BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những cái chết không bình thường

Cập nhật ngày: 24/10/2009 - 05:47

Công trường khai thác đá núi Bà Đen được hình thành từ năm 1979, lúc đầu chỉ với 60 công nhân, có nhiệm vụ khai thác đá làm vật liệu xây dựng, cung cấp cho công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng. Dần dần, công trường từng bước mở rộng quy mô, từ 1 điểm khai thác tăng lên 3 điểm. Đội ngũ công nhân tăng từ 60 người lên hơn 400 người, hầu hết là những người từ các tỉnh phía Bắc chuyển đến. Có gia đình cả vợ chồng, con cái đều là công nhân. Công trường về sau nâng lên thành xí nghiệp, rồi lên công ty và về sau này trở thành Công ty cổ phần 48 (CTCP48), có trụ sở đóng tại Linh Trung, Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2006, Công ty rút đi nơi khác. Gần 30 hộ gia đình một thời gắn bó với Công ty, nay người nghỉ hưu, người nghỉ việc, định cư tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Và số phận đã không mỉm cười với nhiều người trong số đó.

Những con số... giật mình!

Chị Hằng (nằm) bị ung thư giai đoạn cuối.

Thời trước, công ty nói trên được địa phương cấp 10 ha đất gần khu vực khai thác đá (tại ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá) để xây dựng trụ sở cơ quan và xây dựng khu nhà ở tập thể cho công nhân. Sau này công ty chia phần, bán lại cho công nhân, chỉ để lại một nửa số đất được cấp để xây dựng trụ sở, khu nhà ở tập thể cho cán bộ, công nhân viên. Khi công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng hoàn chỉnh, CTCP48 chuyển địa bàn hoạt động đi nơi khác nhưng vẫn duy trì một bộ phận ở lại tiếp tục khai thác tại núi Bà Đen, cho đến khi UBND tỉnh Tây Ninh có chủ trương đóng cửa các mỏ khai thác đá tại núi Bà Đen. Năm 2006, khi CTCP48 rút đi, các cán bộ, công nhân ai đến tuổi nghỉ hưu thì được giải quyết cho nghỉ, ai xin nghỉ chế độ hưởng trợ cấp một lần cũng được giải quyết. Số còn lại chuyển theo Công ty đến địa phương khác. Điều đáng nói là trong số hơn 30 hộ gia đình ở lại tại xã Suối Đá, có rất nhiều người bị mắc căn bệnh ung thư và không ít người đã qua đời.

Cuối tháng 9 năm 2009, chúng tôi gặp một số người từng là công nhân CTCP48. Họ cung cấp cho chúng tôi con số đáng giật mình. Kể từ năm 2005 đến nay có 12 người chết vì ung thư, người thì ung thư dạ dày, người thì ung thư gan, người ung thư thanh quản… Chị Nguyễn Thị Dung, ung thư thanh quản, chết năm 2005 khi chị mới 42 tuổi. Chị Nguyễn Thị Vân, 53 tuổi cũng chết do ung thư thanh quản. Ông Vũ Viết Xoá, 53 tuổi thì qua đời vì ung thư dạ dày. Chỉ trong tháng 9 năm 2009 đã có tới 3 người chết do bệnh tật hiểm nghèo gồm: ông Lê Văn Bàn, 49 tuổi (xơ gan), ông Quách Sỹ Sử, 52 tuổi (ung thư phổi), bà Nguyễn Thị Đài, 61 tuổi (ung thư đại tràng). Tất cả những người này đều có gia đình ở khu tập thể công nhân mỏ đá tại ấp Phước Lợi 1. Hiện tại còn có 3 người đang bị ung thư giai đoạn cuối là chị Trịnh Thị Hằng, 49 tuổi. Năm 2005 chị được phẫu thuật cắt bỏ khối u trong ngực, nay lại nổi các khối u khác xung quanh cổ, chị không đi lại được, phải nằm một chỗ. Còn chị Nguyễn Thị Tám, 42 tuổi bị ung thư lách đang điều trị bằng hoá chất. Riêng ông Vũ Xuân Lành, 64 tuổi bị ung thư bàng quang đang điều trị tại nhà.

