Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thủ tướng có nói, chúng ta quyết không để cho ai tụt lại phía sau, cụ thể là không thể để cho cả trăm ngàn hộ dân còn phải sống trong cảnh nhà tạm, nhà dột nát.
Nội dung hội nghị triển khai Nghị quyết kỳ này chủ yếu là tập trung cao nhất việc “về đích” trong công cuộc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong các năm của nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời truyền đạt những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIV của Đảng và Dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, cùng một số nội dung tiến đến Đại hội XIV của Đảng.
- Sao thế ông nhà báo, hôm nay ngày nghỉ cuối tuần mà tới xế trưa ông mới đến hẹn “cà phê đàm” là sao?
- Cáo lỗi bạn đọc thân mến, buổi sáng hôm ngay mình bận đi học tập Nghị quyết Trung ương 10 khoá XIII mà quên báo với quý bạn.
- À, ra là ông đi dự hội nghị vừa trực tiếp vừa trực tuyến đến gần mười lăm ngàn điểm cầu với hơn một triệu hai trăm ngàn người dự trên toàn quốc đó hả! Ông được học tập, nghiên cứu Nghị quyết Trung ương, ông tiếp thu được gì, có điều gì tâm đắc có thể chia sẻ cho tôi cùng hiểu biết được không?
- Tất nhiên là được rồi, Nghị quyết của Đảng có lan toả tới người dân mới huy động được sức dân đóng góp xây dựng, phát triển đất nước chứ. Bàn Dân sẽ cố gắng nói thật vắn tắt cho ông nghe. Nội dung hội nghị triển khai Nghị quyết kỳ này chủ yếu là tập trung cao nhất việc “về đích” trong công cuộc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong các năm của nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời truyền đạt những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIV của Đảng và Dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, cùng một số nội dung tiến đến Đại hội XIV của Đảng…
- Vậy thì nội dung triển khai kỳ này không chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm mà là tới cả một chặng đường dài tới bốn mươi năm. Đủ thời gian để sinh ra và lớn lên cả hai thế hệ!
- Vâng, do vậy mà đối với những ai chưa sinh ra và lớn lên hơn 40 năm trước, ắt khó mà hình dung được trong thời gian đó đất nước ta đã phải vượt qua khó khăn, gian khổ, thử thách, chông gai như thế nào mới phát triển được như hôm nay.
Về nội dung này, theo Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng thì: “Đây là một công việc hết sức hệ trọng, bởi chúng ta phải tổng kết, đánh giá, nhìn nhận lại 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới để làm sâu sắc, làm rõ hơn tiến trình Đổi mới với những thành tựu và đặc biệt là Đảng rút ra bài học để lãnh đạo, chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển đất nước trong những năm cuối trước khi chúng ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
- Phải rồi, tôi còn nhớ hồi đầu năm nay, trong cuộc hội thảo “Việt Nam 40 năm Đổi mới và Tầm nhìn 2045”, do Học viện tổ chức, chính ông Giám đốc Học viện ấy đã nhận định, nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, GDP 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, trong gần 40 năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần những năm đầu đổi mới.
Bên cạnh đó từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, nước ta thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư nước ngoài năm 2023 đạt 23 tỷ USD, đây là mức đầu tư cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
- Chuyện đất nước phát triển sau 40 năm đổi mới có rất nhiều sự thăng tiến vượt bậc khiến thế giới thán phục. Còn việc nhìn lại những năm vừa qua của nhiệm kỳ Đại hội XIII, Bàn Dân còn được nghe Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong giai đoạn gần 5 năm qua, chúng ta đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu và nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; chỉ số con người được cải thiện; chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc so năm 2023, xếp thứ 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo nền tảng cho giai đoạn sau phát triển cao hơn.
- Chuyện “quốc gia đại sự” nhiều năm duy trì phát triển với tốc độ cao như thế rõ ràng là hết sức đáng mừng. Nhưng, ông có thể nói cho tôi biết, điều ông tâm đắc nhất trong buổi học tập nghị quyết hồi sáng chủ nhật 20.10 này là điều gì không?
- Ngại gì không nói, mặc dù điều đó Bàn Dân đã viết hồi đầu tháng rồi, đó là chuyện “Mái ấm cho đồng bào tôi” ấy mà! Đó là khi báo cáo về phát triển kinh tế xã hội 5 năm gần đây, Thủ tướng có nói, chúng ta quyết không để cho ai tụt lại phía sau, cụ thể là không thể để cho cả trăm ngàn hộ dân còn phải sống trong cảnh nhà tạm, nhà dột nát.
Do vậy từ đầu năm Chính phủ đã phát động phong trào “xoá nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến cuối năm 2025. Sau nửa năm phát động, từ 170.000 hộ ở nhà tạm, nhà dột nát đã giảm xuống còn 150.000 hộ.
Do vậy để tăng tốc phong trào này, vừa qua Chính phủ đã phát động chương trình “Mái ấm cho đồng bào tôi” và chỉ trong một đêm Ban Chỉ đạo phong trào từ Trung ương đến địa phương đã vận động được hơn 6.000 tỷ đồng. Gần đủ để xoá hết 150.000 căn nhà tạm, nhà dột nát trước thời điểm cuối năm 2025. Cũng có nghĩa là nước ta sẽ không còn những căn “nhà không ra nhà” ấy trước thềm Đại hội XIV của Đảng.
Bàn Dân