BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những câu chuyện kể từ thư Bác Hồ và Bác Tôn gửi học sinh Trường Hoàng Lê Kha trong kháng chiến 

Cập nhật ngày: 25/09/2023 - 13:56

BTN - Ngày 21.9, Tỉnh đoàn tổ chức chương trình toạ đàm truyền thống "Những câu chuyện kể từ thư Bác Hồ và Bác Tôn gửi các cháu thiếu nhi trường Hoàng Lê Kha (Tây Ninh giai đoạn 1962-1975) và tất cả các cháu miền Nam"

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Bức thư ấy là lời thăm hỏi, động viên tinh thần, khen ngợi ý chí học tập, thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước của các em thiếu nhi Tây Ninh nói riêng và miền Nam nói chung. Bức thư bất ngờ ấy khiến thiếu nhi đang theo học tại trường khi ấy vui mừng khôn xiết và trở thành ký ức không thể nào quên.

Bức thư gửi Bác ra đời trong một tiết học Văn

Cuối năm 1964, các em học sinh Trường Hoàng Lê Kha đã gửi gắm tình yêu Bác Hồ và Bác Tôn qua những trang viết yêu thương. Đáp lại tình cảm của những thiếu nhi miền Nam, ngày 25.9.1965, Bác Hồ và Bác Tôn gửi thư hồi đáp.

Ít ai biết được bức thư gửi Bác Hồ và Bác Tôn của thiếu nhi Trường Hoàng Lê Kha khi ấy ra đời trong một tiết học Văn do thầy Quốc- một giáo viên của trường khởi xướng và phát động các em viết thư gửi Bác nhân dịp sinh nhật Bác.

Qua lời kể của những học sinh đầu tiên của trường, câu chuyện về sự ra đời của bức thư càng thêm rõ nét và lôi cuốn người nghe. Theo bà Nguyễn Thị Hương, một trong những học sinh tham gia viết thư gửi Bác kể, thời gian đó, bà và các bạn đang học lớp 7.

Trong tiết học Văn, thầy giáo cho đề tài viết thư gửi Bác nói về tình hình học tập, cuộc sống của học sinh nơi đây. Nghe đề tài thú vị, học sinh trong lớp hồ hởi viết thư gửi gắm tình cảm của mình dành cho Bác cùng những câu chuyện về nơi mình học tập, sinh sống.

Sau khi tổng hợp ý hay từ các bài văn của các em học sinh, cả lớp nhờ cô học trò Trần Thị Ngọc Bình có nét chữ đẹp nhất lớp viết lại bức thư gửi Bác. Ngày ấy bức thư được gửi đi bằng đường giao liên, từ vùng này qua vùng khác, rất xa xôi. Các cô cậu học trò lúc ấy cũng không nghĩ rằng bức thư đã được gửi tới Bác.

Bẵng đi thời gian, lứa học sinh đầu tiên của Trường Hoàng Lê Kha ra trường đều có hướng công tác mới. Bất ngờ, vào dịp Tết Trung thu năm 1965, nhận được tin Bác gửi thư cho học sinh trường Hoàng Lê Kha, ai nấy đều phấn khởi về trường để được đọc thư Bác gửi. Những dòng chữ ý nghĩa đó làm tinh thần các em thiếu nhi thêm phấn chấn, cảm nhận được tình cảm, tấm lòng của Bác dành cho thiếu nhi miền Nam.

Đại diện thiếu nhi, thanh niên Tây Ninh tặng hoa cho hiệu trưởng, đại diện học sinh Trường Hoàng Lê Kha (giai đoạn 1962-1975).

Đến nay, 57 năm trôi qua, bức thư Bác gửi cho học sinh Trường Hoàng Lê Kha và thiếu nhi miền Nam vẫn vẹn nguyên giá trị. Thế hệ học sinh của trường khi ấy đã sang tuổi lục tuần, thất tuần, tóc đã bạc nhưng trí tuệ minh mẫn vẫn nhớ mãi câu chuyện bức thư gửi Bác. Mỗi khi nhắc lại, ánh mắt ai nấy đều lấp lánh niềm tự hào và vui sướng.

Những lời dạy, lời nhắc nhở, động viên trong bức thư năm ấy của Bác Hồ và Bác Tôn đã tiếp thêm sức mạnh để thầy và trò Trường Hoàng Lê Kha trưởng thành, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Từ bức thư đến câu chuyện bảo tồn, gìn giữ và phát huy truyền thống Trường Hoàng Lê Kha

Tại buổi toạ đàm, nhiều câu chuyện về bức thư và kỷ niệm về ngôi trường Hoàng Lê Kha được các nhân chứng lịch sử kể lại bằng sự hoài niệm và tự hào khi là một trong những học sinh của trường.

“Thế hệ học sinh đầu tiên đang ngày một già đi, có người đã mất, có người không còn nhớ rõ những kỷ niệm ấy. Thế hệ học sinh đó đã cống hiến hết mình cho cách mạng, cho Đảng, cho Nhân dân. Vì vậy, tôi mong rằng nền giáo dục cách mạng cần được quan tâm xây dựng đúng mức thì thế hệ trẻ hiện nay sẽ là những người xây dựng đất nước bền vững, đi đúng con đường xã hội chủ nghĩa”- bà Hồ Như Liên, một cựu học sinh Trường Hoàng Lê Kha bày tỏ.

Thiếu nhi, đoàn viên thanh niên tiêu biểu tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng thế hệ học sinh đầu tiên của Trường Hoàng Lê Kha (giai đoạn 1962-1975).

Bà Liên chia sẻ thêm, ngày nay, thế hệ trẻ được sống trong môi trường hoà bình, được Đảng và Nhà nước quan tâm, các em có điều kiện cống hiến cho xã hội tốt hơn. “Tôi mong rằng lịch sử Trường Hoàng Lê Kha trở thành sự kiện lịch sử truyền thống của tỉnh nhà, cần được tuyên truyền, lan toả cho câu chuyện về trường đi vào tiềm thức của người dân, đặc biệt là các em thanh thiếu nhi còn ngồi trên ghế nhà trường, để truyền thống học tập này tồn tại mãi trong lòng chúng ta”.

Ông Lê Thành Công- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho biết, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đang tìm kiếm lại bức thư thiếu nhi Trường Hoàng Lê Kha gửi cho Bác để mang về lưu giữ và giới thiệu, giáo dục truyền thống cách mạng cho các em thiếu nhi tỉnh nhà, qua đó tuyên truyền truyền thống tốt đẹp này đến tất cả mọi người.

Ngọc Bích

“Trường Hoàng Lê Kha không chỉ là một trường học đơn thuần, đây còn là một tổ chức cách mạng. Các em học sinh được giáo dục tình yêu quê hương và miền Bắc xã hội chủ nghĩa, yêu Đảng, yêu Bác Hồ; được trui rèn tinh thần cách mạng, lòng tự tôn dân tộc, ý thức độc lập, tự do, lòng căm thù đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Ngày nay, Trường Hoàng Lê Kha trở thành ngôi trường chuyên có thành tích giáo dục hàng đầu trên địa bàn tỉnh, đào tạo ra nhiều lứa học sinh vừa hồng vừa chuyên, đóng góp trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước”.

Ông Lê Thành Công- Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