chị Ngô Ngọc My cho biết: “Mô hình Bếp ăn yêu thương này do các chị em trong tổ từ thiện nghĩ ra và duy trì hoạt động gần 2 năm nay. Hiện tại, trong tổ có khoảng 10 thành viên. Các chị em phụ trách từ khâu nấu nướng đến đem thức ăn tận nhà tặng cho người nghèo, neo đơn, khó khăn trên địa bàn Thị trấn. Gạo, thịt, dầu ăn, đường, bột ngọt, điện, gas có mạnh thường quân và các thành viên trong tổ ủng hộ. Ngoài món cháo thịt bằm, thỉnh thoảng các thành viên trong tổ còn nấu những món khác như bánh canh, bò kho ăn với bánh mì, bún nước lèo và 10 ngày ăn chay theo đạo Cao Ðài để đổi khẩu vị cho người ăn”.
Hầu như, các thành viên đều phải tất bật với mưu sinh hằng ngày, thậm chí có người còn gặp khó khăn trong việc đi lại, nhưng các chị em, cô bác ở đây đều có chung một tấm lòng giúp đỡ người nghèo khó, cô đơn. Bà Bì- Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thị trấn Trảng Bàng là một trường hợp nói trên.
Năm nay bà Bì 73 tuổi. Bà không biết sử dụng xe gắn máy và ngón tay cái bên trái đang bị thương khá nặng. “Hôm qua, nhân viên Trạm Y tế băng bó vết thương cho tôi và kêu đừng có cử động”- bà kể. Mặc dù bị thương như vậy, nhưng bà vẫn nhiệt tình đến đây từ sớm để phụ làm những việc lặt vặt. Bà nhận 30 bịch cháo, chất lên chiếc rổ nhựa phía sau ba-ga xe đạp và chở đi phân phát cho những người nghèo, neo đơn ở khu khố Lộc Thành (thị trấn Trảng Bàng).
Bà Ga, 65 tuổi, ở khu phố Lộc Thành cũng là một tấm gương rất đáng nể. Hôm nay thứ bảy, đứa cháu ngoại 5 tuổi của bà không đến trường mẫu giáo và bà nhận nhiệm vụ trông nom cháu. Hơn 3 giờ sáng, khi đến đây nấu cháo, bà phải chở cô bé theo. Trong lúc phụ làm bếp, bà cho cô bé nằm ngủ trên võng. Bà Bì lấy chiếc áo khoác đắp cho đứa cháu ngoại đỡ lạnh và thỉnh thoảng đong đưa chiếc võng để bé không bị muỗi cắn.
“Cháu bị bệnh suyễn, tôi phải đem thuốc theo cho nó”- yêu thương nhìn đứa cháu, bà bộc bạch. Cháo chín, vô bọc nylon xong, bà Ga nhận hàng chục bọc cháo, chất lên xe gắn máy, bồng đứa cháu dậy, để ngồi phía sau xe và chở đi tặng cháo.
Chị Vân, 36 tuổi- trẻ nhất trong nhóm, nên được các thành viên trong tổ từ thiện đặt cho biệt danh trìu mến “Búp bê”. Chị Vân là chủ quán ăn gia đình Thanh Vân ở thị trấn Trảng Bàng. Hằng ngày, vào buổi sáng, chị Vân tất bật lo đi chợ mua sắm thực phẩm để nấu nướng, chuẩn bị cho quán ăn của mình. Chị là một trong những thành viên đầu tiên tham gia vào tổ từ thiện, và đến nay vẫn đều đặn đóng góp công sức của mình cho hoạt động xã hội.
Chị phụ trách đem thức ăn tặng cho hơn 20 người già neo đơn trong khu vực gần nhà của mình. Chị Vân tâm sự: “Hôm nay không có mưa, đỡ cực. Mấy tháng qua, có khi đi nấu cháo xong, trời mưa tầm tã, nhưng mọi người cũng mặc trời mưa để đem thức ăn đến cho người dân”.
Chúng tôi theo chân chị Ngô Ngọc My đi tặng cháo. Chị My điều khiển chiếc xe gắn máy chạy vòng vèo trong những con hẻm nhỏ, quanh co, gồ ghề đến địa chỉ cần đến. Ðối tượng được giúp đỡ là những ông Năm, bà Út, cô Ba… Những người có chung hoàn cảnh nghèo khó, neo đơn, bệnh tật. Nhận được món quà nóng hổi từ tay chị My ân cần trao tặng, ai cũng xúc động. Một vài gia đình, chủ nhà khoá cửa đi vắng, chị My để lại bịch cháo trước cửa. Ðến 7 giờ, bịch cháo cuối cùng cũng được tặng xong. Chị My vui vẻ khi sớm hoàn thành nhiệm vụ, không để cô bác phải chờ lâu.
Chị Ngô Ngọc My cho biết thêm, ngoài mô hình Bếp ăn yêu thương kể trên, Hội Chữ thập đỏ thị trấn Trảng Bàng còn có một vài nhóm đầu bếp khác chuyên phụ trách việc nấu cơm từ thiện tặng Bệnh viện Trảng Bàng, chùa Cẩm Phong (huyện Gò Dầu). Sáng thứ 2 hằng tuần còn có Tổ thuốc Nam hoạt động ở nhà thờ họ Ðặng (chợ cũ Trảng Bàng).
Hội còn phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể Thị trấn vận động các mạnh thường quân trong và ngoài địa phương giúp đỡ, tặng quà tết cho người nghèo, tặng quà Trung thu cho các em thiếu nhi nghèo, tổ chức phục vụ mai táng, trợ táng cho những người nghèo có hoàn khó khăn. Hội cũng thường xuyên kết hợp với các đơn vị khác tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, đưa đi mổ mắt miễn phí cho dân nghèo, trao tặng học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học. Trong năm 2017, Hội vận động xây tặng được 2 căn nhà CTÐ cho người nghèo. Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo đạt 108% chỉ tiêu được giao.
Các thành viên Bếp ăn yêu thương chuẩn bị bữa cháo thịt bằm.
Nói về việc tích cực tham gia các hoạt động của Hội, chị My chia sẻ: “Khi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội CTÐ Thị trấn, tôi luôn nhớ lời Bác dạy “Mỗi cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ, phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”. Với tôi, tham gia công tác nhân đạo xã hội là niềm vui lớn”.
Với những hoạt động nổi bật nêu trên, chị My là một trong hai cá nhân tiêu biểu của huyện Trảng Bàng được Tỉnh uỷ biểu dương khen thưởng trong hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ba năm liên tục, từ năm 2015-2017, Hội CTÐ Thị trấn được Hội CTÐ huyện Trảng Bàng đánh giá là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối xã, thị trấn.
Ðại Dương