PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những cuộc gặp lịch sử của lãnh đạo cấp cao Mỹ - Triều
Thứ hai: 19:08 ngày 25/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổng thống Donald Trump không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên từng gặp gỡ một nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, nhưng ông là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên và duy nhất tính đến nay làm nên điều này.

Trước thềm hội nghị Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội, hãy cùng nhìn lại những cột mốc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao Mỹ với Triều Tiên trong quá khứ.

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter

Tháng 6-1994, ông Jimmy Carter trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử có chuyến thăm đến Triều Tiên, nơi ông đã đặt nền móng cho các cuộc đàm phán ngoại giao tiếp theo. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã đến Triều Tiên qua khu vực DMZ với tư cách cá nhân và có hai vòng đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Il-sung trong một nỗ lực nhằm tháo ngòi nổ cho một cuộc đối đầu hạt nhân. 

Sau chuyến thăm kéo dài 4 ngày đó, tháng 10-1994, chính quyền của Tổng thống Bill Clinton và Triều Tiên đã ký Thỏa thuận khung nhằm đóng băng cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Theo đó, Triều Tiên đã nhất trí đóng băng các hoạt động nguyên tử để đổi lấy 2 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ để sản xuất điện năng và được cung cấp dầu mỏ. Phần lớn các chuyên gia đều nhất trí rằng đây là lần gần nhất Washington ký kết được một thỏa thuận thành công với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright

Trước cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đến Triều Tiên năm 2000 dưới thời chính quyền ông Bill Clinton được coi là chuyến thăm cấp quan chức đương nhiệm cao nhất của Mỹ đến Triều Tiên. 

Tại Bình Nhưỡng, bà đã có cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim Jong-il để mở rộng thỏa thuận đóng băng hạt nhân 1994 và chuẩn bị cho một chuyến thăm có thể diễn ra của Tổng thống Bill Clinton. Nhưng đáng tiếc, những nỗ lực dàn xếp chuyến thăm đã thất bại. 

Chỉ vài tuần trước chuyến thăm của bà Albright, ông Jo Myong-rok, một Tướng quân đội của Triều Tiên đã đến Washington để gặp gỡ Tổng thống Bill Clinton sau khi có những dấu hiệu khả quan trong các cuộc thảo luận của Bình Nhưỡng với Seoul. Ông Jo Myong-rok từng được coi là cánh tay phải của nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Tại Mỹ, ông Jo cũng đã chuyển tận tay Tổng thống Bill Clinton bức thư cá nhân của ông Kim Jong-il.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-il chào đón Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright trong chuyến đi của bà đến Triều Tiên. Ảnh: David Guttenfelder/AP

Cựu Tổng thống Bill Clinton

Trang Foreign Policy từng hé lộ rằng, Tổng thống Bill Clinton khi còn đương nhiệm đã cân nhắc khả năng tới Bình Nhưỡng để đạt thỏa thuận về tên lửa với Triều Tiên trong nhiệm kỳ tổng thống năm 2000. Đó chính là lý do ông cử Ngoại trưởng Mỹ Albright tới Bình Nhưỡng để thăm dò trước cho chuyến đi này. Tuy nhiên, sau chuyến đi của bà Albright, quan điểm về thỏa thuận tên lửa giữa Mỹ và Triều Tiên được cho là quá khác nhau. Kết quả, cuộc gặp thượng đỉnh đã không thể diễn ra. 

Tháng 8-2009, ông Bill Clinton, lúc này là cựu Tổng thống Mỹ, đã có chuyến thăm đầy bất ngờ đến Bình Nhưỡng để nhằm thương lượng với các quan chức chủ nhà về vấn đề hai nữ nhà báo Mỹ bị Triều Tiên kết án 12 năm cải tạo lao động. Chuyến đi diễn ra trong thời điểm căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ lên cao sau các cuộc thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Sự trở lại của ông Carter

Năm 2010, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã có chuyến thăm tiếp theo đến Triều Tiên nhằm đàm phán để thả một tù nhân Mỹ vượt biên trái phép vào nước này. Đây là động thái ngoại giao không mới trong quan hệ hai nước, vì mục đích chuyến đi này cũng không khác là mấy so với chuyến đi của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới Bình Nhưỡng để đưa 2 nhà báo Mỹ về nước năm 2009. 

Tuy nhiên, dư luận đều hiểu rằng, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng nghiêm trọng sau vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc, chuyến đi của nhà cựu lãnh đạo Mỹ đã mang theo hy vọng dịu lại mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Triều, đồng thời hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên. Ông Carter trở lại một năm sau đó cùng nhiều cựu lãnh đạo cấp cao khác của Mỹ với những hi vọng củng cố quan hệ giữa hai nước.

Cựu Tổng thống Bill Clinton chụp ảnh chung cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trong chuyến đi của ông đến Triều Tiên năm 2009. Ảnh: KCNA

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên

Kể từ đó, phải mất tới gần 1 thập kỷ, Mỹ và Triều Tiên đều có nhiều thay đổi cả trong nước lẫn về phương diện ngoại giao. Năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il từ trần, ông Kim Jong-un trở thành Chủ tịch tiếp theo của đất nước này. Năm 2017, ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, mở đường cho những chính sách mới trong quan hệ hai nước. 

Với rất nhiều diễn biến khác nhau, thế giới lần đầu tiên có cơ hội chứng kiến cái bắt tay lịch sử giữa Triều Tiên và Mỹ. 9h50 phút sáng ngày 12-6-2018, tại khách sạn Capella, đảo Sentosa, Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã đi những bước đi đầu tiên trên con đường tiến tới chấm dứt thời kỳ quan hệ đối địch. 

Cái bắt tay 12 giây giữa họ đánh dấu một thời khắc lịch sử, khi lần đầu tiên, lãnh đạo đương nhiệm cao nhất của Mỹ và Triều Tiên gặp nhau. Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc với lễ ký một tuyên bố chung 4 điểm, trong đó Chủ tịch Kim Jong-un tái khẳng định cam kết của mình đối với "tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn" của bán đảo Triều Tiên. Đổi lại, Washington sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, ngừng tập trận chung với Seoul trong giai đoạn đối thoại thiện chí giữa Mỹ và Triều Tiên.

Ngày 27 và 28-2 tới, mọi sự chú ý trên thế giới lại tiếp tục đổ dồn vào hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, diễn ra tại Hà Nội. Giới quan sát kỳ vọng cuộc gặp lần này của lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên có thể giúp 2 bên đi tới một thỏa thuận rõ ràng, đột phá hơn trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Nguồn cand (Theo Reuters, National Interest)

Tin cùng chuyên mục