BAOTAYNINH.VN trên Google News

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA MỚI:

Những bộ sách dự án sẽ dần biến mất ? 

Cập nhật ngày: 25/12/2019 - 14:03

BTN - Năm học 2020-2021, chương trình và sách giáo khoa mới được triển khai ở lớp 1. Các lớp học khác được triển khai ở những năm tiếp theo cho đến khi hoàn tất việc thay chương trình và sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội.

Khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, toàn bộ học sinh sẽ chỉ học một chương trình nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Những bộ sách giáo khoa đang dạy trong nhà trường hiện nay có thể hoàn toàn không còn tồn tại. Mặc dù Nghị quyết 40 của Quốc hội năm 2001 quy định một chương trình một bộ sách giáo khoa nhưng chương trình hiện hành thực ra không chỉ có một sách giáo khoa như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài bộ sách giáo khoa chính thống theo Nghị quyết 40 của Quốc hội, tuỳ cấp học, bậc học, trong nhà trường hiện nay vẫn có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau.

Lớp học thuộc Chương trình VNEN

Ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, ngoài sách giáo khoa chính thống được Bộ GD-ÐT phê duyệt, ban hành, cấp học này còn có sự xuất hiện của hai bộ sách mang tính thí điểm, gồm sách của chương trình Trường học mới (VNEN) và sách Mỹ thuật lớp 1 được dạy theo phương pháp của Ðan Mạch. Cả hai bộ sách này không được triển khai ngay từ đầu của chương trình hiện hành (năm 2001) mà chỉ được áp dụng ở những năm gần đây và đều được triển khai theo từng dự án.

“Bộ GD-ĐT cần xem lại việc triển khai các dự án trong ngành, đặc biệt là dự án liên quan đến “phần mềm”. Phần mềm ở đây chính là chương trình, sách giáo khoa dạng thí điểm, thử nghiệm. Thử nghiệm cái mới cũng tốt, vì khoa học nói chung, khoa học giáo dục cho phép làm điều đó, chúng ta phải tập làm quen với cái mới. Nhưng thử nghiệm kiểu chạy theo dự án thì cả thầy và trò vất vả, tốn kém, bởi vì khi dự án hết thời hạn, hết tiền, nhà tài trợ ngừng cung cấp thì chương trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy học của dự án cũng không còn áp dụng. Bộ GD-ĐT đã nhiều lần nhấn mạnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu dạy học, không còn là pháp lệnh bắt buộc như trước, nếu vậy, việc chọn sách giáo khoa nên để cho giáo viên, học sinh và thị trường. Trên tinh thần đó, tôi cho rằng học sinh có học tốt hay không, có trưởng thành, có tri thức hay không là do cách dạy của giáo viên, cách học của học sinh chứ không phải do sách giáo khoa”- lãnh đạo một phòng giáo dục ở Tây Ninh nêu ý kiến.

Trước hết, điểm qua về chương trình, sách VNEN. Khởi nguồn của sách VNEN xuất phát từ khu vực Nam Mỹ, do một cựu thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia thành lập từ những năm 70 của thế kỷ XX. Giai đoạn từ 1995-2000, chương trình VNEN được phát triển, áp dụng ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, tuy nhiên, phần lớn những nước áp dụng tài liệu dạy học VNEN là những nước chậm phát triển. Chương trình này được dùng để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy - học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy - học… Mô hình trường học mới VNEN có một số đặc điểm nổi bật: hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình giáo dục; giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn học, quan tâm đến sự khác biệt trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Việc đánh giá học sinh thường xuyên theo quá trình học tập nhằm kiểm tra và hướng dẫn phương pháp học tập có hiệu quả - phương pháp học tập là một yêu cầu quan trọng. Môi trường học tập được xây dựng trên tinh thần thân thiện, cởi mở, hiệu quả. Tài liệu  dạy và học được thiết kế cho học sinh hoạt động, tự học, học nhóm. Tài liệu của VNEN được dùng cho cả ba đối tượng, gồm giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Hoạt động học tập của học sinh không đóng khung trong bốn bức tường lớp học, mà giúp học sinh vận dụng, tìm tòi, mở rộng ra bên ngoài. Ðây là các hoạt động giao cho học sinh thực hiện ở ngoài lớp học, giáo viên không tổ chức dạy học hoàn toàn trên lớp. Nội dung các hoạt động trong tài liệu hướng dẫn học chỉ là những yêu cầu, định hướng và gợi ý về phương pháp thực hiện, mô tả sản phẩm học tập phải hoàn thành... để học sinh tự phát hiện, lựa chọn tình huống thực tiễn nhằm vận dụng kiến thức - kỹ năng đã học được trong bài học; tìm tòi mở rộng thêm theo sở thích, sở trường, hứng thú của mình. Còn giáo viên có vị trí mới, được bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ tác nghiệp, đáp ứng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức hoạt động học tập, giáo dục, đánh giá học sinh và phối hợp với cha mẹ học sinh, với cộng đồng. Nên nhà trường phải thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh và cộng đồng.