Người sống không yên

Theo lời kể, trong thời gian lao động tại khu khai thác đá núi Bà Đen từ năm 1979 đến năm 2000, công nhân thường thấy những thùng thuốc màu trắng, rải rác tại khu vực khai thác đá. Do tác động của mìn nổ phá đá và máy xúc, máy nghiền, các thùng thuốc bị phá vỡ, thuốc phân tán theo gió, những người có mặt tại hiện trường bị cay mắt, hắt hơi, sổ mũi rất khó chịu, có người ngất xỉu. Những ngày trời nắng, nhiều người cùng lúc bị cay mắt, hắt hơi, có lúc mọi người phải bỏ chạy. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư gây chết người sau này chăng? Những người đã phát bệnh nằm trong số hơn 30 hộ gia đình công nhân định cư tại ấp Phước Lợi 1. Còn số phận của khá đông người chuyển đi theo CTCP48 và đi nơi khác sinh sống thì hiện không ai biết như thế nào.

Hiện nay, hầu hết những người trước kia từng là công nhân khai thác đá tại núi Bà Đen thuộc CTCP48, hiện đang ở lại tại xã Suối Đá đều có tâm trạng hết sức băn khoăn, lo lắng. Nhiều câu hỏi đặt ra, nhưng chưa có câu trả lời thoả đáng, bà con đang sống trong tâm trạng lo âu, khắc khoải. Ông Nguyễn Thế Sơn, sinh năm 1958 khẳng định: “Năm 1988, tôi làm công nhân bốc xếp đá lên xe, một bữa tự nhiên cay mắt, hắt hơi sổ mũi rồi cấm khẩu, không sao mở miệng nói được, Công ty phải đưa tới Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu. Hiện nay tôi mắc rất nhiều chứng bệnh như cao huyết áp, viêm họng mãn tính, viêm bao tử, không biết nguyên nhân từ đâu, tôi rất hoang mang, lo sợ”. Bà Đinh Thị Huệ, hơn 60 tuổi đời, gần 40 tuổi Đảng, nguyên là y tá của CTCP48, có chồng là ông Vũ Viết Xoá (chết vì ung thư dạ dày đã kể trên), thảng thốt nói: “Tôi chứng kiến nhiều vụ công nhân bị ngất xỉu, bị bệnh bất thường khi đang lao động tại hiện trường, nay nhiều người trong số họ chết vì ung thư, trong đó có chồng tôi. Thấy đồng nghiệp, người thân ra đi như thế tôi rất băn khoăn, lo lắng, chính tôi cũng đang điều trị chứng rối loạn bài tiết, lúc nào cũng phải đeo cái bọc bên mình, không biết chết lúc nào”.

Những người này trước kia là công nhân khai thác đá núi Bà Đen.

Theo đại tá Nguyễn Trọng Dân, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường- Bộ Tư lệnh Hoá học trực thuộc Bộ Quốc phòng: trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã rải xuống lãnh thổ miền Nam 2 loại hoá chất hết sức độc hại, là chất khai hoang có chứa dioxin và chất CS, nhằm ngăn cản sự tiến quân của ta. Chỉ cần đứng phía dưới hướng gió thấy cay mắt, ngạt thở là biết ngay phía trên gió có chất độc CS. Hiện nay Trung tâm đang được giao nhiệm vụ truy tìm và xử lý 2 loại hoá chất nguy hiểm ấy trên phạm vi suốt dải miền Trung, Tây Nguyên, cho tới mũi Cà Mau.

Ở Tây Ninh, trước 1975, quân đội Mỹ từng dùng không quân rải chất độc xuống khu vực quanh sườn núi Bà Đen. Năm 2000, người dân xã Suối Đá trong khi lao động sản xuất ở sườn núi phía Đông vẫn còn phát hiện ra những thùng bột màu trắng gây cay mắt, khó chịu nằm gần khu vực mỏ đá CTCP48 khai thác. Họ đã báo cho chính quyền xã Suối Đá và ngành chức năng cũng đã xử lý.

Mong chờ một lời giải

Chuyện những người từng là công nhân khai thác đá trước kia, nay hoặc đã qua đời hoặc đang sống “lay lắt” vì bệnh tật hiểm nghèo như đã kể trên rõ ràng là chuyện không bình thường. Cho đến giờ này, chưa ai dám kết luận một cách chắc chắn về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đáng quan ngại ấy. Do nhiễm chất độc Mỹ để lại, do điều kiện vệ sinh an toàn lao động không đảm bảo hay chỉ đơn thuần do bệnh nghề nghiệp? Hay còn có nguyên nhân nào khác? Những người trong cuộc đang rất mong chờ sự quan tâm của các cơ quan chức năng, giúp họ có được câu trả lời xác thực nhất.

HIỀN LƯƠNG