BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những chuyện góp nhặt ở một bệnh viện

Cập nhật ngày: 04/03/2011 - 06:00

Khá yên tĩnh nhìn từ bên ngoài nhưng lại rất nhộn nhịp ở bên trong là những gì đang diễn ra tại Bệnh viện Điều dưỡng- Phục hồi chức năng Tây Ninh (BVĐD).

Một ngày như mọi ngày, hàng trăm bệnh nhân đang tập trung tập luyện, phục hồi chức năng tại các phòng trị liệu. Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên cũng đang tất bật với công việc. Mỗi ngày, BVĐD tiếp nhận gần 100 ca bệnh cả nội và ngoại trú, trong khi số nhân viên tại đây tổng cộng chỉ có 56 người. Vì vậy, bệnh viện cũng không tránh khỏi cái khó khăn muôn thuở của ngành y: thiếu nhân lực.

Điều đáng ghi nhận là trong điều kiện như vậy, đội ngũ y, bác sĩ đã nỗ lực hết mình để phục vụ người bệnh. Có thể thấy điều đó qua vẻ hài lòng trên gương mặt của các bệnh nhân đang trị liệu tại đây.

BVĐD tiền thân là Làng Hoà Bình Tây Ninh được thành lập từ năm 1994, sau chuyển sang chức năng của một bệnh viện có nhiệm vụ thu dụng và điều trị cho người bị tật bệnh trong tỉnh. Đây còn là nơi nuôi dưỡng, điều trị, giáo dục, hướng nghiệp cho trẻ em khuyết tật.

Bác sĩ Trần Văn Sỹ- Giám đốc BVĐD- một trong những bác sĩ đầu tiên của Làng Hoà Bình trước kia cho biết: ông về đây công tác đã 17 năm, lúc vừa mới ra trường (1994). Đó là một quyết định khó khăn vì khi ấy đời sống kinh tế của ông còn khá chật vật, ngoài việc làm tại Làng Hoà Bình, bác sĩ Sỹ còn phải vừa tự mày mò học hỏi thêm kinh nghiệm vừa phải “chạy sô” để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình, vợ con. Ông nói: “Sau 17 năm gắn bó với công việc nơi này, cảm xúc của tôi không biết phải diễn tả như thế nào, chỉ biết nếu vắng làm việc một ngày tôi sẽ rất nhớ. Nó như là một thói quen, một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”.

Một ca điện trị liệu

Với nữ bác sĩ Huỳnh Thị Thu Trang- công tác tại BVĐD từ năm 1995, làm việc ở đây có một niềm vui là được nhìn thấy sự hồn nhiên, dễ thương của các em nhỏ dù các em có hoàn cảnh không may. Tại đây, chị có thật nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Chị thấy được những tình cảm của bệnh nhân dành cho các y, bác sĩ, cũng như tình cảm của những đồng nghiệp với nhau… Đó là những điều đã khiến chị gắn bó lâu dài với BVĐD. Đỗ Thị Thuý, nhân viên điều dưỡng trẻ, vừa làm việc ở đây hơn một năm, chia sẻ: “Trước đây tôi cũng từng làm ở nhiều nơi. Nhưng làm việc ở đây tôi thấy hài lòng nhất. Thu nhập tuy không dư dả nhưng ổn định”.

Ở BVĐD, có 3 trường hợp bệnh nhân bại não được các bác sĩ tư vấn sớm và điều trị đã hết bệnh và các em đã đến trường. Một em tốt nghiệp THCS, chuẩn bị học nghề, hai em khác đang học tiểu học. Điều đó làm cho những người thầy thuốc cảm thấy hạnh phúc. Chính các y, bác sĩ của BVĐD đã đem lại được niềm tin cho các em và gia đình các em, giúp họ thoát khỏi tâm lý tuyệt vọng. Đối với những bệnh nhân bại liệt đang nằm tại nhà, thông qua Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, các y, bác sĩ của BVĐD đã tìm đến tận nhà, hướng dẫn cách điều trị đồng thời động viên tinh thần cho họ, giúp người bệnh xoá dần mặc cảm tự ti, lấy lại niềm tin để hoà nhập cộng đồng.

Đa số bệnh nhân điều trị tại BVĐD đều có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian điều trị của họ thường kéo dài cả năm, đủ để nảy sinh những tình cảm gắn bó chân tình, làm xúc động trái tim những người thầy thuốc. Đó là những lá thư góp ý và có cả những… bài thơ hẳn hoi thay cho lời cảm ơn của bệnh nhân hoặc người nhà của họ gửi đến đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện. Có người ở tận Dương Minh Châu, sau khi đưa người thân xuất viện về nhà, đã lại lặn lội ra BVĐD để biếu các y, bác sĩ vài trái mướp vườn nhà. Có bệnh nhân được cho về cứ nằn nì đòi ở lại. Anh Đỗ Đức Chính, quê ở ngoài Bắc, hai năm trước vào BVĐD do hai chân bị liệt không đi lại được. Sau một thời gian điều trị, được bác sĩ cho ra viện nhưng anh vẫn một mực xin ở lại vì anh đã “xem bệnh viện là nhà, các y, bác sĩ là người thân”. Hằng ngày, anh Chính tự mình điều khiển xe lăn đi chăm sóc đám cà, ớt, bí, bầu… ở phía sau bệnh viện. Các y, bác sĩ thương tình tặng thêm ít tiền để anh mua gà, thỏ về nuôi. Bây giờ coi như anh Chính đã có trong tay một “tài sản” nho nhỏ.

Ông Trương Văn Minh, một bệnh nhân quê ở xã Tân Phú (Tân Châu) cười thật vui, chia sẻ: “Trước đây tôi không biết về BVĐD. Được một người bạn giới thiệu, tôi mới đến đây điều trị, nay đã khoẻ hơn rất nhiều. Mấy cháu ở đây phục vụ rất tốt, nhiệt tình, cởi mở. Tôi thấy đây là điều đáng quý mà không ít bệnh viện khác cần phải noi theo”.

NGÔ TUYẾT