Phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV không khoanh vùng vấn đề chất vấn cũng không ấn định “cứng” 4 vị bộ trưởng đăng đàn. So với 235 lượt chất vấn và tranh luận của phiên chất vấn “hỏi nhanh đáp gọn” kỳ họp thứ 5, số lượt chất vấn và tranh luận của kỳ họp này có ít hơn nhưng các vấn đề được đưa ra chất vấn trải rộng từ giáo dục, y tế đến du lịch, khoa học công nghệ.
Có thể nói đây là phiên chất vấn đầu tiên mà số lượng bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn đông đảo như thế khi có đến 19 bộ trưởng, 2 phó thủ tướng và Thủ tướng tham gia. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, dù mới chính thức được phê chuẩn bổ nhiệm vào ngày 24/10 vừa qua, cũng tham gia trả lời 2 câu hỏi của đại biểu.
Tương tác tăng cao
Điểm đáng ghi nhận trong phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6 là sự tương tác: Tương tác giữa những gì diễn ra bên trong và bên ngoài hội trường Diên Hồng, giữa người chất vấn - người được chất vấn, giữa cử tri - đại biểu và đặc biệt là giữa các đại biểu với nhau.
Sau phần trả lời chất vấn của bộ trưởng, một số cử tri liên hệ với đại biểu để tiếp tục phản ánh, phản hồi lại câu trả lời của bộ trưởng. Và gần như ngay lập tức, đại biểu truyền đạt lại những tâm tư đó. Ví dụ như đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) hay đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đều là những “người đưa thư” trong kỳ họp lần này.
Tranh luận trong phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 6 không chỉ đơn thuần là biểu thị sự hài lòng hay không hài lòng của đại biểu với phần trả lời của bộ trưởng như những kỳ trước nữa. Các đại biểu còn tranh luận với nhau để bổ sung ý kiến, làm sáng tỏ vấn đề, minh bạch số liệu,
Một số đại biểu sử dụng chính 2 phút tranh luận của mình để bổ sung thêm vào phần trả lời của bộ trưởng.
Theo ghi nhận của Zing.vn, trong 3 ngày chất vấn, có ít nhất 6 lần đại biểu thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình hoặc không hài lòng với câu trả lời của bộ trưởng và yêu cầu bộ trưởng làm rõ thêm, và ít nhất 8 tranh luận giữa các đại biểu với nhau.
Tại diễn đàn Quốc hội lần này, 10 lần đại biểu yêu cầu bộ trưởng đưa ra các giải pháp đột phá giải quyết vấn đề của ngành. Với sự tương tác cao như vậy, số lượng câu hỏi được yêu cầu trả lời bằng văn bản rút xuống còn dưới 10 thay vì 63 như ở kỳ họp trước.
Dù không khí nghị trường sôi nổi giữa phần hỏi, đáp, tranh luận, nhưng thời gian từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề trầm kha của các phiên chất vấn. Chỉ có vỏn vẹn 3 ngày để các đại biểu chuyển đến bộ trưởng tâm tư của cử tri, nên nhiều câu hỏi chất vấn nhồi nhét, lồng ghép nhiều vấn đề.
Trong phiên chất vấn lần này, có phần tranh luận kéo dài những 6 phút, và có những câu chất vấn về 3 vấn đề, gửi 3 bộ trưởng khác nhau.
Không ấn định người ngồi ghế nóng cũng như không xác định nhóm vấn đề chất vấn khiến không khí chất vấn trở nên dân chủ và sôi động hơn. Tuy vậy điều này dẫn đến tình trạng bộ trưởng “đắt hàng” và có bộ trưởng không nhận được câu hỏi nào.
Trong 3 ngày chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà nhận đến 21 lượt chất vấn và tranh luận trong khi Bộ trưởng Ngọai giao không nhận được câu hỏi nào hay Bộ trưởng Quốc phòng nhận được 2 câu hỏi nhưng vì quỹ thời gian không cho phép nên cũng không kịp đăng đàn trả lời.
Diễn đàn Quốc hội kỳ họp này tương đối mở, các đại biểu có thể chất vấn bất kỳ một bộ trưởng nào. Một số đại biểu khi chất vấn không chỉ định bộ trưởng bộ trưởng sẽ trả lời câu hỏi dẫn đến việc bộ trưởng trả lời không thỏa đáng với mong muốn của đại biểu. Đơn cử, vấn đề về thành lập quỹ phát triển du lịch, tư lệnh ngành du lịch trả lời nhưng thực tế câu hỏi lại được đại biểu gửi gắm đến Bộ Tài chính chứ không phải Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bên cạnh đó, việc nhận được đến vài ba câu hỏi một lúc khiến các bộ trưởng rất khó để trả lời trong thời gian quy định. Theo quy định bộ trưởng có 3 phút để trả lời 1 câu hỏi, nghĩa là nếu có 2 câu hỏi có thể kéo dài đến 6 phút, theo điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Nhưng hiển nhiên nhiều vấn đề phải trình bày dài và sâu như về quặng bôxít của Bộ trưởng Công Thương hay vấn đề cát sỏi lòng sông do Bộ Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm, không thể gói gọn trong thời gian quy định.
Một số tư lệnh ngành như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hay Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh trước khi phát biểu đều xin thêm giờ.
Khép lại phiên chất vấn, khép lại những cuộc tranh luận sôi nổi, cử tri mong mỏi những lời hứa sẽ được hiện thực hóa, những vấn đề tồn đọng được giải quyết rốt ráo. Không chỉ vậy, những cơ chế, chính sách bất hợp lý phải được sửa đổi ngay “cho dân nhờ” - như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.Trao đổi với Zing.vn về thời lượng chất vấn, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng cần dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động hỏi - đáp trên nghị trường. Đồng thời, để tiết kiệm thời gian, trước mỗi phiên chất vấn, đại biểu có thể gửi câu hỏi dưới dạng văn bản về cho bộ trưởng thay vì trình bày trực tiếp ở nghị trường.
Nguồn Zing