Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giới thiệu sách
Những câu chuyện cảm động viết về mẹ
Thứ sáu: 18:48 ngày 05/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hình ảnh người mẹ luôn là cảm hứng bất tận cho thi ca, hai tiếng “mẹ ơi” được cất lên từ lúc con bi bô tập nói, cho đến khi trưởng thành con vẫn nhỏ bé trong vòng tay của mẹ.

Bernard Shaw từng nói: “Vũ trụ có rất nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan vĩ đại nhất là trái tim người mẹ”. Mẹ là người đã mang nặng đẻ đau, cả cuộc đời hy sinh vì con vô điều kiện. Hình ảnh người mẹ luôn là cảm hứng bất tận cho thi ca, hai tiếng “mẹ ơi” được cất lên từ lúc con bi bô tập nói, cho đến khi trưởng thành con vẫn nhỏ bé trong vòng tay của mẹ.

Có thể thấy tình cảm mẹ dành cho con là vô bờ bến, không có một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Tập truyện ngắn “Huyền thoại mẹ” của nhiều tác giả, Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2019 gồm 24 câu chuyện cảm động viết về mẹ, cho dù trong chiến tranh hay hoà bình, cho dù sống trong cảnh giàu sang hay nghèo khó thì mẹ vẫn luôn lo lắng, thương yêu những đứa con bé bỏng của mình.“Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Ði hết đời lòng mẹ vẫn theo con”.

Các tác giả đã cho người đọc đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, để những người con xa quê, xa cha mẹ thức tỉnh và muốn tạm gác mọi công việc để chạy về ngay bên mẹ, sà vào lòng mẹ và gọi khẽ hai tiếng “mẹ ơi”.

“Mẹ nói, khi mẹ đi đến một nơi khác ở rất xa, con hãy tưởng tượng những chú chim bay trên khoảng trời xung quanh con chính là mẹ. Con sẽ không cảm thấy cô đơn nữa”. Ðó chính là lời của người mẹ nói với đứa con gái bé nhỏ của mình trong truyện ngắn “Ðôi cánh của mẹ”. Tôi tin rằng đây là câu chuyện có thể làm tan chảy hàng triệu con tim.

Người mẹ trong câu chuyện là một người mẹ đơn thân, bà thường xuyên đi công tác xa nhà, cố gắng làm việc để có nhiều tiền lo cho đứa con gái nhỏ, rồi áp lực công việc, bà quay cuồng trong vòng xoáy tiền bạc, công việc, địa vị mà bỏ bê đứa con gái của mình. Khiến đứa con càng ngày càng xa lánh mẹ. Những lần bà cáu gắt với con, đã làm khoảng cách giữa hai mẹ con ngày càng lớn. Ðến một ngày, bà phát hiện mình mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, cũng chính là lúc hai mẹ con cùng nhìn lại những ngày tháng đã qua. Bà trân trọng từng phút giây cuối cùng khi ở bên con.

Hay câu chuyện “Mẹ... mẹ của con” của tác giả Ánh Tuyết như bức tượng đài tạc vào năm tháng hình ảnh người mẹ giàu đức hy sinh, cho dù sống trong cảnh nghèo khổ nhưng bà vẫn cố gắng lo cho đứa con trai ăn học tới nơi tới chốn. Bà bị phong thấp nặng, đi lại khó khăn, nhưng vẫn cố gắng vượt hàng trăm cây số để mang gạo lên trường nộp cho con trai. Số gạo đó bà phải đi xin từng nhà, mỗi người một ít, để có đủ gạo nộp cho trường. Biết được hoàn cảnh khó khăn của bà, nhà trường đã miễn hoàn toàn mọi chi phí ăn học cho cậu con trai. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, đứa con trai của bà đã ăn học thành tài, không làm phụ lòng người mẹ đáng kính.

Ðây chỉ là hai trong số hơn hai mươi câu chuyện cảm động viết về mẹ trong tập truyện ngắn này. Có thể thấy tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý luôn tồn tại trong sâu thẳm trái tim mỗi người. Có đôi lúc ta mải mê chạy theo những thứ phù phiếm mà quên đi giá trị sống đích thực đó chính là gia đình, là bữa cơm mẹ nấu, là cái vỗ vai an ủi của cha, là tiếng cười giòn tan của con trẻ, là tiếng mẹ ru ầu ơ những trưa hè...

Tập truyện ngắn “Huyền thoại mẹ” với những câu chuyện có lẽ không mới, nhưng tựa như hồi chuông đánh thức mọi người rằng: Hãy trân trọng những gì mình đang có và hãy hiếu thảo với cha mẹ khi ta còn có thể!

Yến Nhi

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục