Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tình trạng học sinh lái xe sau khi uống rượu, bia:

Những con số đáng chú ý

Cập nhật ngày: 18/12/2014 - 12:00

Cha mẹ đưa rước con đến trường hằng ngày để được an toàn hơn.

Cách nay ít ngày, báo Tây Ninh có đăng bài viết về sức khoẻ tâm thần của học sinh trung học phổ thông với những vấn đề mà xã hội, gia đình và nhà trường không thể xem nhẹ. Bài viết được thực hiện trên cơ sở đề tài khoa học: “Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của học sinh trung học phổ thông tại Tây Ninh” do Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Tây Ninh thực hiện. Có một vấn đề được nêu trong đề tài khoa học liên quan đến học sinh trung học phổ thông, mà vì khuôn khổ một bài báo không cho phép, nên người viết chưa đề cập đến, đó là chuyện học sinh đến trường bằng xe gắn máy.

Lái xe “có rượu, không bằng”

Theo kết quả điều tra, khảo sát của nhóm nghiên cứu, tỷ lệ học sinh Tây Ninh đã và đang lái xe gắn máy nhưng không có bằng lái là 82,7%. Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, việc lái xe không có bằng lái cộng với việc sử dụng rượu bia đã dẫn tới hành vi lái xe không an toàn. Qua khảo sát, nhóm ghi nhận được có 24% học sinh điều khiển xe gắn máy sau khi đã uống chất uống có cồn.

Tỷ lệ vừa nêu cao hơn rất nhiều so với hai địa phương lân cận là TP Hồ Chí Minh (8,3%) và Long An (6,2%). Điều này được củng cố qua kết quả khảo sát: khoảng 37% học sinh trung học phổ thông Tây Ninh đã và đang uống rượu, tỷ lệ này cũng cao hơn hẳn so với TP Hồ Chí Minh và Long An (xem thêm số báo ra ngày thứ tư 28.11.2014).

Theo phân tích của nhóm tác giả, việc học sinh phổ thông lái xe gắn máy không an toàn có mối liên hệ đến yếu tố dân số và xã hội, trong đó việc con cái lái xe liên quan đến độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp của cha mẹ và trình độ học vấn của người cha. Nếu như học sinh khối lớp 10 có tỷ lệ lái xe không an toàn thấp nhất thì các khối đàn anh lại cho thấy tỷ lệ lái xe không an toàn cao hơn.

Đặc biệt, ở học sinh lớp 12 tỷ lệ lái xe không an toàn cao gần 2,4 lần so với học sinh lớp 10. Kết quả thu thập được chứng minh rằng tỷ lệ vừa nêu hoàn toàn phù hợp với việc học sinh lớp 12 sử dụng chất uống có cồn cao hơn hai khối lớp 10 và 11.

Học sinh nam là đối tượng có nhiều hành vi nguy cơ gây tai nạn cao hơn học sinh nữ, cụ thể- theo kết quả khảo sát là cao hơn 2,25 lần. Xét theo nghề nghiệp, những học sinh thuộc nhóm có cha mẹ thất nghiệp có tỷ lệ lái xe không an toàn cao hơn các nhóm khác. Nhìn ở góc độ địa phương, kết quả khảo sát thu được cho thấy tỷ lệ lái xe không an toàn có sự cách biệt đáng kể: ở huyện Dương Minh Châu là là 20%- trong khi tại thành phố Tây Ninh con số này là 26,6%.

Trong quan hệ gia đình, khi sự quan tâm của cha mẹ càng cao thì con cái càng ít có hành vi lái xe không an toàn. Hành vi lái xe không an toàn của học sinh còn liên quan đến những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu. Tương tự như hành vi hút thuốc lá, hành vi lái xe không an toàn có liên quan đến việc trong gia đình có người nghiện chất kích thích hoặc thành viên trong gia đình cư xử bạo lực, bị đi tù…

Khi phải trải qua môi trường không thật sự lành mạnh, tỷ lệ gia tăng các hành vi lái xe không an toàn có thể đạt mức rất cao, từ 31% cho đến 236% so với những học sinh không phải sống trong môi trường bất an như vậy.

Về môi trường bạn bè, trường lớp, kết quả khảo sát cho thấy hành vi lái xe không an toàn của học sinh có liên quan đến mối xung đột giữa các em với thầy cô giáo, sự gắn kết giữa học sinh với nhà trường, kết quả học tập và thời gian học thêm. Theo nhóm khảo sát, nếu như học sinh có xung đột với thầy cô giáo thì hành vi lái xe không an toàn có thể cao gấp 2,63 lần so với những trường hợp bình thường khác.

Ngược lại, học sinh và nhà trường, thầy cô có sự gắn kết cao hơn thì tỷ lệ gây ra nguy cơ mất an toàn khi lái xe sẽ giảm xuống. Liên quan đến hành vi lái xe không an toàn còn có yếu tố học tập, theo đó kết quả học tập thấp, không được như mong đợi sẽ gia tăng tình trạng lái xe không an toàn nơi học sinh.

Như vậy, hệ thống lại những yếu tố dẫn đến hành vi không an toàn thì có thể thấy: tỷ lệ học sinh trung học phổ thông ở Tây Ninh hút thuốc lá là 6,1%, tỷ lệ uống rượu, bia là 37,2% và hành vi lái xe không an toàn chiếm 24%.

Biện pháp nào?

Theo khuyến nghị của nhóm tác giả đề tài, để hạn chế các hành vi nguy cơ ở học sinh, trong đó có hành vi lái xe gắn máy không an toàn, nhà trường cần xây dựng môi trường học tập thân thiện, hạn chế các biện pháp kỷ luật có tính tiêu cực.

Về chiến lược dài hạn, nhóm tác giả cho rằng, cần cải tổ lại hệ thống giáo dục để hạn chế tình trạng thi cử và khối lượng kiến thức quá nhiều trong chương trình giáo dục phổ thông. Về vấn đề bia, rượu, do không thể kiểm soát được học sinh mọi lúc mọi nơi nên nhà trường cần tăng cường giáo dục cho các em về sự nguy hại của chất uống có cồn, không nên uống rượu bia trong mọi trường hợp.

Những con số trong đề tài khoa học vừa đề cập có thể chưa chính xác tuyệt đối, song đó vẫn là những điều đáng để gia đình, nhà trường và xã hội lưu tâm. Thật ra, với trình độ phát triển như hiện nay, việc cấm học sinh đến trường bằng xe gắn máy (đối với xe có dung tích trên 50 phân khối) là không khả thi.

Lực lượng cảnh sát giao thông có muốn “làm triệt để” cũng không xuể, vì học sinh đi xe trên 50 phân khối rất nhiều. Khoảng cách từ nhà đến trường học xa, không có cơ sở nội trú (kể cả có thì cũng không có mấy em học sinh ở lại, vì phải về nhà giúp gia đình), vậy nên các em không đến trường bằng xe gắn máy thì đi bằng phương tiện gì? Hệ thống xe công cộng đưa rước học sinh chưa phát triển, đó là còn chưa kể đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua sắm nhiều chủng loại xe khác nhau nên nhiều lúc các em dù muốn dù không cũng phải… phạm luật giao thông.

Có một điều không thể không thừa nhận: so với các phương tiện giao thông khác, chiếc xe gắn máy quá tiện lợi. Thiết nghĩ, điều cần phải làm ngay là có biện pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng lái xe trong khi đã uống rượu, bia đối với tất cả mọi người nói chung và trong giới học sinh nói riêng. Các số liệu vừa được một số tổ chức quốc tế mới công bố cho thấy, Việt Nam là một trong những “cường quốc” dẫn đầu thế giới về tiêu thụ chất uống có cồn.

Đối với đối tượng học sinh, việc “kiểm soát” hành vi của các em trước hết vẫn thuộc về gia đình và nhà trường.

VIỆT ĐÔNG