Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những bóng hồng đam mê... múa lân
Thứ sáu: 00:54 ngày 27/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðều đặn mỗi tối tại Trung tâm Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh, các thành viên của Ðội lân sư rồng Hoa Sư Kim Long Việt Nam tập trung luyện tập. Trong số 30 thành viên của đoàn, sự xuất hiện của những gương mặt nữ khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, thích thú.

Chân dung những bóng hồng của Ðội lân sư rồng Hoa Sư Kim Long Việt Nam.

Tại các sự kiện, lễ, tết, múa lân sư rồng luôn được chọn làm tiết mục biểu diễn để cầu mong may mắn, tài lộc và thịnh vượng. Trước đây, bộ môn này chỉ dành cho nam giới, bởi vì tính chất đặc trưng, đòi hỏi thể lực, sự dẻo dai của người múa.

Thế nhưng, những năm gần đây, môn lân sư rồng lại thu hút được sự tham gia của các thành viên nữ. Bằng niềm đam mê, các bạn đã nỗ lực tập luyện, khẳng định bản thân và nhận được sự tán thưởng, ủng hộ của khán giả.

Ðều đặn mỗi tối tại Trung tâm Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh, các thành viên của Ðội lân sư rồng Hoa Sư Kim Long Việt Nam tập trung luyện tập. Trong số 30 thành viên của đoàn, sự xuất hiện của những gương mặt nữ khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, thích thú.

Nguyễn Thị Hồng Tiên (phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh) chia sẻ câu chuyện đến với đội lân của mình: “Trong một lần đi chơi cùng bạn tại Trung tâm Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh, em thấy các anh trong Ðội lân Hoa Sư Kim Long Việt Nam tập luyện nên bị cuốn theo. Lúc đó, trong đoàn đã có 2 bạn nữ đang tập luyện. Em thấy thích những động tác cũng như không khí múa lân của đội. Vậy là hôm sau, em xin tham gia vào đội”. Từ đó, cứ đều đặn, sau giờ đi làm, Hồng Tiên lại cùng đội luyện tập các bài trống hội, trống xuất trận và những động tác múa lân.

Dáng người mảnh mai nhưng khi bước vào luyện tập, Hồng Tiên khiến mọi người khá ngạc nhiên với sự nhanh nhẹn, thuần thục. Phụ trách phần đầu lân, Tiên thoăn thoắt nâng đầu lân lúc nghiêng sang phải, lúc quay sang trái hoặc cúi đầu theo nhịp trống. Tiên nhấc bổng chiếc đầu lân trên tay, hai chân đứng trên chân của người bạn múa phía sau trong tư thế lân nhảy lên không trung. Các động tác do Tiên trình diễn nhanh nhẹn, dứt khoát.

Một thành viên nữ khác trong đội là em Lê Thị Mỹ Anh (học lớp 12, Trường THPT Trần Ðại Nghĩa, thành phố Tây Ninh). Mỹ Anh đến với múa lân vì sự hấp dẫn của những hồi trống khai hội, xuất trận. Năm nay, Mỹ Anh bận học nhiều nhưng vẫn cố gắng sắp xếp tham gia luyện tập.

Mỹ Anh chia sẻ: “Ðánh trống là một trong những tiết mục tụi em phải học đầu tiên khi tham gia vào đội. Và để tiếng trống đánh đồng thanh, tụi em phải luyện tập thường với nhau. Ðánh trống không khó nhưng có nhiều bài, tụi em phải học cho thật thuộc trước khi ghép lại với nhau. Ðể có thể thuộc bài học, em thường dùng viết gõ vào cạnh bàn theo nhịp để nhẩm lại”.

Là một trong những thành viên nữ kỳ cựu nhất của đội lân, Nguyễn Thị Như Quỳnh (phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh) đã có gần 3 năm đến với bộ môn nghệ thuật múa lân truyền thống. Khoảng thời gian đầu tập luyện, Như Quỳnh đã bỏ ra rất nhiều sức lực để có thể làm quen với các động tác tung người, nâng đầu lân.

Suốt những năm miệt mài tập luyện, Như Quỳnh không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần té ngã. Chuyện tay chân bị bầm tím là quá đỗi bình thường với bạn. Với Như Quỳnh, việc luyện tập thành công một động tác khó trong múa lân là cách để bạn chiến thắng chính bản thân mình, không bỏ cuộc trước khó khăn, thách thức.

Như Quỳnh bộc bạch: “Múa lân cần nhất là đam mê, nhất là con gái như tụi em. Chỉ có đam mê mới giúp mọi người kiên trì tập luyện. Nếu không, những vất vả, cực nhọc của bộ môn này sẽ dễ dàng đánh gục bạn. Và khi vượt qua được những thử thách bước đầu, mọi thứ sẽ bắt đầu thuận lợi hơn”.

Các cô gái tham gia đánh trống hội.

Anh Nguyễn Thành Hoà, Trưởng Ðoàn nghệ thuật lân sư rồng Hoa Sư Kim Long cho biết, bộ môn này đòi hỏi sức mạnh nên khi nhận một bạn nữ vào đội, anh cũng có phần lo lắng. Nhưng qua thời gian, các bạn nữ đã học được các động tác khó, có thể múa được lân, đây là điều anh cảm thấy rất vui. Anh Hoà mong là các bạn luôn giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết với bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Tháng ngày miệt mài tập luyện, thành quả từ mồ hôi, công sức của những “bóng hồng múa lân” đã được đền đáp. Các tiết mục được ghi nhận với những tràng pháo tay tán thưởng từ đồng đội và khán giả. Niềm hạnh phúc rạng ngời trên nét mặt của các cô gái, để từ đó họ thêm tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống.

Hoà Khang - Ngọc Diêu

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục