Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đã từng đến Di tích Căn cứ Trung ương cục miền Nam nhiều lần, và lần nào cũng thấy thêm những điều đáng nhớ.
Những con đường rêu xanh.
Như tháng 4.2015, tôi đã đi cùng đoàn của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đến rừng Chàng Riệc để hội thảo về nền văn nghệ Cách mạng miền Nam. Chuyến ấy có Nhà thơ Giang Nam- tác giả bài thơ Quê hương, từng có thời kỳ hoạt động tại Hội Văn nghệ Giải phóng. Có cả nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Liên hiệp Hội, người có bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” khi ông còn là lính tăng trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn…
Trước nữa thì đi với đoàn thực tế sáng tác của Hội âm nhạc Việt Nam. Nhớ, gặp lúc Chủ tịch Hội, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân xin nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhánh lá trung quân, bảo đem về Hà Nội làm kỷ niệm… Phạm Minh Tuấn có bài ca Đất Nước mà ai ai cũng biết với câu ca: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu…”; trong khi đó, nhạc sĩ Đức Trịnh, Hiệu trưởng trường Đại học nghệ thuật Quân đội cứ ngước mặt lên để ngắm những chùm phong lan ở tít trên cao…
Nguyên Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh những ngày ở căn cứ- Ảnh tư liệu của BS Lê Hồng Quang.
Những chuyến đi ấy thường là vào mùa khô, nên rừng xênh xang bóng nắng. Rừng khô nhưng bao quanh vẫn là màu xanh bất diệt của cây rừng. Và cả sắc trắng sáng ngời của thân cây bằng lăng, mọc rất nhiều ở khu đón tiếp của khu di tích. Nhìn những thân cây có “nước da” sáng ngời như gốm sứ, như dát bạc ấy lại nhớ đến câu thơ Trần Ninh Hồ đã viết khi anh còn là một chiến sĩ ở chiến khu R, nay là Di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam: “Nửa đêm thức/ có khi trăng/ Lóng la lóng lánh trăng bằng thủy ngân/ Thân bằng lăng thoắt trắng ngần/ Nước da lính cũng trắng dần/ Lạ chưa…”.
Di tích căn cứ Trung ương Cục nay thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách TP.Tây Ninh 63 km, nếu đi theo đường quốc lộ 22B. Từ Cửa khẩu quốc tế Xa Mát trở đi là 16 km xuyên rừng. Nhưng xin chớ ngại, vì đấy là con đường nhựa êm mát và thanh thản trườn dưới bóng rừng nguyên sinh, với nhiều cụm cây cổ thụ. Nếu may, ta sẽ gặp những bầy khỉ chạy ngang đường. Đôi khi còn có cả bầy gà rừng lích chích dưới rừng le.
Đến di tích sẽ có những con đường mòn đưa khách vào căn cứ. Những ngôi nhà lợp lá trung quân dựng rải rác trên lộ trình vài cây số xuyên rừng. Đấy là nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Cách mạng miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ. Thường là nhà trống bốn bề, cột cây vách dựng đơn sơ. Giường ngủ là cái chõng tre. Bàn làm việc cũng là gỗ tạp đóng ghép, trên có vài vật dụng đơn sơ như sổ tay, tài liệu, báo chí hoặc radio, điện thoại…
Sách viết, căn cứ này có từ tháng 2.1962, khi: “tất cả các cơ quan Trung ương cục đều di chuyển hết về căn cứ Bắc Tây Ninh…” và cứ hiên ngang tồn tại như thế cho đến ngày toàn thắng 30.4.1975.
Bức tranh hoành tráng Trung ương Cục miền Nam.
Chuyến đi đáng nhớ và đầy cảm xúc nhất là vào tháng 8.2016, giữa mùa mưa. Khi ấy, suối Tiên Cô chảy ngang khu tiếp đón đang róc rách nước tràn. Lại gặp được bác sĩ Lê Hồng Quang, nguyên là trợ lý và chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Nguyễn Văn Linh. Ông cho xem và chụp lại vài tấm ảnh về bác Nguyễn Văn Linh Bí thư Trung ương Cục do tự tay ông chụp. Rồi theo ông vào rừng, đến căn nhà xưa ông từng ở bên cạnh nhà bác Nguyễn Văn Linh.
Rừng Chàng Riệc mùa mưa thật đẹp. Những con đường mòn đắp xi măng giả đất nay đã óng ả màu xanh rêu phủ khắp. Rêu xanh cũng sáng bừng lên mỗi góc chiến hào.
Đoàn Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam thăm Di tích căn cứ Trung ương Cục.
Trở lại khu đón tiếp, được các hướng dẫn viên dẫn tới bức tranh hoành tráng, được khánh thành tháng 12.2015. Dưới bóng rừng cao vợi giữa trời xanh mây trắng, tranh nổi bật lên với gam màu chủ đạo đỏ, vàng.
Dường như lịch sử cách mạng miền Nam được tái hiện lên bức tranh gốm sứ có bề rộng 8 mét và dài hơn 40 mét ấy. Lịch sử mà đã như huyền thoại, được viết lên bằng những con đường rêu xanh, những mái lá trung quân và cả những mảng màu gốm sứ lung linh.
N.Q.V