Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Các cựu chiến binh đã bỏ tiền túi và tiền trợ cấp ra làm cầu cho nhân dân trong vùng.

Một cụ bà khoảng 75 tuổi đang đi trên chiếc cầu xi măng bắc qua con rạch Bờ Đắp (thuộc ấp Phước Trung), vui vẻ cho biết: Đã từ lâu lắm rồi, bà mơ ước có được một chiếc cầu như thế này, nay mới thành hiện thực. Chiếc cầu ấy do chính con rể của bà bỏ tiền túi ra xây dựng cho khoảng hơn một nửa bà con trong ấp cùng đi. Người tự nguyện bỏ tiền túi ra làm cầu là anh Nguyễn Ngọc Phú (SN 1960), Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp Phước Trung.
![]() |
Có chiếc cầu bắc qua rạch Bờ Đắp việc đi lại của bà con ấp Phước Trung rất thuận tiện |
Anh Phú cho biết, anh tham gia cách mạng trước ngày miền Nam giải phóng. Lúc ấy anh còn là một thiếu niên. Sau ngày 30.4.1975, anh công tác ở Tiểu đoàn 14. Đến năm 1981 xuất ngũ về làm Phó chỉ huy trưởng BCHQS thị trấn Gò Dầu. Đến năm 1983, anh chuyển về sống ở xã Phước Chỉ và tiếp tục làm Xã đội phó. Sau đó anh về tham gia công tác ở ấp và tập trung phát triển kinh tế gia đình. Đã từng sống trong cảnh khó khăn, nên anh Phú rất thương người nghèo. Từ khi cuộc sống gia đình ổn định, anh đã nhiệt tình tham gia công tác từ thiện xã hội. Trong 3 năm qua, năm nào anh cũng đóng góp cứu trợ bà con nghèo trong ấp khoảng 3,5 triệu đồng. Năm 2008, anh tặng 1 căn nhà tình thương cho người nghèo trong ấp. Giữa năm 2011, anh đã bỏ tiền ra làm chiếc cầu xi măng bắc qua con rạch Bờ Đắp nối liền với con đường sỏi đỏ Bờ Đắp vào nhà anh để gia đình anh và 75 hộ dân khu vực (toàn ấp Phước Trung có 130 hộ) cùng đi. Có chiếc cầu mới qua lại thuận tiện, bà con khu vực nhất là các em học sinh rất phấn khởi. Chiếc cầu của anh Phú làm dài 68 mét, ngang 1,6 mét, chiều cao bảo đảm ghe xuồng qua lại. Tổng chi phí là 60 triệu đồng.
Trước khi anh Phú làm cầu vài tháng, ở xã Phước Chỉ đã có hai CCB cũng bỏ tiền túi ra làm cầu. Và càng đáng trân trọng hơn khi các vị này dùng toàn bộ số tiền chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dành cho đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ để làm cầu. Đó là ông Nguyễn Văn Bê và ông Võ Văn Thạnh. Ông Nguyễn Văn Bê, SN 1934, là Chi hội phó Chi hội CCB ấp Phước Long. Nhà ông Bê nằm cặp bờ rạch Chùa. Ngụ cùng xóm với gia đình ông Bê còn có hơn 10 hộ khác. Trước đây việc lưu thông bằng đường bộ của bà con ở đây rất khó khăn, vì bị ngăn cách bởi con rạch Chùa. Phía bên kia rạch Chùa là con đường đê bao tiểu vùng, vừa ngăn lũ vừa là đường giao thông đường bộ thuận tiện. Tháng 1.2011, ông Bê đã nhận được 5,2 triệu đồng tiền chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định 290 của Thủ tướng Chính phủ và chi thêm tiền trong gia đình ra để làm chiếc cầu gỗ, trụ xi măng trị giá trên 10 triệu đồng. Thấy ông bỏ tiền ra làm cầu, bà con trong xóm xin được góp tiền vào, nhưng ông không nhận. Cũng như ông Bê, ông Võ Văn Thạnh (SN 1941) là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Phước Long đã nhận được hơn 4 triệu đồng tiền chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 290 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Thạnh cũng thêm tiền vào làm một chiếc cầu gỗ, trị giá 7 triệu đồng bắc qua con rạch Mương Củi để gia đình mình và bà con hàng xóm cùng đi chung.
![]() |
Bến phà Phước Chỉ - Lộc Giang |
Ngoài 3 chiếc cầu trên, đầu năm 2010, một doanh nghiệp đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để làm bến phà và nâng cấp sỏi phún con đường rạch Bờ Đắp dài gần 4 km, nối từ bờ sông Vàm Cỏ Đông (đối diện với bến đò Lộc Giang- Long An) qua đồng ruộng đến ấp Phước Bình. Việc đầu tư làm bến phà và nâng cấp con đường Bờ Đắp không chỉ vì mục đích kinh doanh, mà còn giúp cho bà con vùng sông nước ở đây đi lại thuận tiện. Ngày nay hầu hết bà con vùng trũng của xã Phước Chỉ đều sắm xe gắn máy.
Tuy không được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, nhưng xã Phước Chỉ cũng đã tiến hành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Do đặc điểm một xã nghèo, vùng sông nước và biên giới, kinh tế chủ yếu chỉ dựa vào nông nghiệp, nên đời sống của một bộ phận dân cư ở đây còn khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người ở xã năm 2010 chỉ đạt 6,5 triệu đồng. Xã còn nhiều tiêu chí chưa đạt theo quy định của Trung ương, trong đó có tiêu chí giao thông. Để được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2020 theo 19 tiêu chí của Trung ương, xã Phước Chỉ cần được sự hỗ trợ rất nhiều.
D.H