Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm Bính Thân, xin nêu một số danh nhân tuổi Thân trong lịch sử nước nhà.
Canh Thân 1380 -Nguyễn Trãi (1380 - 1442)
Danh sĩ nhà văn hóa lớn hiệu Ức Trai. Ông sinh ngày 19-9-1442, quê gốc làng Chi Ngại, Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, Thượng Phúc, Hà Đông (nay là Hà Nội). Đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi từng làm quan dưới triều Hồ.
Sau khi Việt Nam bị rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo và trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn, tác giả của Bình Ngô đại cáo.
Bức họa chân dung Nguyễn Trãi. |
Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông. Nguyễn Trãi là một nhà văn hóa lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc Việt Nam.
Canh Thân 1460 -Lương Thế Vinh (1460 - 1496)
Danh sĩ đời Lê Thánh Tông, còn gọi là Trạng Lường, quê xã cao Hương, Thiên Bản, Nam Định (nay là Vụ Bản). Năm 1463 đỗ Trạng Nguyên ở tuổi 23. Về sau làm quan với các chức Trực học sĩ, Thị thư và Chưởng viên sư ở Viện hàn lâm.
Ông là nhà toán học, Phật học và là một trong 28 nhà thơ của Hội tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập ra năm 1495... Ông soạn các sách về đạo Phật và về toán học. Ông mất ngày 2-10-1496 tại quê nhà.
Bức họa chân dung Lương Thế Vinh. |
Nhâm Thân 1572 -Đào Duy Từ (1572 - 1639)
Danh thần giúp chúa Nguyễn mở cơ nghiệp, quê làng Hoa Trai, Ngọc Sơn, Tĩnh gia, Thanh Hóa. Ông tinh thông kinh sử, tinh thâm lý số. Vì thân phụ xuất thân trong nghề ca hát nên ông không thể tiến thân qua thi cử. Bất đắc chí ông bỏ vào Nam, khuất thân ở chăn trâu tại Bình Định.
Tiếng tăm khiến Khán lý ở Quy Nhơn gả con gái cho và tiến cử lên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Ông giúp chúa Nguyễn về quân sự, chính trị, văn hóa, đương đầu với Chúa Trịnh đến thắng lợi. Năm 1631 ông cho đắp Lũy Thầy từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu. Ông mất ngày 17-10-1634, để lại một bộ Binh thư và hai trước tác văn học.
Bức họa chân dung Đào Duy Từ. |
Nhâm Thân 1872 -Phan Chu Trinh (1872 - 1926)
Còn gọi là Phan Chu Trinh, hiệu Tây Hồ, chí sĩ yêu nước, ông sinh ngày 9-9-1872, quê ở Quảng Nam, chủ trì vận động Duy Tân dân chủ. Năm 1887 ông bí mật sang Nhật, gặp cụ Phan Bội Châu trao đổi ý kiến về việc cứu nước.
Năm 1905, ông từ quan, rồi cùng với Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tổ chức Nam du để tìm hiểu dân tình. Sau đó Phan Châu Trinh ra Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội để gặp gỡ và hội ý với các sĩ phu tiến bộ, rồi lên căn cứ Ðề Thám quan sát tình hình. Năm 1906, ông bí mật sang Quảng Ðông gặp Phan Bội Châu, trao đổi ý kiến rồi cùng sang Nhật Bản, tiếp xúc với nhiều nhà chính trị tại đây.
Phan Châu Trinh chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế - văn hóa, học những tư tưởng tiến bộ của phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu... Khẩu hiệu là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Phong trào thực hiện mục tiêu cải tạo con người và xã hội Việt Nam bằng cách khuyến khích cải cách giáo dục. Tháng 3-1908, phong trào chống sưu thuế Trung kỳ nổ ra, và bị đàn áp dữ dội. Phan Châu Trinh cùng nhiều chiến hữu bị bắt ở Hà Nội, giải về Huế.
Nhà ái quốc Phan Chu Trinh. |
Nam triều muốn khép ông vào tội chết. Nhưng nhờ sự can thiệp của những người Pháp thiện chí và những đại diện của Hội Nhân quyền tại Hà Nội, họ buộc phải đầy ông đi Côn Ðảo. Nhờ dư luận đấu tranh trong và ngoài nước tháng 8-1910 ông được đưa về đất liền. Ông được ân xá, nhưng buộc chịu quản thúc ở Mỹ Tho. Ông viết thư cho Toàn quyền Ðông Dương nhất định không chịu cảnh bị giam lỏng ở Mỹ Tho.
Năm 1911, chính quyền Ðông Dương đưa ông sang Pháp và ông đã tận dụng cơ hội để tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, Phan Châu Trinh bị giam ở Paris. Tháng 7-1915, vì không đủ bằng chứng buộc tội, chính quyền Pháp phải trả tự do cho ông.
Ra tù, ông học nghề rửa ảnh rồi làm thuê cho các hiệu chụp ảnh để kiếm sống và tiếp tục hoạt động. Ngày 19-6-1919, Phan Châu Trinh cùng các bạn soạn bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi cho Hội nghị Versailles.
Mãi đến năm 1925, khi thấy sức khỏe ông đã suy yếu, nhà cầm quyền Pháp mới cho phép ông về nước. Khoảng thời gian này, ông viết cuốn Đông Dương chính trị luận. Sau khi về nước tuy bị bệnh nhưng Phan Châu Trinh cố gắng diễn thuyết thêm hai đề tài là Ðạo đức và luân lý Đông Tây, Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa. Vào lúc 21 giờ 30 ngày 24-3-1926 ông qua đời, hưởng dương 54 tuổi.
