BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 180 năm- Tây Ninh hình thành và phát triển:

Những dấu ấn trên chặng đường đã qua

Cập nhật ngày: 20/07/2016 - 03:23

Nhà truyền thống Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Trong những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh đã và đang rộn ràng tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển (1836 – 2016).

Kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Căn cứ ý kiến thống nhất của Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Nội vụ và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) - xác định thời gian ra đời vùng đất Tây Ninh là vào mùa thu năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17), lãnh đạo tỉnh đã chọn ngày 9.9.2016 là ngày tổ chức kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển.

Đề án kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển đã được UBND tỉnh Tây Ninh ra quyết định ban hành từ giữa tháng 7.2015 với mục đích hệ thống các sự kiện lịch sử để thông qua đó cụ thể hoá các chương trình hoạt động kỷ niệm của tỉnh; đồng thời cũng là dịp để ôn lại lịch sử truyền thống đầy tự hào do ông cha để lại, tưởng nhớ công lao của các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, bảo vệ, giữ gìn cho vùng đất Tây Ninh mãi vững bền cho đến ngày nay.

Mùa thu năm 1836, năm Minh Mạng thứ 17, diễn ra sự kiện đổi tên tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định, lập thêm phủ mới là phủ Tây Ninh, từ đây tên gọi Tây Ninh chính thức có tên trên bản đồ hành chính cả nước. Theo quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí, phủ Tây Ninh lúc bấy giờ có 2 huyện Tân Ninh và Quang Hoá. Từ đây chúng ta thử nhìn lại để cảm nhận những dấu ấn của một chặng đường lịch sử đã qua trên mảnh đất Tây Ninh anh dũng kiên cường.

 Năm 1859 là năm đầy ắp các sự kiện nhưng sự kiện quan trọng là Pháp đánh chiếm Gia Định. Khi Tây Ninh bị Pháp tiến chiếm, các ông Khâm Tấn Tường, Lãnh binh Két đã lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp. Tháng 6 năm 1862, trước sức ép của thực dân Pháp, triều đình Tự Đức buộc phải ký kết hiệp ước chia cắt ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (Biên Hoà, Gia Định và Định Tường) cho Pháp và thiết lập cơ cấu hành chính mới, phủ Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Định.

Tháng 1.1876, Thống đốc Nam kỳ thuộc Pháp ra Nghị định phân chia Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, mỗi khu vực lại được chia thành các tiểu khu hành chính. Tỉnh Gia Định chia thành 4 tiểu khu: Gia Định, Tây Ninh, Tân An và Chợ Lớn, từ thời điểm này, tiểu khu Tây Ninh thuộc khu vực hành chính Sài Gòn. Ngày 1.1.1900, Tiểu khu Tây Ninh chính thức đổi tên thành tỉnh Tây Ninh. Năm 1930, cơ sở Đảng đầu tiên của Tây Ninh được thành lập tại Giồng Nần (nay thuộc ấp Long Đại, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành).

Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Tây Ninh nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền vào đêm 25.8. Ngày 26.1.1960, dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ huy quân sự Miền và Tỉnh uỷ Tây Ninh, quân dân Tây Ninh cùng các lực lượng vũ trang Miền tập kích thắng lợi thành Tua Hai (nay thuộc xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành). Tháng 2.1960, tại căn cứ Bắc Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập.

Tháng 4.1967, quân dân Tây Ninh cùng với các lực lượng vũ trang đánh bại cuộc hành quân với quy mô lớn của Mỹ, trận càn Junction City (di tích lưu niệm Junction City nay thuộc khu phố 2, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu).

Tháng 1.1975, toàn bộ núi Bà Đen được giải phóng, góp phần giải phóng Tây Ninh vào lúc 11 giờ trưa ngày 30.4.1975- cũng là ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 1.1979, kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam. Năm 1989, Tây Ninh hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.

Tháng 1.1985, sau gần 5 năm thi công xây dựng, Tây Ninh đã hoàn thành công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng với dung tích 1,5 tỷ m3 nước- đây là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Năm 1986, Tây Ninh cùng với cả nước bắt đầu sự nghiệp đổi mới đất nước.

Hồ Dầu Tiếng.

Tháng 5.2012, di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được Chính phủ xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Tháng 12.2013, thị xã Tây Ninh chính thức được công nhận là thành phố Tây Ninh; đây là thành tựu vô cùng quan trọng của Tây Ninh sau gần 40 năm giải phóng và gần 20 năm đổi mới, để Tây Ninh vững bước tiến lên sánh vai cùng các địa phương cả nước trên đường hội nhập và phát triển.

Nhìn lại chặng đường 180 năm của tỉnh nhà sẽ thấy: để tạo nên những dấu ấn lịch sử- như những mốc son chói lọi, quân dân Tây Ninh từng trải qua biết bao hy sinh gian khó, biết bao mất mát đau thương. Lịch sử không thể thay đổi, chúng ta vẫn phải luôn hướng về phía trước để không ngừng đi lên từ những trang sử vẻ vang của quê hương mình- nối tiếp chặng đường 180năm – Tây Ninh hình thành và phát triển với tất cả niềm tự hào.

V.H.M