Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những “chiến sĩ ” blouse trắng
Thứ ba: 22:47 ngày 25/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Môi trường làm việc nguy cơ cao, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, bằng sự tận tâm, ý thức trách nhiệm, những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng luôn sẵn sàng đứng ở tuyến đầu để gìn giữ sức khoẻ cho cộng đồng…

Bác sĩ Nguyễn Chánh Nghiệp theo dõi sức khoẻ bệnh nhân.

Cống hiến lặng thầm

Nói đến sự cực khổ của ngành y, không thể không kể đến đội ngũ điều dưỡng. Khi bệnh nhân nhập viện điều trị, đội ngũ điều dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân. Đây là những người trực tiếp chăm sóc, theo dõi sát sao tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân hằng ngày. Đa phần người làm nghề điều dưỡng là phụ nữ. Vì vậy, các chị phải nỗ lực rất nhiều để vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa đảm đương việc chăm sóc gia đình.

Hơn nửa đời người gắn bó với công việc điều dưỡng, chị Nguyễn Thị Điệp- điều dưỡng viên Khoa nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu có nhiều trăn trở và không ít kỷ niệm khó quên đối với nghề. Khoa Nhiễm là nơi điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc các loại bệnh dễ lây nhiễm như sốt xuất huyết, thuỷ đậu, quai bị, tay chân miệng, nhiễm trùng đường ruột… Điều dưỡng viên ở đây phải chịu nhiều vất vả trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc người bệnh. Chị Điệp nói: “Nói tới Khoa nhiễm, nhiều người nghe tên thôi cũng đã sợ. Nhưng một khi đã chấp nhận gắn bó với cái nghề này, chúng tôi không nề hà những nguy cơ, rủi ro trong công việc”.

Theo chị Điệp, gia đình luôn là nguồn động viên tinh thần để chị hoàn thành nhiệm vụ. Ở khoa Nhiễm, những lúc có đông bệnh nhân, điều dưỡng gần như quay cuồng trong công việc, một mình phải xoay xở, vừa nhận bệnh, tiếp xúc, theo dõi bệnh, phát hiện bệnh nặng, đồng thời cũng luôn giữ tinh thần niềm nở, ân cần động viên bệnh nhân. 

Trong công việc, chị Điệp quan niệm, điều dưỡng là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, vì vậy điều quan trọng nhất là đừng để bệnh nhân tiến triển nặng mà mình không hay. Bên cạnh đó, cách ứng xử, giao tiếp để có được sự hợp tác từ phía người bệnh cũng rất quan trọng. Chị Điệp tự hào vì mình luôn được người bệnh yêu quý. Dù công việc có vất vả, áp lực thế nào, chị vẫn giữ được tinh thần bình tĩnh, hoà nhã với mọi người. 

Chị bày tỏ: “Những người mắc bệnh truyền nhiễm thường hay khó chịu, nóng tính. Vì vậy, mình phải biết kiềm chế, ứng xử hài hoà để chăm sóc tốt cho bệnh nhân. Chỉ cần mình vui vẻ, tận tâm thì người ta sẽ hiểu và hợp tác thôi. Mấy mươi năm trong nghề, quan trọng nhất là bệnh nhân xuất viện an toàn, như vậy tôi cảm thấy mãn nguyện rồi”.

Chị Điệp chia sẻ thêm: “Hiện tại, cả nước đang ra sức phòng chống dịch bệnh Covid-19, người làm trong ngành y như chúng tôi lại càng phải nỗ lực hơn nữa để góp phần chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Do công việc có khả năng lây nhiễm cao, chúng tôi lại càng phải kỹ lưỡng hơn trong việc thực hiện đúng các quy trình y tế, tiếp xúc bệnh nhân, trang bị bảo hộ”.

Một đồng nghiệp trẻ của chị Điệp là chị Huỳnh Thị Ngọc Giàu- điều dưỡng viên tại Khoa nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu. Tuy thời gian công tác trong ngành chưa lâu, nhưng chị Giàu dần tìm thấy tình yêu đối với công việc. “Khi mới đi làm, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của nghề mình chọn. Thế nhưng, càng gắn bó với công việc điều dưỡng để chăm sóc và giành lại sức khoẻ cho bệnh nhân, tôi thấy mình ngày càng yêu công việc này”, chị Giàu nói. Theo chị, khi đã yêu nghề, hiểu giá trị việc mình làm thì sẽ toàn tâm với nghề.

Công việc của một người điều dưỡng vô cùng quan trọng, nhất là khâu theo dõi, phát hiện những bất thường của người bệnh để kịp thời thông báo với bác sĩ, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, góp phần nâng cao mức thành công trong điều trị. Đối với chị, ngoài trình độ chuyên môn luôn cần trau dồi, học hỏi, kỹ năng giao tiếp là yếu tố quan trọng để tạo được niềm tin cho người bệnh.

Thời điểm bệnh nhân đông lại càng đòi hỏi sự tận tâm, tận lực của đội ngũ điều dưỡng. Những lúc ấy công việc nhiều, nhân lực không đủ chính thái độ làm việc cật lực, tinh thần lăn xả, hết mình của những người làm ngành y sẽ làm bệnh nhân yên tâm hơn.

Làm ở môi trường tiếp xúc hằng ngày với nguồn bệnh từ năm này sang năm khác, nguy cơ lây nhiễm bệnh do tai nạn nghề nghiệp là điều có thể xảy ra, chị Giàu cũng có những lo lắng, suy tư. Với chị, một khi đã chọn nghề thì phải chấp nhận rủi ro. Chị chủ động trong việc phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, tuân thủ theo quy trình tiếp xúc với bệnh nhân, sử dụng kỹ càng các thiết bị bảo hộ trong quá trình làm việc, hơn hết là biết cách tự chăm sóc sức khoẻ bản thân trong sinh hoạt, ăn uống. Chị Giàu nói: “Niềm vui, hạnh phúc của những điều dưỡng ở khoa Nhiễm là sau thời gian được chăm sóc, bệnh nhân dần hồi phục sức khoẻ, cơn đau được xoa dịu, nguy cơ lây bệnh cho người khác được ngăn chặn kịp thời”.

Đâu ngại nguy nan

Mặc dù không trực tiếp tham gia vào công tác khám, chữa bệnh, nhưng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên làm công tác y tế dự phòng vẫn thầm lặng cống hiến, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng.

Có trên 20 năm gắn bó với công tác y tế dự phòng, bác sĩ Ngô Văn Chỏl- Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu) hiểu hơn ai hết những vất vả trong nghề. Bác sĩ Chỏl cho biết: Công việc của người làm công tác dự phòng rất nhiều, như: giám sát, tổng hợp, dự báo tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm, làm công tác phòng dịch tại cộng đồng.

Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, các y, bác sĩ phụ trách lĩnh vực dự phòng luôn là người đầu tiên tiếp xúc với các ca bệnh để tìm hiểu nguyên nhân, điều tra dịch tễ học, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch… Nhất trong thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, thì những y, bác sĩ dự phòng ở cơ sở lại càng phải sát sao theo dõi, rà soát, giám sát bệnh. Do thường xuyên tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm, hoá chất độc hại, nên người làm công tác dự phòng đối mặt nguy cơ lây nhiễm cao, nếu không cẩn thận sẽ mang mầm bệnh cho gia đình.

Bác sĩ Chỏl tâm sự: “Khi tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm, về tâm lý hầu như ai cũng thấy sợ. Nhưng làm việc trong môi trường này lâu ngày sẽ quen dần, chỉ cần tuân thủ quy trình tiếp xúc, sử dụng bảo hộ lao động trong quá trình làm việc sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm. Bằng lòng yêu nghề, với tinh thần trách nhiệm cao, các y, bác sĩ, nhân viên dự phòng vượt qua nỗi sợ hãi, lăn xả vào công việc. Dù nắng mưa, khi nhận được thông tin dịch bệnh, những người làm công tác dự phòng lại lập tức có mặt điều tra, giám sát, khoanh vùng, dấn thân vào ổ dịch để xử lý, lặn lội đến từng hộ gia đình phòng chống dịch”.

Theo bác sĩ Chỏl, công tác phòng, chống dịch bệnh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ý thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế. Nhiều gia đình thiếu hợp tác, vẫn lơ là thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hoặc không thực hiện tiêm phòng để phòng ngừa bệnh, phải cố gắng tuyên truyền, phân tích để người dân hiểu, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, với sự nỗ lực của đội ngũ y tế dự phòng trong công tác tuyên truyền, đến nay, nhận thức người dân trên địa bàn huyện được nâng cao. Đối với bác sĩ Chỏl, niềm vui trong nghề là dịch bệnh được ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời, không lây lan ra cộng đồng, sức khoẻ của người dân được bảo đảm. “Công việc của chúng tôi, ngoài chịu được vất vả, cần có sự kiên trì, yêu nghề mới có thể bám trụ”- bác sĩ Chỏl bộc bạch.