Tại Việt Nam, chương trình giáo dục VNEN được triển khai do sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Dự án nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Tây Ninh cũng là một trong những địa phương triển khai khá rộng rãi chương trình này (cả ở cấp tiểu học và trung học cơ sở). Sau một thời gian áp dụng, có nhiều đánh giá trái chiều về chương trình VNEN (đã đề cập nhiều lần, xin phép không nhắc lại). Bất kỳ dự án nào cũng có thời gian triển khai và thời gian kết thúc. Dự án VNEN cũng đã kết thúc cách nay vài năm. Tuy vậy, dự án, nguồn tài trợ kết thúc không có nghĩa là chương trình VNEN kết thúc. Hiện nay, trên cả nước và tại Tây Ninh, nhiều lớp học ở cấp tiểu học, trung học cơ sở vẫn đang dạy học theo tài liệu của chương trình này.

Ngoài chương trình chính thống, ở lớp 1 còn có một chương trình (tạm gọi như vậy), đó là áp dụng phương pháp sư phạm của Ðan Mạch (một quốc gia tiên tiến ở châu Âu) để dạy môn Mỹ thuật. Chương trình này cũng nằm trong một dự án với tên gọi “Hỗ trợ giáo dục Mỹ thuật cấp tiểu học” và được triển khai ở nhiều trường tiểu học từ năm học 2014 - 2015 (Tây Ninh cũng được tham gia dự án).  Cũng như chương trình VNEN, dự án dạy Mỹ thuật theo “tinh thần của Ðan Mạch”  là lấy học sinh làm trung tâm. Phương pháp sư phạm, cách thức dạy học mới này được nhìn nhận là kích thích sự tương tác, tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức giúp học sinh có được các khả năng biểu đạt sáng tạo và giao tiếp thông qua hình ảnh. Qua đó, học sinh có thể khám phá, hiểu và đề cao văn hoá thông qua nghệ thuật thị giác. Ðồng thời, hình thành các kỹ năng sống và phát triển năng lực cá nhân, yêu thích cái đẹp và biết vận dụng vào cuộc sống sinh hoạt, học tập hằng ngày.

Sau một thời gian triển khai, theo đánh giá của giới chuyên môn, phương pháp dạy Mỹ thuật kiểu mới này bộc lộ nhiều bất cập. Tuy triển khai phương pháp dạy học mới nhưng đều trên cơ sở chương trình giáo dục Mỹ thuật hiện hành, điều kiện dạy học Mỹ thuật của giáo viên và học sinh còn nhiều khó khăn. Trình độ chuyên môn, năng lực của giáo viên Mỹ thuật cấp tiểu học còn chưa đồng đều. Nhiều nơi giáo viên dạy Mỹ thuật không được đào tạo chuyên sâu, không được tập huấn phương pháp mới hoặc được tập huấn chưa đúng hay chưa hiểu đúng tinh thần của phương pháp mới nên còn gặp khó khăn, lúng túng trong xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề và thiết kế các hoạt động dạy - học hiệu quả.

Ngoài sách VNEN triển khai theo dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ và phương pháp dạy học Mỹ thuật của Ðan Mạch, trong nhà trường hiện nay còn áp dụng bộ sách gây nhiều “sóng gió” trên các diễn đàn: sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Ðại. Câu chuyện sách Công nghệ giáo dục đã đề cập nhiều nên chỉ xin lướt qua. Chương trình, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Ðại cùng các cộng sự xây dựng và triển khai tại Hà Nội cách nay hơn 40 năm. Bộ sách này trải qua nhiều thăng trầm, sau năm 2000, có lúc sách đã bị dừng hoàn toàn. Năm 2006, sau 5 năm triển khai chương trình và sách giáo khoa hiện hành theo Nghị quyết 40 của Quốc hội, hàng chục ngàn học sinh lớp 1 ở miền núi, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số định cư có nguy cơ tái mù, ngồi nhầm lớp. Trước thực tế đó, Bộ GD-ÐT một lần nữa phải sử dụng sách Công nghệ giáo dục (môn Tiếng Việt) để chống tái mù cho học tiểu học. Bộ sách thực nghiệm Công nghệ giáo dục đã và đang có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có lúc căng thẳng. Nhưng có một điều không ai có thể bác bỏ, học sinh vùng sâu vùng xa học theo sách này gần như không thể tái mù. Học sinh ở đô thị học sách này được ghi nhận là phát triển tư duy rất tốt. Gần đây nhất, chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa vào năm học 2020 - 2021, bộ sách Công nghệ giáo dục bị Hội đồng thẩm định quốc gia loại ngay từ vòng đầu tiên. Sau sự kiện đó, nhiều ý kiến, gồm cả các nhà chuyên môn, cán bộ quản lý, thậm chí cả Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Hội đồng thẩm định xem xét, đánh giá các bộ sách giáo khoa mới theo tinh thần khoa học, vô tư, không thiên vị. Tuy vậy, đến thời điểm này, có lẽ không còn gì để hoài nghi, sách Công nghệ giáo dục không thể có mặt trong nhà trường, cụ thể là lớp 1, bắt đầu từ năm học sau. Theo thống kê, năm học này, toàn quốc có hơn 900 ngàn học sinh tiểu học đang theo học sách Công nghệ giáo dục, chiếm khoảng 60% - 70% tổng số học sinh lớp 1 trong cả nước.

Có thể tóm gọn, sang năm học sau, ở lớp 1, những bộ sách hay phương pháp sư phạm (theo dự án) nêu trên không còn tồn tại hoặc chỉ tồn tại dưới một hình thức khác, ví dụ phương pháp sư phạm có thể tiếp tục áp dụng. Tuy nhiên, bộ tài liệu VNEN và sách Công nghệ giáo dục sẽ không còn.

VIỆT ÐÔNG