Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Còn nhớ đầu năm 2016, ngành công nghệ Mỹ đứng trước một viễn cảnh màu hồng với việc lợi nhuận và tầm ảnh hưởng với Whashinton DC tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, năm 2017 có vẻ như không còn như vậy khi nước Mỹ có Tổng thống mới.
Vụ thắng cử bất ngờ của ông Donal Trump không chỉ khiến giới chính trị mà cả giới công nghệ “ngã ngửa”. Các viễn cảnh phát triển của ngành công nghệ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho phương án bà Hilary trúng cử đã không còn dùng được và vị Tổng thống mới với quan điểm riêng của mình đang gây sức ép khá lớn.
Dù vẫn là ông hoàng trong tất cả các ngành công nghiệp tại Mỹ, thung lũng Silicon vẫn có tầm ảnh hưởng quan trọng với nước Mỹ song có vẻ như viễn cảnh năm 2017 đối với các gã khổng lồ công nghệ không còn tươi sáng nữa. Dưới đây là những câu chuyện công nghệ nổi bật được cho là sẽ có lời giải trong năm 2017.
1. Tranh cãi về quyền lực của Facebook và Goolge gia tăng
Google và Facebook gần như đã khẳng định rằng họ là những gã khổng lồ công nghệ chứ không phải là một phương tiện truyền thông. Song không thể phủ nhận rằng cả hai đã góp phần không nhỏ trong việc lan truyền tin tức, định hình cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ vừa qua. Cuộc tranh luận về tầm ảnh hưởng của hai gã khổng lồ này sẽ là một trong những chủ đề được quan tâm trong năm 2017.
|
Google và Facebook bị cáo buộc là gây ảnh hưởng tới quyết định bầu cử Tổng thống Mỹ. |
Với vai trò là công cụ tìm kiếm có thị phần lớn nhất Bắc Mỹ hiện nay. Trong cuộc bầu cử vừa qua, Google đã bị cáo buộc thao túng kết quả tìm kiếm về bà Hillary Clinton bằng cách cố ý hiển thị các từ khóa gợi ý có lợi khi người dùng tìm kiếm các từ khóa có chứa “Hillary” hoặc “Clinton”.
Còn Facebook thì bị cáo buộc rằng chỉ “chăm chăm” hiển thị những thông tin mà người dùng thích đọc thay vì hiển thị các thông tin người đọc cần. Từ đó chỉ hiển thị các thông tin một chiều, gây tác động tới quyết định bầu cử.
Và giờ đây, cả hai đang “miễn cưỡng” thực hiện những biện pháp để “có trách nhiệm” hơn với những thông tin họ hiển thị. Hãy xem các nhà chức trách sẽ làm gì với Facebook và Google - liệu có phải sẽ áp dụng những quy định về luật chống độc quyền (giống như ông Trump đang thực hiện với Amazon) để giải quyết vấn đề này, hay chính người dùng sẽ tự nhận ra tầm ảnh hưởng của các gã khổng lồ này với đời sống của mình và tìm một giải pháp thay thế?
2. Mã hóa sẽ lên ngôi?
Cuộc tranh cãi giữ FBI và Apple hồi đầu năm 2016 có thể coi là sự khởi đầu cho việc mã hóa sẽ được ngày càng nhiều nhà cung cấp áp dụng cho khách hàng của mình. Cùng với thông tin về việc chính phủ Mỹ thực hiện theo dõi email của người dân càng khiến nhiều người thấy rằng bảo mật thông tin là điều cần thực hiện. Thực tế là ngay sau khi ông Trump đắc cử, người dân Mỹ đã đổ xô đi đăng ký dịch vụ email bảo mật khiến một số dịch vụ email bảo mật như ProtonMail đã chứng kiến lượng người dùng tăng mạnh.
Theo tờ New York Times, các ứng dụng nhắn tin miễn phí bảo mật như Signal sẽ được sử dụng nhiều hơn so với việc sử dụng WhatsApp hay Facebook Messenger như hiện nay và ngày càng nhiều website sẽ trang bị lớp mã hóa để bảo vệ thông tin trên web của mình. Nhiều hãng công nghệ cũng sẽ tăng cường mã hóa để đảm bảo thông tin và thiết bị của khách hàng nằm ngoài tầm kiểm soát.
Liệu bấy nhiêu đó có đủ bảo vệ người dùng trước các chương trình "nghe lén" của Chính phủ?
3. Trí tuệ nhân tạo sẽ thực sự bùng nổ?
Người ta vẫn nói ngành công nghệ vẫn luôn là ngành “cường điệu hóa” nhiều nhất. Các công nghệ mới luôn được dự báo bùng nổ từ trước thời điểm nó bùng nổ tới vài năm. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã được nhắc đến vào cuối năm 2015, được coi như một xu hướng công nghệ của năm 2016 và năm nay nó lại tiếp tục được coi là một trong những xu hướng công nghệ lớn.
AI đang cho thấy tiềm năng tuyệt vời của nó, với việc được đưa vào áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề - từ xe hơi không người lái tới lĩnh vực y tế, khoa học và dự đoán cho rằng năm nay thực sự sẽ là năm của AI có lẽ không cường điệu hóa tí nào.
Hãy cùng chờ xem dự đoán đó có trở thành hiện thực hay không?
4. Apple bắt đầu ở bên kia sườn dốc?
Apple đã trải qua một năm không mấy sáng sủa. Bắt đầu một năm bằng tranh cãi với FBI về việc từ chối việc mở khóa chiếc iPhone của một nghi phạm khủng bố. Tiếp đó là việc ra mắt chiếc iPhone 7 không có giắc cắm tai nghe khiến nhiều người cảm thấy không dễ dàng để làm quen, chiếc MacBook Pro có giá siêu đắt cộng với việc ra mắt chậm trễ chiếc tai nghe không dây đi kèm (AirPod) được coi là những thử thách lớn nhất đối với lòng trung thành của người hâm mộ đối với Apple từ trước tới nay.
|
Việc loại bỏ giắc cắm tai nghe của Apple được coi là một trong những thử thách lòng trung thành lớn nhất từ trước tới nay với Apple fan. |
Tiếp đó, Apple kết thúc năm 2016 với một kết cục không mấy khả quan. Quý cuối cùng của năm chứng kiến mức tăng trưởng âm lần đầu tiên trong 10 năm kinh doanh. Mọi con mắt đều đổ dồn về chiếc iPhone sẽ ra mắt trong năm 2017 - chiếc iPhone được cho là sẽ có nhiều thay đổi lớn đánh dấu 10 năm kể từ khi Táo cho ra mắt chiếc iPhone đầu tiên.
Với những chính sách ông Trump đang muốn thực hiện với Apple nói riêng và tất cả các hãng công nghệ Mỹ nói chung thì dường như bức tranh năm 2017 của Apple không có nhiều gam màu sáng.
5. Câu chuyện giữa ông Trump và giới công nghệ
Tân Tổng thống Mỹ và giám đốc điều hành của các hãng công nghệ đã đạt được “một thỏa thuận ngừng bắn” trong tháng 12 vừa qua. Mặc dù nội dung chi tiết về cuộc họp không được tiết lộ song có vẻ như cuộc họp đã đi đến một thỏa thuận có lợi cho cả hai. Và vì nội dung chi tiết không được tiết lộ nên mọi người vẫn rất tò mò ngành công nghệ Mỹ sẽ ra sao dưới thời của ông Trump, đặc biệt là trong năm đầu tiên ông lên cầm quyền - 2017.
Nguồn xahoithongtin.com.vn