Gần 8 năm tham gia công tác y tế dự phòng, chị Nguyễn Thị Xuân- nhân viên phụ trách công tác phòng, chống dịch Khoa Kiểm soát bệnh tật thuộc Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu chia sẻ, trong công việc không tránh khỏi những khó khăn, niềm vui lẫn nỗi buồn, hay nỗi lo bị nhiễm bệnh.

Khi có dịch bệnh xảy ra, công việc của người làm công tác dự phòng nhân lên gấp bội, phải đi suốt, vừa tuyên truyền, vừa điều tra, giám sát, phát hiện bệnh. Từ trải nghiệm với công việc, chị Xuân thấy được công tác phòng bệnh là điều quan trọng trong bảo vệ sức khoẻ người dân, bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh. Dự phòng có tốt thì mới không có dịch bệnh bùng phát. Và khi mình có hiểu biết, thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh sẽ phòng tránh được lây nhiễm bệnh.

Từ sự thấu hiểu, vì sức khoẻ người dân, chị Xuân không ngại khó khăn, nguy hiểm, luôn tích cực với công tác phòng chống dịch bệnh. Niềm vui của chị Xuân là người dân ngày càng có ý thức, tự biết cách phòng bệnh cho bản thân. “Đến với nghề vì niềm yêu thích, nhưng gắn bó với nghề càng lâu, tôi càng cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc góp phần chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Chính vì thế, tôi không ngừng nâng cao trình độ, tay nghề về mảng y tế dự phòng để phục vụ công việc được tốt hơn”- chị Xuân bày tỏ.

Những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát này, bác sĩ Nguyễn Chánh Nghiệp - Khoa Nội - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu trực, khám, điều trị 24/24 đối với những trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm do virus Corona gây ra. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có khả năng lây nhiễm kể cả đối với những người được trang bị bảo hộ cẩn trọng, đối với bác sĩ Nghiệp, những thời điểm như thế này lại càng phải nêu cao tinh thần xông pha. Dù có lo lắng về sức khoẻ bản thân, hay nguy cơ lây nhiễm bệnh, lương tâm nghề nghiệp không cho phép anh chùn bước.

“Với nghề mình theo đuổi thì những rủi ro bản thân chúng tôi cũng biết rồi, điều quan trọng nhất là sức khoẻ của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cố gắng làm đúng quy trình, áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa cho bản thân để hạn chế thấp nhất rủi ro”, bác sĩ Nghiệp chia sẻ.

Bác sĩ Phan Công Bình- Phó Giám đốc điều hành, quản lý Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh kiểm tra khu vực dành để cách ly các ca nghi nhiễm tại bệnh viện.

Vất vả là vậy, không phải ai cũng thông cảm và chia sẻ đối với khó khăn của ngành y. Điều đọng lại trong bác sĩ Nghiệp là niềm vui, lời cảm ơn của những người đã khỏi bệnh, điều đó thực sự ý nghĩa và là động lực để bản thân anh phát huy hơn nữa khả năng. “Mỗi khi điều trị cho một bệnh nhân hết hẳn bệnh, tôi cảm thấy như mình vừa làm được một điều cao cả. Suy nghĩ đó giúp tôi có thêm nhiệt huyết để tiếp tục nỗ lực khám, chữa bệnh”, anh Nghiệp nói.

Bác sĩ Nghiệp bày tỏ: “Tôi hy vọng thời gian tới, y tế tuyến huyện tiếp tục được đầu tư, trang bị về máy móc, thiết bị, nhân lực, đội ngũ y, bác sĩ được bồi dưỡng, nâng cao tay nghề để chúng tôi có thể hỗ trợ, điều trị bệnh nhân tốt hơn”.

Quá trình công tác đã để lại trong đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở nhiều kỷ niệm. Vui có, buồn có, nhưng niềm hạnh phúc không thể đo đếm bằng những con số cụ thể. Đơn giản là được nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của bệnh nhân sau khi khỏi bệnh...

Hoà Khang - Thế Anh

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh