Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

Thực hiện Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, tháng 6.2006, Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc tỉnh Tây Ninh tiến hành phân giới, cắm mốc biên giới trên thực địa theo đúng chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, của Uỷ ban Biên giới - Bộ Ngoại giao và các thoả thuận của Chính phủ Việt Nam - Campuchia đã ký kết.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tống Lê Chân kiểm tra cột mốc 79  (1), vị trí này là điểm khởi đầu vào địa phận tỉnh Tây Ninh

(cột mốc 79 thuộc loại mốc đôi, là cột mốc chính (trung).

Lực lượng chức năng 2 cửa khẩu Mộc Bài (Việt Nam) và Bavet (Campuchia) chụp ảnh kỷ niệm tại cột mốc 171.

Đây là cột mốc chính, thuộc loại mốc đại, trên cột mốc có Quốc huy và chữ viết của hai nước. Cột mốc 171 là cột mốc đầu tiên được

cắm xuống đường biên giới chung giữa hai nước Việt Nam - Campuchia theo Hiệp ước bổ sung

Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 do Chính phủ hai nước ký kết năm 2005.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Hà trên đường tuần tra bảo vệ hệ thống đường biên cột mốc. Tại vị trí cột mốc 100 này, trước đây khi chưa phân giới cắm mốc, nhân dân hai nước thường xuyên vi phạm quy chế khu vực biên giới, đến nay, tình trạng trên đã hoàn toàn chấm dứt.

Cột mốc 100 là cột mốc chính - đơn (loại trung) được sử dụng ở những vị trí chỉ cần cắm một cột mốc và thường được cắm ở chính tâm đường biên giới quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu kiểm tra dấu hiệu cột mốc 134 (3). Đây là cột mốc chính loại mốc 3, là cột mốc 3 duy nhất tại Tây Ninh, được cắm tại ngã ba sông Vàm Cỏ, nơi hợp lưu 2 nhánh sông từ Campuchia đổ về nằm trên địa bàn xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. 

Theo đó, cột mốc 134 (1) được cắm trên bờ sông thuộc lãnh thổ Campuchia, 2 cột mốc 134 (2) và 134 (3) được cắm 2 bên bờ sông thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Bà con vùng biên Phước Chỉ cùng BĐBP bảo vệ cột mốc chủ quyền lãnh thổ.

Cột mốc 179 là cột mốc cuối cùng nằm trên địa phận Tây Ninh do Bộ đội Biên phòng Tây Ninh quản lý và bảo vệ.

Các em học sinh địa phương được chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Hoà Hiệp thuộc Đồn Biên phòng Lò Gò hướng dẫn tham quan

cột mốc 133 (1). Đây là cột mốc chính thuộc loại mốc đôi được cắm trên những đoạn biên giới là sông, suối (cột mốc 133 (2) được cắm trên đất Campuchia phía bờ sông đối diện).

Tỉnh Tây Ninh có trên 240km đường biên giáp với nước bạn Campuchia. Đến nay, Tây Ninh đã phân giới được gần 228km đường biên giới, xác định được 94/101 vị trí mốc với 102/109 cột mốc, đồng thời xây dựng hoàn chỉnh được 102/109 cột mốc chính, 370/370 cột mốc phụ, 109/109 cọc dấu làm rõ đường biên giới.

Bộ đội Biên phòng Tây Ninh chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ các cột mốc chính, mốc phụ và các cọc dấu nằm trải dọc đường biên trên địa bàn 20 xã biên giới. Bắt đầu từ cột mốc số 79, nằm trên địa bàn xã Tân Hoà, huyện Tân Châu do Đồn Biên phòng Tống Lê Chân phụ trách quản lý (là điểm tiếp giáp địa giới hành chính giữa tỉnh Tây Ninh và Bình Phước) đến cột mốc số 179 nằm trên địa bàn ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, do Đồn Biên phòng Phước Chỉ phụ trách (địa giới hành chính hai tỉnh Tây Ninh - Long An tiếp giáp tại cột mốc 180, cột mốc này do Bộ đội Biên phòng Long An phụ trách quản lý).

Các cột mốc chính được làm bằng đá hoa cương, trên đó được khắc Quốc hiệu bằng chữ viết của hai nước cùng số hiệu cột mốc và năm cắm mốc. Riêng các cột mốc đại có gắn thêm Quốc huy của hai nước. Các cột mốc phụ và cọc dấu được làm bằng xi măng cốt thép…

Tuỳ vào vị trí địa lý cũng như địa hình phân chia ranh giới giữa hai nước mà lực lượng chức năng sẽ cắm loại mốc cho phù hợp với quy định, giúp dễ dàng trong việc phân chia đường biên, lãnh thổ quốc gia của mỗi bên trên tinh thần tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau.

Để hiểu rõ hơn về vị trí, ý nghĩa của từng loại cột mốc trên địa bàn tỉnh, Báo Tây Ninh xin giới thiệu đến quý độc giả một số cột mốc điển hình trên biên giới tỉnh nhà

Đ.A - L.Q