Bính Thân 1896 - Hoàng Ngọc Phách (1896 - 1973)
Nhà giáo, nhà văn, bút danh Song An, sinh ngày 20-8-1896, quê làng Đức Phong, Đông Thái, Đức Thọ, Hà Tĩnh (nay là xã Tùng Ảnh). Ông tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm Đông Dương, dạy học nhiều trường và viết văn. Ông nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Tố Tâm (1925).
Ông tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ và tham gia phong trào Việt Minh tại Bắc Ninh. Sau cách mạng tháng Tám lần lượt làm Giám đốc học khu Bắc Ninh, Giám đốc Giáo dục khu XII, Giám đốc Cao đẳng Sư phạm Trung ương rồi về công tác tại ban tu thư Bộ Giáo dục. Ông mất ngày 24-11-1973 tại Hà Nội. Ông để lại 12 tác phẩm đã xuất bản về văn học.
Nhà văn Hoàng Ngọc Phách. |
Bính Thân 1896 -Phạm Hồng Thái (1896 - 1924)
Ông tên thật là Phạm Thành Tích, quê làng Ngọc Điễu, Nghệ An... Ông ra Bắc để liên lạc với các nhà cách mạng. Ông làm công nhân mỏ Hòn Gai, rồi liên lạc được với Việt nam Quang phục hội, ông vượt biên sang Xiêm rồi sang Quảng Châu vào cuối năm 1918. Tháng 4-1924 ông gia nhập Tâm Tâm Xã. Ngày 19-6-1924, sau khi viết bảng cáo trạng tố cáo tội ác của thực dân Pháp đến nhân dân toàn thế giới, Phạm Hồng Thái giả dạng ký giả vào khách sạn Victoria tại tô giới Sa Diện ở Quảng Châu để ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin.
Trong bữa tiệc ông đã quăng một quả lựu đạn được ngụy trang trong một chiếc máy ảnh vào giữa bàn tiệc. Tuy nhiên vụ mưu sát không thành, Merlin chỉ bị thương nhẹ và thoát chết. Phạm Hồng Thái thoát được khỏi khách sạn nhưng bị truy nã gắt gao nên phải gieo mình xuống dòng Châu Giang tự vẫn khi mới 28 tuổi.
Phạm Hồng Thái. |
Sự kiện này được nêu tên gọi “Tiếng bom Sa Diện” làm chấn động thời sự trong vùng. Thi hài Phạm Hồng Thái được chính phủ Tôn Trung Sơn trân trọng chôn cất ở Đài liệt sĩ Hoàng Hoa Cương với 72 liệt sĩ Trung Quốc trong cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911.
Mậu Thân 1908 -Ngô Gia Tự (1908 - 1935)
Liệt sĩ cách mạng sinh ngày 3-12-1908, quê làng Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc huyện Tiên Sơn). Năm 1927, ông tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, được Kỳ bộ Bắc kỳ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội chỉ định vào Tỉnh bộ Bắc Ninh để gây dựng cơ sở ở địa phương.
Năm 1928, Ngô Gia Tự được đưa về hoạt động tại Kỳ bộ Bắc kỳ. Ngày 1-5-1929, Đại hội toàn quốc của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội họp ở Hương Cảng. Đoàn đại biểu miền Bắc mà vai trò kiên quyết Ngô Gia Tự đưa ra đề nghị giải tán Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, thành lập Đảng Cộng sản. Sau đó thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, Ngô Gia Tự đã vào Sài Gòn làm phu đẩy xe than, làm công nhân khuân vác ở các bến tàu. Tháng 3-1929, ông giúp thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.
Ngô Gia Tự. |
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam kỳ. Đến cuối năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Sau hơn 2 năm bị giam giữ, ngày 2-5-1933, thực dân Pháp đưa Ngô Gia Tự ra phiên tòa “đại hình đặc biệt”, và đày ra Côn Đảo vào tháng 5-1933. Ông bị mất tích trong một chuyến vượt ngục đầu năm 1935 cùng với các bạn tù khác.
Mậu Thân 1908 -Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932)
Liệt sĩ cách mạng quê làng Thụy Hà, Thụy Anh, Thái Bình (nay là Diêm Điền, Thái Thụy). Năm 1925 tham gia tổ chức truy điệu Phan Châu Trinh nên bị đuổi học. Lên Hà Nội sinh sống và hoạt động. Tháng 9-1927 sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội rồi gia nhập tổ chức này. Sau khi về nước, tháng 2-1928 được phân công làm Ủy viên Kỳ bộ Bắc kỳ và làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng.
Tháng 9-1928 làm công nhân xưởng Caron và lãnh đạo công nhân trong các đợt đấu tranh với giới chủ. Năm 1929 đứng ra thành lập Tổng Công hội Bắc kỳ.
Nguyễn Đức Cảnh. |
Ngày 3-2-1930 tham gia thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương với tư cách là đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng. Cuối năm 1930 được bầu vào Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ, phụ trách tuyên truyền. Cuối năm 1931 ông bị bắt ở Vinh. Ngày 31-7-1932 ông bị Pháp xử chém tại Hải Phòng khi mới 24 tuổi.
Nguồn CA.TP.HCM