Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ đầu năm đến nay, qua sự vận động của địa phương với sự đồng thuận cao của người dân, con đường được sửa chữa, đã thay đổi rõ rệt. Hiện tại, con đường có chiều dài hơn 1km, chiều ngang khoảng 3m được đổ sỏi đỏ, lu lèn phẳng lì, sạch sẽ, người dân đi lại rất dễ dàng và thuận tiện.
Con đường Thuận Lợi - Trảng Sa khang trang, sạch đẹp.
Không cần chờ tới “đợt” xây dựng nông thôn mới để được hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông, từ đầu năm đến nay, tại xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, nhiều con đường mới được thi công để cho việc đi lại của người dân địa phương được thuận tiện hơn. Đặc biệt, những con đường này đều được làm với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với tỷ lệ đóng góp 7/3. Trong đó, “phần 7” là phần của dân. Qua đó cho thấy, nơi nào có sự ủng hộ của người dân thì mọi việc dù khó khăn đến mấy cũng được giải quyết nhanh gọn.
Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận Bùi Văn Nhung chia sẻ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã có 5 con đường được đầu tư nâng cấp với sự tự nguyện, đóng góp tích cực của người dân địa phương. Ông Nhung nói, hằng năm, kinh phí phát triển kinh tế của xã không được nhiều do ngân sách còn eo hẹp, dẫn đến việc duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp đường giao thông nông thôn ở xã Đôn Thuận là việc bất khả thi.
Và đây không chỉ là nỗi trăn trở của lãnh đạo địa phương mà còn là nỗi bức xúc thực sự đối với người dân trong xã. Nhận thấy không thể chờ các nguồn hỗ trợ nào khác, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã mở cuộc họp về chuyên đề này và thống nhất chủ trương vận động người dân cùng chung tay với chính quyền trong việc nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn.
Các trưởng ấp được mời về xã họp tiếp thu chủ trương này đã nhanh chóng thông báo đến người dân trong ấp. Kết quả, tất cả các ấp đều nhận được sự đồng thuận của hầu hết các hộ dân. Sau đó, công việc được chính quyền địa phương giao cho người dân tự thực hiện đúng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Cùng đi với chúng tôi đi trên con đường Thuận Lợi - Trảng Sa, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận Trần Văn Cảnh chia sẻ, đây là con đường nằm giữa hai ấp cho nên địa danh của hai ấp cũng là tên gọi của con đường. Trước đây, con đường được hình thành với kết cấu hạ tầng là… đất móc hai bên lề đổ vào giữa để làm đường cho người dân đi lại, lâu ngày ổ gà loang lổ và ngập nước mỗi khi mưa xuống. Từ đầu năm đến nay, qua sự vận động của địa phương với sự đồng thuận cao của người dân, con đường được sửa chữa, đã thay đổi rõ rệt. Hiện tại, con đường có chiều dài hơn 1km, chiều ngang khoảng 3m được đổ sỏi đỏ, lu lèn phẳng lì, sạch sẽ, người dân đi lại rất dễ dàng và thuận tiện.
Anh Phan Văn Lam, 39 tuổi, ngụ tại ấp Thuận Lợi cho biết: “Có con đường mới, bà con ai cũng phấn khởi. Biết địa phương còn khó khăn nên khi được vận động, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong ấp đều nhiệt tình ủng hộ làm đường”. Chúng tôi sang con đường thuộc tổ 3, ấp Trảng Sa có chiều dài ước gần 500m cũng vừa mới được đầu tư nâng cấp. Vẫn là nền đất, sỏi đỏ phẳng lì và hạ ta-luy chắc chắn, con đường hiện nay đã xua tan nỗi ám ảnh của người dân về con đường cũ.
Ông Đặng Văn Mỹ, Trưởng ấp Trảng Sa kể, xưa con đường này cũng hình thành từ việc móc đất mương thoát nước đổ lên để đi lại nên rất dằn xóc, gập ghềnh. Sau khi được vận động, bà con trong ấp ủng hộ rất nhiệt tình để làm mới con đường. “Khoe” tiếp về những con đường trong ấp, Trưởng ấp Trảng Sa dẫn chúng tôi đến con đường thuộc tổ 10, có chiều dài ước chừng hơn 500m. Cùng một kết cấu mặt đường và vật liệu xây dựng, những con đường này dường như trở nên đẹp hơn trong mắt người dân do đây là những con đường bởi chính người dân đóng góp và thi công.
Ông Mỹ cho biết thêm, kinh phí của các con đường trong ấp là “vô chừng”. Có con đường người dân đóng góp chỉ vài chục triệu đồng, nhưng cũng có con đường lên đến hàng trăm triệu đồng từ việc vận động mọi nguồn lực có tại địa phương. Chẳng hạn như việc mua sỏi đỏ đổ đường, đơn vị thi công tìm cách hạ giá nguyên liệu, nhưng vẫn bảo đảm sao cho con đường được chắc chắn và bền vững hơn. Người dân có tiền góp tiền, có công góp công, người có phương tiện thì đóng góp phần chuyên chở… tất cả đã tạo nên những con đường bền, đẹp, rẻ tại đây.
Tại ấp Trảng Cỏ, có con đường số 3, với phần chi phí san lấp mặt bằng và lu lèn do người dân đóng góp, còn phần sỏi đỏ làm đường do chính quyền địa phương xin phần đất sỏi dôi dư của Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời. Ông Nguyễn Văn Dùm, 40 tuổi, Trưởng ấp Trảng Cỏ cho biết, con đường này có chiều dài hơn 1,2km, được người dân đóng góp hơn 40 triệu đồng để hoàn thiện. Đường làm xong, người dân trong ấp rất phấn khởi, vui mừng vì thoát được cảnh phải đi lại trên “con đường đau khổ” trong nhiều năm qua.
Ngoài các con đường kể trên, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận Trần Văn Cảnh cho biết thêm, trên địa bàn xã còn có con đường Cầu Ông Cả thuộc địa bàn ấp Sóc Lào đã được làm xong cũng theo cách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từ “hiệu ứng” của những con đường ở các ấp Thuận Lợi, Trảng Sa, Trảng Cỏ, hiện nay, các ấp khác trong xã cũng rục rịch chuẩn bị sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường. “Hiện giờ đang mùa mưa nên người dân chưa triển khai, sang mùa khô sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các tuyến đường còn lại”- ông Cảnh khẳng định.
Về việc triển khai chủ trương làm đường, ông Trần Văn Cảnh chia sẻ, các con đường sau khi được chính quyền địa phương đồng ý hỗ trợ kinh phí thực hiện, tự người dân trong ấp tổ chức triển khai. Theo đó, người dân tự thành lập Ban vận động, Ban kiểm tra giám sát…
Kinh phí cũng do các ban này tự thu và công khai tài chính khi thực hiện. “Cũng có vài trường hợp lẻ tẻ, Ban vận động bó tay thì chính quyền địa phương mới trực tiếp xuống hỗ trợ cùng Ban vận động thuyết phục người dân”- ông Cảnh nói.
Những con đường tại xã Đôn Thuận do người dân cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng đã phần nào làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần tạo nên những hình ảnh đẹp trong cộng đồng nơi đây.
Đức An