Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những cánh đồng mấp mí bờ sông
Thứ bảy: 08:37 ngày 29/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quả thật hình ảnh này thật là thanh bình và quá đỗi nên thơ. Những chân ruộng sâu bên trong đồng đã lấm tấm mạ xanh. Còn ruộng gần ngoài mí sông vẫn láng lênh đầy nước.

Sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua xã Trí Bình. Ảnh: Đ.H.T

Ghi chép của NGUYỄN QUỐC VIỆT

Một trong những cánh đồng ấy bên sông Vàm Cỏ Đông là ở ấp Thanh Bình, xã An Bình, huyện Châu Thành, chỉ cách thành phố Tây Ninh trên dưới 10 cây số.

Một bữa, TTV11 đưa tin:- huyện Châu Thành mới đưa bến phà An Bình - Gò Nổi vào hoạt động. Mà An Bình xưa còn thuộc xã Thanh Điền. Gần quá còn gì! Vậy thì một bữa tiện đang đi xe trên đường 781 tới Châu Thành, rẽ ngang đường vào ấp Thanh An tìm đến.

Ấy thế mà ngay dân ấp Thanh An cũng còn chưa biết bến phà mới. Nghe hỏi, họ chỉ cho tôi đi về bến Gò Chai. Kèm với lời dặn dò tận tình:- Nhưng giờ bến ấy đã có cầu rồi, đi qua sướng lắm. Vậy là không phải. Lại phải tìm người khác. Rồi cũng gặp một bác nông dân quê chính hiệu An Bình. Bác bảo, cứ theo đường trục này đi về Rỗng Lớn. Rồi hỏi tiếp hoặc rẽ phải.

Quả nhiên, theo lời, rồi rẽ trái lần nữa là tôi đã trực chỉ bến phà thẳng tới. Nhưng trước khi tới bến, còn phải đi trên một con đường “đất đỏ như son” y như một con rắn nước trườn giữa một cánh đồng miên man nước nổi. Chơ vơ giữa nước mênh mông là mấy chiếc máy xới (hoặc gieo mạ). Không một bóng người trên ruộng, dù vẫn thấy vài chiếc xe máy trên bờ ruộng. Ngoái cổ lại là thấy núi Bà xanh sẫm phía trời xa, nổi bật trên đường chân trời là những bờ cây cao thấp. Không rõ là cao su, keo, tràm hoặc vườn cây trái.

Chợt nhớ ấp đây tên gọi Thanh Bình. Cái tên này có từ thuở An Bình còn thuộc xã Thanh Điền, trước khi thành lập xã mới ngày 12.1.2004. Vậy cũng là cái tên xưa của các cụ cả. Những cái tên chứa đầy khát khao hy vọng khi các lưu dân mở đất lập làng thời phong kiến - thực dân. Vậy mà đến nay, sau mấy trăm năm, giấc mơ ấy đã hiện hình trên cánh đồng bát ngát. Quả thật hình ảnh này thật là thanh bình và quá đỗi nên thơ. Những chân ruộng sâu bên trong đồng đã lấm tấm mạ xanh. Còn ruộng gần ngoài mí sông vẫn láng lênh đầy nước.

Đi hết khoảng cây số rưỡi con đường như tấm lụa đào theo hình rắn lượn, là tới bến phà. Cái nhà cao lênh khênh cho khách đợi. Chiếc phà nhỏ cũng vừa cập bến. Chỉ có mỗi hai xe máy chạy lên và chỉ một mình tôi xuống bến. Xe lướt êm trên đường đổ dốc láng xi măng vừa vặn với lưỡi phà. Tưởng phải đợi thêm người, nhưng anh lái đã xoay bánh lái cho phà rời bến. Màu cam mới tinh của những chiếc áo phao vắt vẻo thành phà làm điểm nhấn rực rỡ giữa một vùng trời nước mênh mông. Giá vé có 7.000 đồng. Rẻ quá cho một chuyến phục vụ có một người sang sông.

Từng đã đi qua đây theo đò dọc, mà sao bây giờ tôi mới nhận ra sông nước quê mình đẹp đẽ và yên ả vậy. Bên kia là Gò Nổi, Ninh Điền. Thì quả là gò nổi nên thấy xao xác những hàng dừa hay rặng tràm xanh trên những mái nhà tôn lấp lánh. Sông nước tháng 12, nước lặng trong veo in bóng mây trời. Xa kia là chiếc xuồng con một người chèo đang lúi húi trên đám lục bình hoặc rau xanh bên bờ nước nổi. Một sà - lan khẳm đang nhẫn nại và lặng lẽ trườn qua, không một tiếng còi tàu hay một làn sóng khuấy động nào. Tất cả như trôi trong một bộ phim câm. Không ai nỡ làm khuấy động sự im lặng của dòng sông. Ngoài tiếng rì rầm của con phà đã vừa cập bến. 

Tôi đã mua vé luôn cho chuyến phà về. Vì đã muộn, nên về luôn. Và nhờ anh lái phà ngược dòng một đoạn để tránh cụm cây tràm trên bến, để chụp hình nguyên vẹn núi Bà. Vậy là anh lái chiều ý ngay và lại chở một mình tôi. Đây là lúc tha hồ ngắm cánh đồng ven sông. Thì ra mặt nước sông ngang bằng mặt ruộng. Chỉ nhận ra bờ sông bởi rặng chuối ai trồng trên một đường bờ rất thấp và nhỏ ven sông.

Lá chuối tha hồ mà te tua, vật vã với từng cơn gió. Mà gió sông Vàm thì tha hồ phóng túng dọc ngang, trên sông và cả trên đồng. Tới bến, anh lái phà lại bảo cậu phụ lái trả lại tiền cho khách, bởi: “Anh sang bên kia có làm gì đâu!”. Hay là bởi anh thấy tôi quen quen khi còn làm việc ở phà Bến Đình? Quả nhiên, trò chuyện mới biết anh là công nhân của HTX phà Bến Đình ngày trước.

Từ cuối năm 2016, cầu Bến Đình đã hoàn thành, nên anh phải chuyển đi làm ăn trên phía thượng nguồn sông. Sau một dạo qua lại bến Cây Ổi giữa Phước Vinh và Hoà Thạnh, đến nay có bến mới, anh mới lại được về gần hơn với gia đình. Ôi những người lái phà trên dòng sông Vàm Cỏ quê ta!

Còn chưa nguôi trước tâm tình và cả lòng tốt của anh lái phà, thì trước mắt tôi đã lại hiện lên một cảnh tượng khó quên của cánh đồng Thanh Bình, khiến cảm xúc lại chồng lên cảm xúc. Đấy là việc phía sâu trong đồng kia là cả một đàn cò trắng rất đông. Chúng hết đậu lại, rồi bay lên trong một đám ruộng phía đằng xa. Rồi tôi cũng nhận ra những khoảng ruộng gần đấy đã được gieo sạ.

Một màu xanh non loang loang ở phía gần với xóm dân cư. Cũng thấy thêm vài bóng người thấp thoáng. Đàn cò bay lên, đậu xuống, có tới vài trăm con chỉ thuần cò trắng. Cò thì tôi đã gặp ở nhiều nơi. Xa thì có ở Lòng hồ Dương Minh Châu, hay ở Chà Là ven lộ 784. Gần thì ở Thanh Phước, Thanh Điền hay khu phố 4, phường 3. Nhưng cò trắng đông đúc, thanh thản như thế kia thì chỉ có thể ở ấp Thanh Bình, mí bờ sông Vàm Cỏ.

Lại chợt nhớ một phóng sự truyền hình của VTV1 mới phát gần đây, thấy ở một tỉnh miền Trung người ta giăng bẫy cò. Những cánh cò trắng dính bẫy cứ chới với đập cánh mà không thể bay lên được nữa. Nói đâu xa, ai từng đi miền Tây qua mạn Thạnh Hoá, Long An cũng luôn thấy cả một chợ chim cò. Vậy mới quý hoá tấm lòng người nông dân Tây Ninh quê mình quá.

Ở đây, cò luôn là bạn với nông dân. Dường như họ chỉ nhắc nhở cò bằng những cọng tre buộc phơ phất vài manh vải hay giấy làm cờ bay trong gió. Để cò đừng phá mạ non, hoặc lúa vừa gieo sạ mà thôi. Sống lại trong lòng những câu ca dao xưa cũ. Như là: “Cái cò cái vạc cái nông/ Sao mầy giẫm lúa nhà ông hỡi cò?”. Đọc đôi câu này lên, cũng thấy chỉ như lời trách yêu, mắng khéo mà thôi, không một chút ác ý. Hình ảnh thường thấy hơn là “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng” trong lời ru của mẹ.

