Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bài thơ “Lời của mùa thu” in trên báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn) có những hình ảnh tươi mới, sinh động và những “phản biện” thú vị về một mùa thu mới, với cách nhìn và cách cảm tinh tế của một nhà thơ nữ, tuổi đời còn khá trẻ.
Nhà thơ nữ Huỳnh Thuý Kiều sinh năm 1978, tại Cà Mau, từng đoạt giải cuộc thi thơ năm 2008-2009 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Hiện chị sống và làm việc tại Cà Mau.
Bài thơ “Lời của mùa thu” in trên báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn) có những hình ảnh tươi mới, sinh động và những “phản biện” thú vị về một mùa thu mới, với cách nhìn và cách cảm tinh tế của một nhà thơ nữ, tuổi đời còn khá trẻ.
Mở đầu bài thơ là một khổ thơ nhẹ nhàng, giàu nhạc điệu: “Mùa đã chạm chân bước lên thềm tháng tám/ Phía ngoài kia phượng héo tự hôm nào/ Em nói gì mà thu rung rinh cúc?/ Vòng vo chiều làm khóm gió lao xao”. Những hình ảnh báo hiệu thu như “phượng héo”, “bước lên thềm tháng tám” và “rung rinh hoa cúc” không mới nhưng tinh tế, man mác buồn như gió thu về.
Khổ thơ tiếp theo vẫn là những rụt rè cảm xúc về thu: “Ô cửa mở. Bàn tay ai nắm vội?/ Thu hanh gầy trải nắng vàng lay/ Hè đã cháy chỉ còn mùa ở lại/ Hạt sương vờn ngơ ngác lá bay bay…”. Một cảm xúc nhẹ nhàng, thanh thoát bởi “thu hanh gầy, hạt sương vờn ngơ ngác lá bay bay...”.
Và nhà thơ đã tự phản biện: “Ai mặc định đã thu thì phải cúc?/ Thì phải vàng sắc nhớ phía không nhau?/ Giữ hộ nhé giọt đong đầy mắt biếc/ Cầm trên tay hòn sỏi cũng hoá mềm…” bởi mùa thu phương Nam dường như chỉ có trên thơ văn và sách vở? Nhất là hiện nay, cúc hầu như có đủ trong bốn mùa, đâu cứ là mùa thu? Và lá vàng, chỉ sự tàn phai héo úa, thì mùa nào mà chẳng có? Do vậy mà nhà thơ lên tiếng: “giữ hộ nhé giọt đong đầy mắt biếc” và “cầm trên tay hòn sỏi cũng hoá mềm”.
Vì sao như vậy, hãy nghe tiếp Huỳnh Thuý Kiều thủ thỉ: “Trong veo mùa ươm những cúc đầu tiên/ Đã uống đâu mà say đến chín phương mười tám hướng?/ Thu tinh khôi chuốc say mèm từ vàng hoa đến anh và ong bướm/ Có một mùa rất trẻ vừa thức ở trong anh”. Đó là mùa thu trong veo, tinh khôi làm say từ “hoa, ong, bướm” đến “anh” là người tình trong cuộc sống. Cái “say” toả ra từ “Chín phương mười tám hướng” tức tất cả thế gian, là thiên nhiên và cả tình yêu đôi lứa.
Khép lại bài thơ vẫn là những cảm xúc: “Lời của mùa thu nhẹ như màn sương giăng cuối ngày/ Cứ lặng lẽ vừa heo may vừa cúc/ Hoàng hôn chiều xa như một trời hư thực/ Mùa sắp về hay còn đợi phía ngã rẽ phù du…!”. Đó là mùa thu mới, rất trẻ và lời thu thì: “nhẹ như màn sương giăng”- một thủ pháp so sánh truyền thống, cùng với heo may và cúc “lặng lẽ”, thoáng băn khoăn khi “chiều xa như một trời hư thực”. Để buông một câu hỏi tu từ: “Mùa sắp về hay còn đợi ngã rẽ phù du”, nhuốm chút hư ảo, song vẫn là một mùa thu mới với những chờ mong và hy vọng.
CHÍNH VŨ