Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những chiếc nón lá…
Thứ bảy: 08:07 ngày 06/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời tôi còn nhỏ, phụ nữ hầu như ai cũng đội nón lá.

Mình mẹ tôi có tới ba chiếc: nón đi làm đồng, nón đi chợ, nón đi chơi. Nón đi làm đồng là nón cời, thường cũ kỹ, bung hết vành dưới còn trơ mép lá như răng cưa. Ấy là thứ nón rẻ tiền chằm thô hoặc nón phế thải từ những chiếc nón dùng đi chợ, đi chơi “hết tuổi”. Dãi nắng dầm mưa lâu, lớp lá ngoài chiếc nón cời chỗ hoá thâm đen chỗ thành bạc phếch. Kệ. Đi làm chủ yếu cần nón che nắng che mưa chứ đâu cần xấu đẹp, mẹ lý luận vậy.

Nón đi chợ thì đỡ hơn, chưa tới mức bung vành nhưng cũng đã cũ, lá chằm bắt đầu rộp, ngả vàng. Vậy nhưng mẹ vẫn giữ gìn cẩn thận; đi chợ về là gỡ nón, máng lên chiếc đinh cao đóng vách, không cho lũ nhóc nghịch ngợm tuỳ nghi quơ đội. Mẹ bảo: đội nón phải cẩn thận, ý tứ; phá phách như bây thì nón nào còn?

Tuyệt nhất phải kể tới chiếc nón thứ 3- tức nón đi chơi- của mẹ. Nón này là nón cao cấp, lá chằm khéo nên cầm lên thấy mỏng và nhẹ tênh. Đường kim mũi chỉ may đương nhiên sắc sảo khỏi phải bàn. Nón ít đội nên lá chằm lúc nào cũng trắng tinh, lớp dầu quang bên ngoài còn bóng lộn, quai nón bằng vải nhung đen móc vào cằm êm hết biết.

Nghe kể: nón ấy dưới quê không bán, là do ba có việc lên phố mua về tặng mẹ. Mẹ quý chiếc nón ấy lắm. Ngày thường không sử dụng mẹ bọc nón vào chiếc bao nylon to để chống bụi, còn đem tận phòng ngủ cất trên đỉnh mùng. Gọi “nón đi chơi” nhưng thực ra đời mẹ có mấy dịp để đi chơi ngoài những bận hiếu hỉ như giỗ chạp, tết nhất? Lâu lâu tới dịp, mẹ mặc quần áo mới, đội chiếc “nón xịn” lên đầu trông trẻ ra tới… mười tuổi, khiến lũ con trầm trồ không ngớt. Còn ba, ba chăm chăm nhìn mẹ lại còn cười tủm tỉm làm mẹ xấu hổ mặt đỏ bừng.

Ngày thường, có việc chạy ra nắng ra mưa tôi hay quơ chiếc nón cời treo chái bếp của mẹ mà đội. Thiệt tình tôi có mũ, nhưng cái nón (cho dù là nón cời) vẫn che nắng rất đã. Còn mưa đương nhiên khỏi nói, mũ bị ướt chứ nón thì không. Mẹ cũng biết vậy nên không cấm, chỉ dặn: đội nón trời gió phải cẩn thận, lấy tay giữ vành, không được để gió bay.

Phải, đội nón sợ nhất là gió bay. Gió giật mạnh khiến nón gãy vành, đứt quai; tệ hơn còn cuốn đi xa mất dạng luôn, không tài nào đuổi theo nhặt kịp. Đương nhiên, sự “cấp phép” của mẹ cho lũ con cũng chỉ tới chiếc nón đi chợ là hết. Nón đi chơi thì cấm ngặt!

Nghề đời, con nít cái gì càng bị cấm càng thèm. Tôi cũng không ngoại lệ. Đợi dịp ba mẹ đi vắng, tôi “rắp tâm” lẻn vào phòng, bắc ghế leo lên đỉnh mùng, mở bao lôi chiếc nón quý xuống. Đội nón lên đầu, tôi ra đứng trước gương ngắm nghía đủ kiểu coi mình… đẹp cỡ nào? Đẹp thiệt. Say mê ngắm nghía một thôi một hồi mất cảnh giác, tới lúc phát hiện thì, ôi thôi, ba mẹ đã bước vào sân. Hốt hoảng, tôi quáng quàng lột nón, ôm chạy vô buồng để “phi tang”. Ngang qua cửa buồng, tôi lýnh quýnh vấp chân té oạch. Người tôi lăn soài, đè lên cái nón quý của mẹ, dẹp lép!

Chứng kiến cảnh ấy mặt mẹ tím lại. Không nói không rằng mẹ bước xuống rút soạt chiếc roi tre giắt trên mái bếp! Ba nhìn bộ mặt tôi tái dại, lật đật theo chụp tay mẹ, can: thôi, con nó lỡ dại, tha đi. Rồi anh lên phố mua cho cái khác…

Y NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục