BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những cô gái mảnh mai đi ngược chiều với bão 

Cập nhật ngày: 18/01/2023 - 07:20

BTN - Đây là câu thơ thứ 34, trong bài thơ Về Tây Ninh gồm tất cả 49 câu của tác giả Hưởng Triều (Trần Bạch Đằng) viết vào mùa xuân Nhâm Tuất 1982.

Ký hoạ Võ Đồng Minh.

Viết câu này, là ông đang nhớ đến các cô gái Tây Ninh trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Vâng! Chính là mùa xuân của 55 năm trước khi lệnh Tổng tiến công được công bố.

Thì chỉ vài ngày sau, trên các đài phát thanh của “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” cũng như Đài giải phóng của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đều đã vang dậy các bài ca chiến thắng.

Nhiều bài lắm! Nhưng có những lời ca đã in sâu vào ký ức. Như: “Chào anh Giải phóng quân, chào mùa xuân Đại thắng” của nhạc sĩ Hoàng Vân; “Sài Gòn quật khởi” của nhạc sĩ Hồ Bắc… và nhất là “Bão nổi lên rồi” của nhạc sĩ Trọng Bằng.

Những lời ca hừng hực khí thế chiến thắng vang lên: “Bão nổi lên rồi từ miền Nam quê hương thân yêu/ Từ Trị Thiên băng qua Tây Nguyên lan tới bưng biền/ Triệu người bừng bừng cùng Đà Nẵng với Huế chiến thắng/ Khí thế sôi sục tràn về Sài Gòn/ Giờ tiến công sục sôi tim muôn người…”. Ai cũng hiểu rằng cuộc tổng tiến công đang như một cơn bão lớn tràn vào các đô thị miền Nam.

Và, nhà thơ khi nhớ lại sau 14 năm, cũng không quên. Ông ví các cô gái Tây Ninh đang xuống đường tới các sào huyệt địch trong các vùng đô thị là: đi ngược chiều với bão.

Đến đợt 3 tổng tiến công thì âm hưởng hào hùng nhưng vui tươi của bài ca Cô gái Sài Gòn đi tải đạn được vang lên. Bài hát này của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, được coi là một trong những ca khúc cách mạng hay nhất thời chống Mỹ.

Nhịp điệu nhanh, vui vẻ như trong chiến khu của nhạc sĩ Xuân Hồng. Nhưng, Lư Nhất Vũ phác thảo nên một bức tranh sinh động hơn về các cô gái đi ngược chiều cơn bão về vùng sào huyệt địch lớn nhất ở toàn miền Nam lúc ấy.

Ở Tây Ninh, đi ngược chiều với bão không chỉ là các cô gái dân công tải đạn. Tây Ninh còn có các đơn vị nữ võ trang trực tiếp trút đạn xuống đầu thù. Đấy là các đội nữ pháo binh, bắt đầu từ huyện Châu Thành với Trung đội B13.

Trung đội nằm trong đội hình của Vành đai diệt Mỹ của huyện, bao quanh căn cứ Mỹ ở Trảng Lớn. Tiếp theo là sự ra đời của các đội nữ pháo binh ở huyện Bến Cầu, Trảng Bàng, Gò Dầu với tên của các chị chỉ huy như: Tô Thị Hoa, Bảy Hương, Út Coi, Năm Mai, Bảy Buội, Sáu Gương, Lê Thị Sầm, Nguyễn Thị Sớt… chỉ nghe đến là đã làm quân địch hồn xiêu phách lạc”.

Đặc biệt là B13 trong mùa xuân 1968. Khi ấy: “Trung đội nữ pháo binh Châu Thành đã trưởng thành trong chiến dịch mùa khô trước, kỳ này góp phần chia lửa rất tốt. Các đồn bót chốt Mỹ ở vùng hoạt động của đội nữ pháo binh Châu Thành đều được nếm pháo đợt 2, đợt 3 (của Tổng tiến công) nhất là căn cứ Trảng Lớn…

Khi đội đã pháo kích xong, rút đi và “biệt tích” gần như “xuất quỷ nhập thần”…Không lạ gì vì đội nữ pháo binh đều là con của các mẹ, em của các chị, đội đã nằm sâu trong buồng đồng bào, trong lòng dân yêu thương đùm bọc…” (Truyền thống cách mạng của phụ nữ Tây Ninh, 1991).

Di tích chiến thắng Cây Dầu, An Tịnh- nơi xuất phát của Biệt động Sài Sòn trong Mậu Thân 1968.

Ngược chiều với bão không chỉ là những người ra trận. Còn biết bao nhiêu không tính xuể, các mẹ, các chị, chăm lo công tác hậu cần, tiếp tế lương thực, cứu chữa thương binh. Cũng lại có biết bao chị em đi dân công hoả tuyến, trực tiếp và bám sát các mũi tiến công.

Chị em xã Phước Chỉ, Trảng Bàng: “Cùng đồng bào và du kích đảm bảo vận chuyển an toàn vũ khí từ Campuchia, vượt sông Vàm Cỏ về An Tịnh chứa trữ sẵn sàng đưa về thành phố… nhiều chị em phụ nữ ở Rạch Tre, Hoà Hội, Phước Vinh, Ba Chàm… có chị còn con mọn cũng gửi lại cho nội, ngoại giữ đi phục vụ suốt cả hàng tháng trời…” (Sđd).

Đọc những trang sử này, thấy ở đâu trên đất Tây Ninh cũng bừng bừng khí thế của phụ nữ Tây Ninh “xuống đường” làm nên một “mùa xuân đại thắng”. Nhưng nếu phải chọn một nơi tiêu biểu nhất, thì đấy phải là quê hương An Tịnh, Trảng Bàng.

Đến đây mới hiểu vì sao các đội 3, 4, 5 của Biệt động Sài Gòn lại chọn ấp An Phú, xã An Tịnh làm nơi xuất phát tiến về Sài Gòn đánh vào các nơi trọng yếu nhất như Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ…

Chính bởi vì: “An Tịnh nhận vũ khí do các xã cánh Tây chuyển về tạm giấu, đêm đêm vận chuyển vào thành phố hàng chục tấn vũ khí phục vụ cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa”, và An Tịnh cũng đón nhận hơn 1.200 chiến sĩ bị thương, quá sức chứa, phải tán cho các nơi, tại xã giấu cất trong hầm bí mật hơn 700 chiến thương… Có lúc thương binh quá nhiều, hầu hết các gia đình mỗi mẹ phải nuôi giấu từ 3 đến 5 thương binh…”.

Tới đây, không thể không nhớ lại ký ức hào hùng của những nhân chứng sống trong mùa xuân 1968. Đấy là ông Ngô Mạnh Siêu, nguyên Trung đội trưởng pháo DKZ của Đại đội 5- pháo trợ chiến thuộc Bộ CHQS tỉnh.

Ông còn giữ được cuốn nhật ký với những trang ghi về “Những ngày xuống đường xuân 1968”. Không nói nhiều về mình, ông lại nhắc nhiều đến đại đội, dân công phục vụ C5. Họ đến từ các cơ quan Dân Chính Đảng của tỉnh và huyện Châu Thành.

Đặc biệt đoàn có các “cô gái mảnh mai đi ngược chiều với bão”. Là các cô giáo và học sinh nữ Trường Hoàng Lê Kha như các cô Sáu Ngân, Năm Phương cùng các em Kim, Mậu, Khang, Thắm…

Nhỏ nhất là Thắm mới chỉ 14-15 tuổi. Họ “cõng” theo các trái đạn DKZ và cối 82 từ căn cứ Cầu Đương, Châu Thành băng qua Tà Păng, vượt quốc lộ 22 sang rừng Trà Vong về căn cứ C5 (ở Suối Nút, thượng nguồn rạch Tây Ninh). Giao hàng xong, lại tiếp tục ngược lên bến Bà Hảo vác đạn về. Mỗi người vác 2 quả DKZ hoặc 5-6 trái đạn cối 82.

Trung đội nữ pháo binh B13.

Trong đoàn có 3 hoạ sĩ từ R và từ Ban Tuyên huấn tỉnh về, đó là Huỳnh Phương Đông, Võ Đồng Minh và Ba Trắng. Hoạ sĩ Võ Đồng Minh nay đã gần 80 tuổi, sống tại thị trấn Tân Biên.

Đến nay, sau 55 năm, ông vẫn gìn giữ được file ảnh chụp chùm tranh ký hoạ vẽ trong Tổng tiến công mùa xuân năm 1968 (ảnh gốc đã được Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh mua và lưu giữ).

Trong vài chục tấm ảnh kia, vẫn còn bức “học sinh Hoàng Lê Kha đi dân công”, ông vẽ ngày 21.1- 10 ngày trước khi nổ ra cuộc tiến công. Bức tranh đã lưu giữ được vẹn nguyên tinh thần, vóc dáng của “những cô gái mảnh mai đi ngược chiều với bão”. Rừng chồi lúp xúp như măng mọc. Các cô nghỉ chân bên các thùng đạn lớn hơn người. Vậy mà từng nét duyên, nụ cười vẫn sáng ngời trên thân hình các cô gái chưa đến tuổi 20.

Theo ông Siêu, thì trận đầu C5 tấn công thị xã Tây Ninh là vào ngày mùng 2 tết. Khẩu DKZ của C5 được bố trí ở vạt rừng chồi gần Trường mầm non Thực Hành ngày nay, tức chỉ cách đầu sân bay khoảng 50 mét. Còn súng cối bố trí tại vạt rừng gần đường Đặng Ngọc Chinh, gần công viên thành phố hiện nay.

Vậy là các cô gái dân công vác đạn tới đây là đã đi vào “tâm bão”. Bão đã nổi lên ngay ở trận đầu khi pháo kích vào Chi khu quân sự, dinh Tỉnh trưởng và sân bay làm thương vong hơn 100 tên địch, đốt cháy 2 kho xăng và 9 xe cơ giới.

Chính là những cô gái mảnh mai ấy, đã cùng những người mẹ gầy gò nhưng dũng cảm của quê hương An Tịnh, cùng với các chị em trong các đội nữ pháo binh, du kích và dân công hoả tuyến đã góp sức làm nên một mùa xuân tạc vào vĩnh cửu. Để đất nước hôm nay tiếp tục bay lên “bát ngát mùa xuân” (thơ Lê Anh Xuân).

Trần Vũ