Và những cánh cò ngày xưa ấy, nay cũng đã được thăng hoa trong bài hát Con cò, tác giả Lưu Hà An, người hát Tùng Dương. Làm sao quên những câu: “Bầu trời rộng lớn, lòng người rộng lắm/ Đàn cò vút lên, bay về phía mặt trời…”. Tôi những tưởng tác giả đã tận mắt thấy đàn cò trắng trên đồng ruộng Thanh Bình, xã An Bình trước khi viết bài ca đầy cảm xúc ấy, cò ơi!

Chính là cò đã dụ tôi vài ngày sau phải trở lại An Bình. Để rồi được cô Thuý Liễu, cán bộ văn phòng Đảng uỷ xã cho số điện thoại của chị Phạm Thị Nhuỵ Kiều, cán bộ phụ trách địa chính, nông nghiệp xã đang đi họp huyện. Điện thoại hỏi “ngang xương” về cánh đồng nước nổi. Vậy mà chị vẫn trả lời ngay, không chút chần chờ. Rằng: “Cánh đồng ấy gọi là đồng Xẩm Nổi, rộng 200 ha. Xã đang có kiến nghị đắp đê bao để chuyển từ ruộng 2 vụ thành 3 vụ lúa...”.

Nghe chị nói về những kế hoạch của quê hương mà thấy hào hứng quá. Khiến tôi nhớ về hình ảnh anh chủ nhiệm trong một bài thơ đã học thuộc ngày xưa. Có đôi câu còn nhớ đến bây giờ. Là “Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh/ Vẽ cả ngày mai thành bức tranh…”. Thì ra thời nào cũng có những con người luôn tâm huyết với đồng đất quê hương. Tôi còn nghe cô Liễu kể rằng, chị Kiều thuộc lòng ngóc ngách từng đám ruộng, rẫy nương trong toàn xã.

Cánh đồng sát mí sông ở xã Hoà Hội,  huyện Châu Thành. Ảnh: Đ.H.T

Thế nhưng, nghe chị nói về dự án đê bao mà thấy lòng thầm tiếc quá! Tiếc cho những cánh đồng mấp mí mé bờ sông. Mỗi năm nước lại tràn lên ăm ắp phù sa, đem theo cả cá tôm về cho bầy cò trắng đỡ cơ cực hơn khi thân cò lặn lội. Hoạ hoằn chỉ có những năm nước quá lớn mới làm thiệt hại đến rẫy vườn. Còn lúa vẫn cứ ung dung năm 2 vụ. Và chắc là vụ nào cũng trĩu hạt sai bông.

Đất Tây Ninh vẫn còn nhiều những cánh đồng vào mùa nước nổi lại mênh mang nước ngập. Như cánh đồng bưng Trao Trảo thuộc Cẩm Giang, hay bên kia sông là những cánh đồng thuộc về Long Vĩnh, Châu Thành, hay bên Bến Cầu là những Tiên Thuận, Long Giang, Long Chữ… Xa hơn trên phía thượng nguồn sông là những xã Phước Vinh, Hoà Hội cũng thuộc Châu Thành...

Và tôi tin rằng trải bao thế hệ, người nông dân đã có kinh nghiệm của mình. Câu chuyện đê bao không là riêng chuyện của An Bình. Đấy là chuyện của ngành nông nghiệp tỉnh nhà thời công nghệ 4.0; cũng là chuyện phát triển nhưng luôn gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Vậy thì dù có làm gì, cũng mong cho cánh đồng Xẩm Nổi mãi mãi yên bình với cánh cò trắng thong dong sải cánh.

Gọi điện thoại cho cô Liễu, thì cô khoe rằng mới lướt Zalo đã gặp đàn cò trắng Thanh Bình. Có một anh nông dân làm ruộng gần nơi cò đậu đã kịp chụp ảnh bằng smartphone rồi đưa ảnh cò lên mạng. Thế là cò trắng Thanh Bình đã sải cánh bay ra thế giới bao la.

N.Q.V

Tin cùng chuyên mục