Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự
Những chiến sĩ trên “trường văn, trận bút”
Thứ ba: 15:38 ngày 22/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo Tây Ninh luôn thể hiện xứng đáng là “các chiến sĩ trên trường văn, trận bút”, như lời dạy của người khơi nguồn báo chí cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Từ lâu, mọi người dân trong nước đều biết ngày 21.6 hằng năm là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.org ghi đây “là ngày kỷ niệm ra đời của báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, 21 tháng 6 năm 1925.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ 19 đã có “Gia Ðịnh báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Nhưng báo “Thanh niên” đã mở ra một dòng báo chí mới: báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam mới giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5 tháng 2 năm 1985 lấy ngày 21 tháng 6 hằng năm làm Ngày Báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với báo chí.

Ngày 21 tháng 6 năm 2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo Chí Cách mạng Việt Nam”.

Nói về vai trò của báo chí cách mạng nước ta, tại Ðại hội Những người viết báo Việt Nam lần thứ III, ngày 8.9.1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh- người sáng lập Báo Thanh Niên, khởi thuỷ của dòng báo chí cách mạng đã căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén”.

Về vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với báo chí cách mạng, Bác Hồ khẳng định đây là “nguyên tắc bất di, bất dịch” và Bác yêu cầu: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Ðảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.

Ngày nay, những người làm báo Tây Ninh đều hiểu rõ, báo chí của tỉnh nhà thuần tuý là báo chí cách mạng, ra đời trong khói lửa chiến tranh với nhiệm vụ phục vụ kháng chiến, đấu tranh quyết liệt với kẻ thù xâm lược và tay sai của giặc, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc.

Nhiệm vụ đó xuyên suốt cho đến ngày nay, cả trong thời bình, vì mọi kẻ địch dù đã thất bại trong mọi âm mưu xâm lược, thống trị vẫn không ngừng tấn công, chống phá Ðảng, Nhà nước ta bằng mọi thủ đoạn, nhất là trên lĩnh vực thông tin tuyên truyền.

Nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong tình hình mới, điều kiện mới, nhiều năm qua, Báo Tây Ninh- Tiếng nói của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh, đội ngũ cán bộ, phóng viên không ngừng phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chính trị, bản lĩnh, tay nghề và nắm bắt công nghệ làm báo thời đại mới để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn.

Ðến nay, Báo Tây Ninh đã ghi trên măng-sết “năm thứ 75”, trong đó có 46 năm xuất bản công khai, chính thức trở thành “Tiếng nói của Ðảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh”. Nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, phóng viên Báo nối tiếp nhau giữ vững tôn chỉ, mục đích, bảo vệ thanh danh của tờ báo Ðảng bộ địa phương.

Cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo luôn thể hiện xứng đáng là “các chiến sĩ trên trường văn, trận bút”, như lời dạy của người khơi nguồn báo chí cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày tết nghề nghiệp của mình, người viết bài này xin có vài lời nói về “cái riêng” của người làm báo tỉnh nhà, vì bao giờ “cái chung” cũng là tập hợp của nhiều “cái riêng”.

Ðó là chuyện ngày mai 22.6.2021, cán bộ, phóng viên, nhân viên toà soạn Báo Tây Ninh đau đớn tiễn đưa nhà báo Phạm Ðăng Khoa (thường gọi là ông Chín Khoa), nguyên Tổng Biên tập Báo về cõi vĩnh hằng.

Ông Chín Khoa nguyên là cựu chiến binh thuộc đơn vị C2/45 thị xã Tây Ninh, chuyển về làm báo từ cuối năm 1990. Ông không thuộc thế hệ làm báo kháng chiến, nhưng là bộ đội thời kháng chiến chống Mỹ chuyển sang làm báo.

Quá trình làm báo, ông không chỉ là người chỉ huy đầy bản lĩnh trên “trường văn, trận bút”, mà còn là một tay bút lão luyện, chuyên trách mục bình luận chính trị “Câu chuyện cuối tuần” với bút danh Thiên Hạ suốt từ khi mới chuyển ngành đầu năm 1991 đến đầu năm 2020 khi cơn bệnh nan y trở nặng, và ông đã qua đời hôm 19.6.2021.

Vĩnh viễn chia tay nhà báo Phạm Ðăng Khoa, anh em làm báo hiện nay không bao giờ quên một bậc đàn anh “nghiêm túc đến từ dấu chấm, phẩy, dấu hỏi, ngã” trong tác phẩm báo chí của mình, cũng như của tất cả đội ngũ làm báo thời ông đương chức, lẫn khi về hưu. Giờ đây, ông đã thảnh thơi đi gặp các nhà báo cách mạng tiền bối.

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh