Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bài thơ “Trong tiếng hát ngọt mềm” in trên Văn Nghệ Quân Ðội tháng 7.2018 là một bài thơ hay viết về mẹ với những cảm xúc mới lạ, ngọt ngào, mang nhiều thích thú cho người đọc.
Trương Thị Bách Mỵ sinh năm 1983 tại Ðại Lộc, Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống về văn hoá nghệ thuật. Tốt nghiệp Trường Văn hoá Nghệ thuật, là diễn viên của nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, song Trương Thị Bách Mỵ luôn dành những tình cảm sâu đậm cho thơ.
Bài thơ “Trong tiếng hát ngọt mềm” in trên Văn Nghệ Quân Ðội tháng 7.2018 là một bài thơ hay viết về mẹ với những cảm xúc mới lạ, ngọt ngào, mang nhiều thích thú cho người đọc.
Bài thơ làm theo thể tự do với các khổ thơ dài ngắn khác nhau, chất chứa những tình cảm đặc biệt dành cho mẹ. Mở đầu bài thơ, Bách Mỵ viết: “Mẹ giắt tiếng hát ngọt mềm nơi mái tranh ngày cũ/ những mùa trăng xanh rọi thành cổ tích/ bình yên trở biếc dưới mùa mưa hôm dột nắng/ giọng hát nhấc mình bay trên gian lao”.
Hình ảnh “mẹ giắt tiếng hát ngọt mềm nơi mái tranh” là một hình ảnh độc đáo, chứng tỏ sự quan sát tinh tế và kinh nghiệm của những người “nhà quê” thường làm nhà lợp tranh. Nơi mái tranh ấy là biết bao kỷ niệm từ thuở ấu thơ đến lúc thành nhân chi mỹ.
Bao công việc đã xảy ra và diễn ra dưới mái tranh. Mái tranh là nơi che mưa, che nắng, nơi đầm ấm yêu thương, còn là nơi để “giắt” nhiều đồ vật của các mẹ, các chị: cái liềm cắt lúa, cái lược chải đầu, nhúm tóc rụng, bức thư v.v...
Và tiếng hát của mẹ, được “giắt dưới mái tranh”, từ đó để mơ thành “cổ tích” nhắc mình sự bình yên, cố gắng “nhấc mình bay trên gian lao”. Khổ thơ tiếp theo là hình ảnh cụ thể của người mẹ với những lo toan đầu đời dành cho đứa con: “Mẹ giắt tiếng ru đầu đời vào trong búi tóc/ hương bưởi rúc rích đầu hồi đêm mẹ sinh con/ ngày tháng đẹp/ muối nhảy trên than, chườm bầu sữa nóng/ trăm năm ủ trong hành hương nếp mật/ con uống giọt đầu đời điệu hò khoan, bài chòi bài lý”.
Vẫn là cụm từ “mẹ giắt” nhưng lần này là tiếng ru “giắt vào búi tóc”, những “hương bưởi” đêm sinh con, cùng những công việc của những bà mẹ quê là hơ muối trên than, chườm vào bầu sữa, ủ cả “hành hương nếp mật” để con có những giọt sữa đầu đời thật quý giá và thơm nồng. Tâm hồn con lại được ru bởi “điệu hò, bài chòi, bài lý” thì thật không gì tuyệt vời bằng.
Ở khổ 3 và kết thúc bài thơ là sự liên tưởng dồi dào, cũng từ hình ảnh “giắt”: “Mẹ giắt thanh xuân trên đầu ngọn gió lành/ cánh đồng giọt mồ hôi trổ bông bốn mùa thương nhớ/ mẹ ơi, sân nhà mình rộng nắng/ con chập chững chỗ hiên ngày nghe lá hát lao xao/ mẹ giắt yêu thương trên mỗi bước quay về/ tấm áo bạc màu khi phải nắng mưa/ nỗi nhớ lên đòng khi phải sương phải gió”.
Ðó là “tuổi thanh xuân” của mẹ cùng những vất vả, lao động lo toan cho con ngày khôn lớn. Những liên tưởng là “giọt mồ hôi trổ bông”, “sân nhà mình rộng nắng”. Rồi mẹ lại “giắt yêu thương trên mỗi bước quay về”.
Thêm một so sánh độc đáo là: “Nỗi nhớ lên đòng khi phải sương phải gió” cứ làm lòng người mênh mang một nỗi nhớ thương, rưng rưng bởi tình mẹ. Câu đầu của khổ thơ cuối, nhà thơ lại lặp lại hình ảnh mở đầu bài thơ: “Mẹ giắt tiếng hát ngọt mềm nơi mái tranh ngày cũ/ những mùa trăng xanh giọt thênh thênh/ vào miền cổ tích…”.
Là tiếng hát khi mẹ đã... già, và con đã khôn lớn? Là “những mùa trăng xanh” kỷ niệm của suốt đời người mà Trương Thị Bách Mỵ đã cảm nhận và kết luận đó là “miền cổ tích”. Cổ tích của một đời người, với tình mẹ tuyệt vời mà mênh mông, sâu thẳm.
CHÍNH VŨ