Những “cột mốc sống" trên vùng biên giới

Những “cột mốc sống" trên vùng biên giới

Tiếng là dân Long An chứ thật ra ông Sáu Kề sinh ra và làm ăn sinh sống trên mảnh đất Phước Chỉ, Trảng Bàng, Tây Ninh hơn 70 năm rồi. Ông Sáu Kề nhớ lại: Năm 1977, khi Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam nổ ra, vợ và 2 con ông đã bị Pol Pot sát hại. Quá đau đớn, quá khiếp sợ, ông đã rời Phước Chỉ về Phước Lưu tìm kế sinh nhai. Nhưng nghĩ tới vợ con, nghĩ đến mồ hôi công sức của mình đã đổ xuống mảnh đất này, ông Sáu Kề không nỡ bỏ đi mà quyết định quay trở lại, và sang bờ rạch phía đối diện thuộc địa phận tỉnh Long An, khẩn đất cất nhà.

Phần đất cũ diện tích hơn 1.500m2, ông Sáu Kề làm giấy hiến tặng cho Đồn Biên phòng Phước Chỉ dựng chốt K1 để bảo vệ biên cương. Hiện cả 3 thành viên trong gia đình ông Sáu Kề phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Ông Sáu Kề năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn phải lặn lội ngoài đồng vừa chăn trâu mướn, vừa đi bắt chuột về bán kiếm sống qua ngày.

Những “cột mốc sống" trên vùng biên giới

Ông Lê Xuân Phong (đứng giữa) trên phần đất của gia đình đã tặng cho BĐBP xây dựng chốt cảnh giới.

Nói về ông Sáu Kề, Thiếu tá Đoàn Văn Bình, một cán bộ có thâm niên lâu nhất của Đồn Biên phòng Phước Chỉ cho biết: “Chú Sáu tuy nghèo khó, cực khổ nhưng cả gia đình luôn mẫu mực, làm ăn chân chính. Nhà chỉ cách đường biên giới chưa đầy 200m. Nơi đây được mệnh danh là cái rốn của buôn lậu nhưng chú Sáu và gia đình luôn trong sạch, không bao giờ tham gia hay tiếp tay cho bọn buôn lậu.

Đi làm đồng, chăn trâu, bắt chuột, nếu thấy có dấu hiệu gì lạ ngoài biên giới là chú báo ngay cho anh em ở chốt biết để nhanh chóng xử lý. Còn gặp các đối tượng buôn lậu, chú Sáu mềm mỏng khuyên bảo họ bỏ nghề, chí thú làm ăn, đừng vi phạm pháp luật. Chính sự mẫu mực này mà anh em bọn tôi ở đây luôn luôn kính trọng, xem chú Sáu như là cha, là chú trong gia đình, sớm hôm chia ngọt sẻ bùi với nhau, khi thì bữa cơm, con cá, lúc thì viên thuốc những khi trái gió trở trời”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thành- Chính trị viên Đồn Phước Chỉ cho biết thêm, những năm gần đây khi huyện đầu tư làm con đường từ ngoài chạy vào A8, ngang qua đất của chú Sáu. Đất đai ở đây lên giá, nhưng chú cũng như gia đình chưa hề đòi hỏi bất cứ điều gì. Ngược lại, chú Sáu còn cho thêm anh em ở chốt K1 gần 100m2 để tăng gia sản xuất và chăn nuôi để cải thiện đời sống.

Những “cột mốc sống" trên vùng biên giới

Ông Nguyễn Minh Tân- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ và ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao tặng

bằng khen của UBND tỉnh và hoa cho ông Bùi Văn Nghĩa tại Hội nghị biểu dương những

điển hình tiên tiến trong 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009-2019.

Ông Sáu Kề bộc bạch: “Sống ở vùng biên, ở gần các chú bộ đội thì yên tâm lắm, đêm ngủ không sợ gì cả. Tôi nhiều lần bị bệnh nửa đêm, nửa hôm nhưng các chú Biên phòng không bao giờ bỏ tôi. Hiến có công đất để mấy chú Biên phòng dựng chốt bảo vệ biên giới, bảo vệ bà con mình, bảo vệ gia đình mình thì có nhằm nhò gì đâu!”.

Cách đây 2 năm, cột mốc phụ 176 được cắm ngay giữa phần đất ruộng gần 2 ha của ông Sáu Kề. Lúc đó, ông Sáu Kề biết rằng cuộc sống gia đình mình từ nay sẽ khó khăn. Nghĩ đến giá trị của sự hoà bình, chẳng những ông Sáu Kề vui vẻ bàn giao đất, mà còn đăng  ký tham gia tự quản cột mốc này...

Cách nay hơn 8 tháng, lực lượng chức năng hai nước triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai biên giới bên phía Campuchia và đường Tuần tra biên giới bên phía Việt Nam, toàn bộ diện tích đất còn lại của ông Sáu Kề và một số bà con A8 đều nằm trọn trong 2 dự án này. Như những lần trước, ông Sáu Kề và những người nông dân nghèo vùng biên vẫn kiên trung với khẩu hiệu “Lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết”.

Những “cột mốc sống" trên vùng biên giới

Ông Nguyễn Minh Tân- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ trao tặng bằng khen của UBND tỉnh

và hoa cho ông Lê Xuân Phong tại Hội nghị biểu dương những điển hình tiên tiến trong 10 năm thực hiện

“Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009-2019.

Đến địa bàn biên giới huyện Bến Cầu, chúng tôi được các chiến sĩ Biên phòng ở chốt Cầu Trắng (thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài) giới thiệu ông Lê Xuân Phong, ngụ tại ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận. Ông Phong là một điển hình trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong suốt những năm qua.

Được biết, ông Phong có mảnh đất ruộng nằm sát biên giới, có diện tích trên 1,5 ha, gia đình ông Phong gắn bó hơn 100 năm với mảnh đất này qua nhiều thế hệ. Cách đây hơn 15 năm, ông Phong dành hơn 150m2 đất nằm ngay đầu con đường tiểu ngạch nối liền từ xã Tiên Thuận sang phường Bavet (tỉnh Svay Rieng, Campuchia) giao cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài dựng chốt kiểm soát, bảo vệ biên cương.

Năm 2008, khi việc phân giới cắm mốc triển khai, ông Phong bàn giao hơn 2.000m2 đất ruộng của mình để phục vụ cho công tác phân giới cắm mốc quốc gia mà không hề do dự hay đòi hỏi quyền lợi gì, dù biết rằng hiện nay giá đất đang tăng lên từng ngày theo tốc độ phát triển của khu vực cửa khẩu trọng điểm lớn nhất ở phía Nam.

Những “cột mốc sống" trên vùng biên giới

Ông Nguyễn Minh Tân- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ và ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

trao tặng bằng khen của UBND tỉnh và hoa cho ông Sáu Kề tại Hội nghị biểu dương những

điển hình tiên tiến trong 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009-2019.

Với một số người, đất ông Phong là khu đất vàng, nhưng với ông Phong, Tổ quốc là trên hết. Ông cho biết, việc phân giới cắm mốc là việc làm ý nghĩa không chỉ cho ông, con ông mà nó còn đến đời cháu, đời chắt của ông sau này. Nếu toan tính, bỏ quên trách nhiệm của một công dân biên giới thì ông là người có tội đối với gia đình, quê hương và Tổ quốc.   

Ngược lên vùng biên giới Tân Châu, chúng tôi gặp ông Bùi Văn Nghĩa, một lão nông gắn bó với vùng biên giới xã Tân Hà, huyện Tân Châu hơn 40 năm qua. Ông là người rất có uy tín với nhân dân hai bên biên giới, nên họ tôn kính gọi ông là Tà Nghĩa. "Tà"- theo cách gọi của người Khmer là ông lớn, là người có uy tín, có tâm thiện, có công giữ đất, giữ làng, trừ gian, diệt ác, bảo vệ dân lành.

Thật đúng như ý nghĩa của tên gọi Tà Nghĩa, tất cả những gì ông làm trong thời gian qua đều hướng đến lợi ích chung cho dân, cho nước. Ông Nghĩa luôn giữ tính cách của một nông dân tay lấm, chân bùn. Thấy điều gì đúng, có lợi, có ích cho mọi người là ông ủng hộ, quyết liệt làm, điều gì sai, ảnh hưởng đến mọi người, đến an ninh biên giới là ông tìm cách ngăn chặn, bài trừ cho bằng được. Thời gian trôi qua, dường như cái tên Tà Nghĩa đã gắn chặt đời ông, buộc ông phải có trách nhiệm với tên gọi đó.

Trong ngần ấy năm kiên cường bám đất, bằng vốn sống, kinh nghiệm của mình, ông Nghĩa đã chung tay cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng hàn gắn những rạn nứt, sứt mẻ mà bà con nhân dân hai bên biên giới từng hiểu lầm nhau.

Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, của lực lượng Bộ đội Biên phòng, gần 20 năm qua, ông Nghĩa đã đứng ra duy trì mô hình Tổ liên kết sản xuất vùng biên, cùng với bà con nhân dân vùng biên Tân Hà vừa lao động sản xuất, vừa giúp đỡ nhân dân nước bạn về khoa học kỹ thuật, về vốn, giống, vật nuôi, cây trồng.

Cứ thế, hết mùa vụ này sang mùa vụ khác, nếu ông Nghĩa cùng bà con nông dân địa phương trồng cây gì, chăm sóc ra sao thì bà con nông dân Campuchia làm tương tự như thế, theo sự chia sẻ, hướng dẫn của ông Nghĩa.

Những “cột mốc sống" trên vùng biên giới

Ông Bùi Văn Nghĩa (bìa trái) cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Hà trao tặng học bổng 
“Nâng bước em đến trường” cho em Sothy Sray Thy- học sinh nước bạn Campuchia.

Có nhiều trường hợp bà con Campuchia gặp khó khăn về vốn, giống, nông cụ, không riêng gì ông Nghĩa mà bà con nông dân vùng biên giới này đều vui lòng chia sẻ, giúp đỡ họ. Lúc thì bà con ta cho nông dân nước bạn mượn trâu bò cày đất, khi thì cho mượn máy gặt, máy kéo vận chuyển hàng nông sản. Thậm chí, nhiều lần ông Nghĩa còn đến các cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu tại xã Tân Hà để bảo lãnh cho bà con nông dân Campuchia được mua thiếu đến cuối vụ mới thanh toán tiền.

Hơn nửa đời người gắn bó cùng mảnh đất này, ông Nghĩa đã nếm trải những gian nan, khắc nghiệt, hiểm nguy vốn dĩ chỉ có ở chốn biên thuỳ. Đã có nhiều bạn bè khuyên ngăn, cuộc sống kinh tế gia đình không đến nỗi nào, ông nên bán hết đất, ruộng vườn, đến chốn thị thành hưởng thụ, cho con cái ăn học đàng hoàng, sao cứ phải sống cực khổ nơi biên giới xa xôi hẻo lánh. 

Nghe xong, ông Nghĩa chỉ cười. Ông nghĩ đơn giản, nông dân vùng biên mà bỏ ruộng, bỏ vườn, bỏ trách nhiệm với đường biên, mốc giới là có tội với quốc gia, dân tộc, có tội với con với cháu sau này. Hơn nữa, bỏ sao đành khi mà chính mảnh đất này đã gắn bó với ông Nghĩa từ thời tay trắng. Chính nhờ sống trên mảnh đất này mà giờ đây ông Nghĩa có của ăn, của để, có hơn 20 ha đất để sản xuất, có điều kiện để giúp đỡ nhân dân sống hai bên biên giới. Theo ông Nghĩa, lý do đặc biệt nhất khiến ông không nỡ ra đi chính là trách nhiệm của công dân biên giới gắn liền với cái tên Tà Nghĩa đã theo ông mấy chục năm qua.

Trong những ngày đi dọc đường biên, đến từng phum, ấp biên giới, chạm tay vào từng cột mốc biên cương, dõi theo nhịp sống vùng biên, chúng tôi thật sự cảm phục tính cách khẳng khái, thật thà của những nông dân nơi đây. Tuy đời sống của họ còn nghèo khổ nhưng những suy nghĩ và việc làm của họ rất đáng trân trọng. Họ luôn nghĩ đến Tổ quốc, đặt Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân.

Chúng tôi chợt nhớ đến lời phát biểu của Đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tại hội nghị sơ kết 10 năm Ngày Biên phòng toàn dân: “Nếu không có sự cưu mang đùm bọc, hỗ trợ giúp đỡ của bà con nhân dân sống dọc đường biên thì chúng tôi khó mà hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Chính nhờ tinh thần trách nhiệm của bà con mà chúng ta mới xây dựng được một luỹ thép biên phòng toàn dân vững mạnh như ngày hôm nay!”.

Đ.A - L.Q