Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Giữa bộn bề công việc của chính quyền cấp xã, có một lực lượng thầm lặng nhưng đóng vai trò không thể thiếu trong hệ thống an sinh xã hội: những công chức Văn hoá - Xã hội phụ trách công tác trợ giúp xã hội. Họ không chỉ tiếp nhận, rà soát hồ sơ, thống kê đối tượng, mà còn là “cánh tay nối dài” đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng hoàn cảnh yếu thế, từng phận đời khó khăn, góp phần xây dựng nền tảng an sinh vững chắc ngay từ cơ sở.

Tại tỉnh Tây Ninh, nhiều tấm gương điển hình đang lan toả tinh thần trách nhiệm và sự tận tuỵ với Nhân dân qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Với sự kiên trì, sáng tạo, họ đã và đang bảo đảm các chính sách trợ giúp xã hội đến đúng đối tượng, kịp thời, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
%20v%E1%BB%9Bi%20c%C3%A1c%20m%E1%BA%A1nh%20th%C6%B0%E1%BB%9Dng%20qu%C3%A2n%20trong%20ch%C6%B0%C6%A1ng%20tr%C3%ACnh%20v%C3%AC%20%C4%91%C3%A0n%20em%20th%C3%A2n%20y%C3%AAu-68.jpg)
Hiện thực hoá chính sách an sinh xã hội
Tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu, chị Lê Thị Tím, công chức Văn hoá - Xã hội phụ trách trợ giúp xã hội và giảm nghèo, là gương mặt thân quen với người dân địa phương. Là Phó trưởng Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, chị trực tiếp tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức điều tra, kiểm tra và bình xét hộ nghèo, bảo đảm đúng quy trình, khách quan và minh bạch.
Nhờ triển khai đồng bộ và sát thực tiễn, cuối năm 2024, xã Tân Đông chỉ còn 43 hộ nghèo và cận nghèo đa chiều, chiếm 0,91% tổng số hộ dân. Không chỉ dừng ở những con số ấn tượng, chị Tím còn theo sát từng đối tượng, đề xuất và triển khai nhiều chương trình trợ giúp thiết thực như: xây tặng 9 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí hơn 810 triệu đồng; hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn hơn 76 tỷ đồng; phát triển các mô hình sinh kế như nuôi bò sinh sản, tạo việc làm ổn định cho hàng chục hộ dân.
Công tác bảo trợ xã hội cũng được thực hiện hiệu quả, hiện xã Tân Đông có 369 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng, trong đó có 2 trẻ em mồ côi, 132 người cao tuổi và 235 người khuyết tật. Công tác chi trả và quản lý hồ sơ đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện hiệu quả, không có trường hợp nào hưởng chế độ không đúng quy định và 100% đối tượng được chi trả qua tài khoản ngân hàng, bảo đảm minh bạch và thuận tiện.
Không dừng lại ở đó, năm 2024, chị Tím có sáng kiến mô hình “Thông báo gia hạn thẻ bảo hiểm y tế qua SMS”. Tận dụng hơn 25.000 điểm tích luỹ từ điện thoại cá nhân, chị gửi hàng ngàn tin nhắn miễn phí nhắc nhở người dân, góp phần nâng tỷ lệ tham gia BHYT của xã tăng thêm 3,37% chỉ trong 8 tháng. Đồng thời, chị còn kết nối các tổ chức từ thiện, bác sĩ, nhà hảo tâm, tổ chức hàng chục đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí và trao hơn 3.000 phần quà cho hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Với người dân Tân Đông, chị không chỉ là cán bộ xã, mà còn là người bạn, người thân luôn lắng nghe, sẻ chia và đồng hành.
Làm cầu nối để không ai bị bỏ lại phía sau
Tại phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh, chị Nguyễn Thị Huệ Trang để lại dấu ấn đậm nét với cách làm trách nhiệm và sáng tạo. Với phương châm “Giảm nghèo không chỉ là hỗ trợ, mà còn là tạo động lực để người dân tự thay đổi cuộc sống”, chị Trang chủ động tham mưu Đảng uỷ đưa công tác rà soát hộ nghèo vào chương trình hành động, lan toả thông tin đến từng khu phố.
Nhờ sự quyết liệt trong triển khai, đến năm 2024, phường Ninh Sơn chỉ còn 1 hộ cận nghèo, giảm mạnh so với đầu giai đoạn. Không chỉ kiểm tra hồ sơ, đôn đốc điều tra viên sát sao, chị còn huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội: xây nhà tình thương, cấp vốn vay ưu đãi, tặng công cụ sản xuất. Với những đóng góp nổi bật, phường Ninh Sơn vinh dự nhận bằng khen của UBND tỉnh trong phong trào “Tây Ninh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong công tác bảo trợ xã hội, chị Trang chủ động tuyên truyền, phổ biến chính sách sâu rộng. Phường hiện có 922 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hằng tháng, với hơn 96% đối tượng được chi trả qua tài khoản ngân hàng, vừa minh bạch, vừa thuận lợi cho người dân.
Tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo
Ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, chị Trịnh Thị Ngọc Châu, công chức phụ trách Văn hoá - Xã hội, là một điển hình tiêu biểu về tư duy đổi mới và sáng tạo trong công việc. Nhận thấy nhu cầu trao đổi thông tin nhanh chóng, chị Châu chủ động thành lập các nhóm Zalo kết nối Ban Chỉ đạo và trưởng ấp, kịp thời xử lý các vướng mắc, tiết kiệm đáng kể thời gian họp hành. Nhờ cách làm này, công tác rà soát hộ nghèo năm 2024 tại Phước Minh đạt kết quả vượt trội: tỷ lệ giảm nghèo vượt 276% so với kế hoạch, không phát sinh hộ tái nghèo.
Bên cạnh đó, chị Châu còn chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều hoạt động an sinh nổi bật như: xây tặng 3 căn nhà cho người nghèo, trị giá 260 triệu đồng; vận động hơn 1.700 phần quà, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 1.200 lượt người có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí hơn 870 triệu đồng; triển khai Dự án sinh kế như nuôi bò sinh sản, hỗ trợ phương tiện bán vé số cho người yếu thế; phát động chương trình hỗ trợ học sinh nghèo, tổ chức tết thiếu nhi, tết Trung thu với hàng ngàn suất quà, suất ăn miễn phí từ các nhóm thiện nguyện.
Mỗi hoạt động đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, được giám sát chặt chẽ, bảo đảm đúng đối tượng. Sự sáng tạo, tận tuỵ và trách nhiệm của chị Châu đã tạo nên hiệu quả bền vững trong công tác an sinh xã hội tại địa phương.
An sinh xã hội bắt đầu từ những việc nhỏ
Điều đáng quý ở đội ngũ công chức Văn hoá - Xã hội cấp xã không chỉ là sự tận tuỵ, trách nhiệm, mà còn là tinh thần sáng tạo không ngừng. Từ việc nhỏ như gửi tin nhắn nhắc hạn BHYT, phát loa tuyên truyền, in tờ rơi, đến huy động nguồn lực, kết nối thiện nguyện... tất cả đều được thực hiện bằng cả tấm lòng vì cộng đồng.
Sáng kiến “SMS nhắc hạn BHYT” của chị Tím đã giúp nâng tỷ lệ tham gia BHYT từ 83% lên hơn 87% chỉ trong 8 tháng, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chị Châu với mô hình “Zalo Ban Chỉ đạo giảm nghèo” đã rút ngắn quy trình xử lý công việc, nâng cao hiệu quả quản lý và phản hồi thông tin kịp thời.
Củng cố niềm tin vào chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước
Thành quả của những công chức làm công tác trợ giúp xã hội không chỉ thể hiện qua những con số: số hộ thoát nghèo, số đối tượng được hưởng trợ cấp, số mái ấm được xây dựng hay phần quà được trao gửi. Quan trọng hơn, đó là sự thay đổi trong nhận thức cộng đồng: từ trông chờ, ỷ lại chuyển sang chủ động, tự lực vươn lên; từ quan niệm hỗ trợ đơn thuần mang tính nhân đạo, từ thiện, sang nhìn nhận đó là việc bảo đảm quyền của người yếu thế.
Bằng sự tận tâm và trách nhiệm, đội ngũ công chức Văn hoá - Xã hội cấp xã đã âm thầm góp phần làm nên diện mạo mới cho công tác an sinh xã hội ở địa phương. Những người như chị Tím, chị Trang, chị Châu chính là những cầu nối bền bỉ, đưa chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước đến với từng mảnh đời khó khăn. Bằng sự kiên trì, linh hoạt và sáng tạo, đội ngũ này đang từng ngày khẳng định vai trò then chốt trong hành trình hiện thực hoá mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Hồng Lam