BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những cánh “sao vuông” trên bầu trời biên giới (kỳ 2)

Cập nhật ngày: 17/04/2010 - 05:46

>> Những cánh “sao vuông” trên bầu trời biên giới (kỳ 1) 

Những chiến công thầm lặng…

Hằng ngày hàng giờ, dân quân trên các chốt dọc tuyến biên giới phải cật lực làm nhiệm vụ chống lại nạn xâm canh xâm cư, nạn người Campuchia thả trâu bò phá hoại hoa màu, đặc biệt là nạn cướp bóc, vận chuyển ma tuý qua biên giới có thời điểm diễn ra nhức nhối. Có dịp thăm các chốt dân quân trên toàn tuyến biên giới và nghe dân quân kể về những chiến công, chúng tôi hết sức cảm phục nỗ lực của các anh.

Đó là chuyện chốt Tân Long, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, khi dân quân đi tuần tra thường bị người dân Campuchia dùng giàn thung bắn lén. Dân quân thường phải đối mặt với tình trạng trâu bò của dân nước láng giềng qua ăn lúa của người Việt Nam. Phải giải quyết sao cho thật ổn thoả, thấu lý đạt tình. Đó là chuyện các chiến sĩ dân quân chốt Cầu Sài Gòn 1, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu: Võ Hoàng Mỹ, Phí Hoàng Châu, Phan Văn Hiếu, Nguyễn Thanh Nhàn “tả xung hữu đột” bắt đối tượng cướp xe máy và đôi bông tai của vợ chồng anh Nguyễn Hữu Phú, mang lại niềm vui và sự an tâm cho nhân dân khi đi lại trên tuyến đường biên giới. Đó là chuyện dân quân chốt Gò Da, xã Long Khánh và chốt I 7, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu bắt kẻ cướp xe máy, nguy hiểm hơn là bắt đối tượng vận chuyển 29 tép hêrôin qua biên giới. Đó là những câu chuyện về người lính “sao vuông” ngày đêm tuần tra, giữ gìn cột mốc, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, thiết lập vành đai biên giới an toàn, hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước qua lại giao thông.

Những chiến công đó là nỗ lực của dân quân trong thực thi nhiệm vụ, nhưng hơn hết nó còn cho thấy tình yêu của những người lính bám chốt. Những cái tên như: Chốt Trưởng Trần Văn Bình, Trần Văn Được, Trần Hữu Thời, Đỗ Văn Trắng... là nhân vật chính trong nhiều bài báo viết về gương người tốt việc tốt trên biên giới. Các anh là những cánh “sao vuông” toả sáng một góc trời biên cương. Phải có một tình yêu thật mãnh liệt với chốt, với vùng biên giới xa xôi mới có thể níu giữ các anh ở lại với đơn vị, với cái nơi đầy những thử thách, thiếu thốn, khó khăn lâu đến như vậy.

Tấm lòng người bám chốt

Tuần tra biên giới ở một chốt dân quân

Chốt Trưởng Trần Văn Bình- chốt Mít Mọi, xã Tân Đông, huyện Tân Châu dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn luôn an tâm công tác. “Lo việc nước trước việc nhà”, là điểm tựa tinh thần của anh em dân quân trên chốt.

Chốt Trưởng Trần Văn Được-chốt Đập Đá, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, người đã bền gan, vững chí, không sợ hiểm nguy, quyết tâm khôi phục vùng đất chết với vô số bom mìn sót lại sau chiến tranh trở thành khu vực an toàn. Là người đi tiên phong, mở đường cho chồi non của mía, của mì vươn mình xanh tốt. Ở chốt Đập Đá ngoài phần đất trồng mì bao quanh chốt, các anh còn chủ động thuê thêm gần 30 hecta đất để trồng mì, thu nhập rất khá. Từ nguồn thu nhập này các anh dùng để đầu tư xây dựng chốt, mua sắm vật chất, trang thiết bị nghe nhìn, đồng thời đưa vào bữa ăn cho mỗi dân quân mỗi ngày 30.000đ. Có thể nói, chốt Đập Đá là nơi có thu nhập từ nhiều nguồn cao nhất trong tất cả các chốt dân quân trên 240 km đường biên giới trong tỉnh. Đây còn là động lực giúp anh em yên tâm bám chốt giữ làng, nhờ vậy nhiều năm qua trên địa bàn mà các anh đóng chốt chưa hề xảy ra vụ việc mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chốt Trưởng Trần Văn Được tâm niệm: “Phải bám chốt, bám mảnh đất quê hương mới có thể sống thanh thản vì mình đã làm được điều có ích”.

Cũng với quyết tâm bám chốt, theo đuổi lý tưởng giữ vững an ninh quốc phòng trên dải đất biên giới, Chốt Trưởng Đỗ Văn Trắng- chốt Tân Long, xã Biên Giới, huyện Châu Thành đã trụ vững và an tâm công tác đến bây giờ. Anh tâm sự: “Đồng lương của chốt trưởng chẳng đáng là bao, nhưng vì nhiệm vụ, vì tinh thần của người đảng viên không cho phép tôi bỏ đơn vị. Hơn 10 năm bám trụ với nơi này, tôi luôn xem chốt là nhà của mình”.   

Hay như chuyện của “tân binh dân quân” của chốt Gò Da, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu. Thật ra anh Nguyễn Quốc Toàn là bộ đội Tiểu đoàn 14, sau khi xuất ngũ trở về địa phương vẫn không thể quên nếp sống người lính, anh đã viết đơn xin gia nhập lực lượng dân quân và được phân công lên bám trụ trên chốt Gò Da. Vậy là vừa rời xa màu áo bộ đội, anh lại tiếp tục khoác trên mình màu áo dân quân. Được hỏi: “Tại sao đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự rồi mà Toàn lại tiếp tục làm dân quân?”. Toàn cười thật tươi, bộc bạch: “Tôi thích sống trong môi trường quân đội. Những ngày tháng trong quân ngũ đã dạy tôi rất nhiều điều, trong đó có lý tưởng sống vì mọi người. Và điều đó đã là quan niệm sống của tôi. Anh em ở đây rất tốt, nên tôi muốn cùng anh em sát cánh để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới”.

Dù vẫn còn trăm mối lo toan về cuộc sống và công tác nhưng tình cảm của những người lính trên các chốt tiền tiêu vẫn cứ tràn đầy. Ý thức về trách nhiệm của mình và tình yêu với mảnh đất này. Mảnh đất biên giới nắng bụi, mưa lầy, thiếu điện, thiếu nước, nhưng không bao giờ thiếu quyết tâm của những người lính bám trụ...

Đến với các chốt dân quân trải dài trên tuyến biên giới quê hương mình, đã cho chúng tôi nhiều cảm xúc để viết về các anh “Những cánh sao vuông toả sáng trên bầu trời biên giới”. Chúng tôi vui mừng vì đã bắc được chiếc cầu nối giữa Đoàn viên thanh niên LLVT với các đơn vị Đoàn kết nghĩa như: Văn phòng Tỉnh đoàn, Đoàn uỷ khối Doanh nghiệp, Đoàn uỷ khối cơ quan Dân Chính Đảng, Hội Doanh nghiệp trẻ… để cùng chung tay có những hỗ trợ thiết thực đến với các anh. Chia tay các chiến sĩ dân quân trên các chốt tiền tiêu, chúng tôi tin tưởng một ngày không xa chúng tôi sẽ được chứng kiến đời sống của các anh sung túc hơn, phong phú hơn.

Huy Thường- Hồng Thanh